Giao thông - Đô thị

“Bài toán” khó về xử lý vi phạm hành lang giao thông đã có lời giải

HÀ NGA 28/12/2023 06:00

Với sự chỉ đạo quyết liệt, bằng những giải pháp cụ thể, việc giải tỏa hành lang an toàn giao thông tại một số địa phương ở Hải Dương đã có những chuyển biến tích cực. “Bài toán” khó xử lý những vi phạm này đã có lời giải.

00:00

d01b73fa47f6efa8b6e7.jpg
Ban An toàn giao thông TP Chí Linh giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông trên quốc lộ 37

Quyết tâm “xóa” vi phạm

Ngày 25/7/2023, tại km 4+708 đường tỉnh 398, nhà ông N.D.B. ở phường Cộng Hòa (Chí Linh) tổ chức xây móng, tường cổng trong hành lang giao thông đường bộ, cách tim đường 398 là 12,5 m, bám mặt đường 20 m. Ngay sau khi phát hiện vi phạm, UBND phường Cộng Hòa và Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố đã đến tuyên truyền, nhắc nhở chủ hộ xây dựng đúng chỉ giới hành lang an toàn giao thông. Qua đó, gia đình ông B. đã phá bỏ toàn bộ tường, móng và xây tường lùi lại bảo đảm đúng chỉ giới hành lang an toàn giao thông.

Trước đó, tại km78+400 quốc lộ 37, ông D.V.N. ở phường Đồng Lạc (cùng ở Chí Linh) đã san lấp mặt bằng trên đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong hành lang giao thông, chiều bám mặt đường 15 m. Ông N. đã bị UBND phường Đồng Lạc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ông N. đã chấp hành nộp phạt, khắc phục, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu.

Trên đây là 2 ví dụ trong 11 vụ việc vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn Chí Linh đã được xử lý xong. TP Chí Linh cũng là địa phương duy nhất của tỉnh hiện không còn tồn tại vi phạm hành lang an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh.

Để tăng cường công tác quản lý trật tự, vỉa hè, lòng lề đường, xây dựng trái phép trên hành lang giao thông, hằng năm, Ban An toàn giao thông TP Chí Linh phối hợp ra quân giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn giao thông. UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, Đội Quản lý trật tự đô thị, đơn vị quản lý đường phối hợp UBND các xã, phường kiểm tra, xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi bán hàng, tập kết vật liệu, rửa xe, họp chợ, nhất là giải tỏa lấn chiếm lòng đường các chợ Văn An, Tân Dân, An Lạc, Thái Học, Sao Đỏ. Riêng công tác xử lý xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, UBND thành phố yêu cầu các xã, phường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm để kịp thời ngăn chặn. Nếu có vi phạm thì thực hiện xử phạt, kiên quyết xử lý, tháo dỡ phần công trình vi phạm, trong trường hợp người vi phạm không tự tháo dỡ sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

ng-giai-toa.jpg
Hội nghị triển khai kế hoạch giải toả các điểm vi phạm hàng lang an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ, đường tỉnh và kế hoạch thực hiện đợt cao điểm giải toả vi phạm hành lang đường bộ đợt 2 năm 2023 của Ban An toàn giao thông huyện Ninh Giang (ảnh cơ sở cung cấp)

Tại cuộc họp sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 7 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo phải thực hiện giải toả xong tất cả các vụ vi phạm đất đường bộ, hành lang an toàn đường bộ trước ngày 30/9/2023. Thực hiện chỉ đạo này, UBND huyện Ninh Giang đã xây dựng kế hoạch và tập trung xử lý, giải tỏa các điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông tại tuyến quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn huyện. Kết quả, Ninh Giang đã thực hiện giải tỏa 28 trường hợp vi phạm. Các phường hợp còn tồn tại đa số là vi phạm trên đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vi phạm của hộ dân không ảnh hưởng đến tầm nhìn an toàn giao thông...

Giải quyết từng nhóm vấn đề

Theo số liệu tổng hợp đến tháng 10/2023, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã xử lý 158 vụ trong tổng số 625 vụ vi phạm hành lang giao thông; còn 467 vụ tồn tại chưa giải quyết. Trong đó các địa phương đang xây dựng kế hoạch giải toả 28 vụ trong thời gian tới.

Đối với hơn 400 vụ việc còn tồn tại phân thành 5 nhóm điển hình. Nhóm thứ nhất là các vi phạm xây dựng công trình, san lấp, đấu nối của các tổ chức, doanh nghiệp phù hợp quy hoạch nhưng thiếu thủ tục theo quy định. Nhóm thứ hai là các vi phạm xây dựng công trình, san lấp, đấu nối của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trái phép, không đúng quy hoạch. Nhóm thứ ba là các vi phạm của các hộ dân sinh sống hai bên đường xây dựng công trình trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ (chủ yếu nhà ở kiên cố) trên diện tích phần đất ở hợp pháp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đất có giấy tờ. Nhóm thứ tư là các vi phạm của các hộ dân sinh sống hai bên đường xây dựng các công trình (chủ yếu nhà tạm, lán, mái, cổng, tường rào… phía trước phần đất hợp pháp) trên phần đất công trái phép trong hành lang an toàn đường bộ. Nhóm thứ năm là các vi phạm thường xuyên lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để họp chợ, bày bán hàng quán, biển quảng cáo, tập kết vật liệu xây dựng, dựng rạp đám hiếu, đám hỷ… trên các tuyến đường.

0b8f0e90279c8fc2d68d.jpg
Ban An toàn giao thông thị xã Kinh Môn giải tỏa biển quảng cáo lấn chiếm hành lang giao thông

Theo các địa phương, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm hành lang giao thông chủ yếu thuộc nhóm ba và bốn. Nhiều trường hợp vi phạm nằm trong phần đất hợp pháp chưa đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định; các tổ chức, cá nhân vẫn cố tình xây dựng lấn chiếm, sử dụng đất công (ngoài phần đất hợp pháp) trong hành lang an toàn đường bộ để sản xuất, kinh doanh...

Sở Giao thông vận tải đã đề xuất đối với từng nhóm vi phạm sẽ có những hướng giải quyết khác nhau và đều trên tinh thần “rõ việc, rõ trách nhiệm”, cụ thể hóa nội dung thực hiện và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đối với những vụ việc phức tạp, việc xử lý bảo đảm quy trình và ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời đề nghị UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch xử lý, báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo giải quyết.

HÀ NGA
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Bài toán” khó về xử lý vi phạm hành lang giao thông đã có lời giải