Câu chuyện bà mẹ A.M tại Hưng Yên sinh con bằng phương pháp thuận tự nhiên (Liên sinh – Lotus Birth) đang gây ra nhiều ý kiến tranh cãi.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung
Chị M. tự sinh tại nhà, không chích ngừa vắc xin, không cắt dây rốn mà đặt con cạnh bánh nhau suốt 6 ngày đến khi rốn rụng.
Là bác sĩ sản khoa nhiều kinh nghiệm, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng khoa sản Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) cho rằng đây là cách sinh quay lại thời tiền sử, đi ngược lại với sự tiến hoá.
Theo bác sĩ Dung, đây chỉ là trường hợp may mắn sống sót, các bà mẹ không nên coi đó là thành tích để học theo.
Bác sĩ Dung phân tích, trong quá trình đẻ, sản phụ có nguy cơ đờ tử cung gây băng huyết bất cứ lúc nào – đây là biến chứng nguy hiểm, gây tử vong hàng đầu ở mẹ. Nếu không được cấp cứu, truyền máu kịp thời, sản phụ có thể tử vong chỉ trong vòng 30 phút.
Ngoài băng huyết, bản thân sản phụ và ngay cả đứa trẻ cũng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Thông thường, nếu đẻ tại bệnh viện, mọi chỉ số sẽ được theo dõi sát sao, từ sức khoẻ của mẹ, bánh nhau đến nước ối... tránh tình trạng bị nhiễm độc thai nghén.
“Lúc chuyển dạ, nếu ngôi thai nằm bất thường, thai quá to sẽ không chui ra được. Dù ngôi thuận đi nữa nhưng chuyển dạ dài dễ dẫn đến suy thai. Chưa kể nếu ngôi ngược thì càng không thể tự đẻ, nếu bị kẹt nhau thai là tử vong”, bác sĩ Dung nói.
Bác sĩ Dung cũng cho rằng, việc không chích ngừa cho trẻ là đi ngược lại sự tiến hoá, trong khi tuổi thọ trung bình của con người ngày càng được cải thiện cũng nhờ một phần vào hệ thống y tế dự phòng. Với mẹ có viêm gan B, bắt buộc trong 24 giờ đầu phải tiêm vắc xin ngừa viêm gan B cho trẻ.
Dù có hàng chục năm kinh nghiệm về sản khoa nhưng bác sĩ Dung cho biết chưa từng nhận được lời đề nghị nào về làm bà đỡ tại nhà. Bản thân bác sĩ khi thấy hình ảnh bé nằm cạnh bánh nhau cũng rất hoảng hốt.
“Chúng ta hình dung đơn giản thế này, một miếng thịt để 6 tiếng ở ngoài trời đã thiu nói chi để bánh nhau 6 ngày cạnh con như thế. Khi bánh nhau bị phân huỷ, vi khuẩn hoàn toàn có thể theo dây rốn xâm nhập vào đứa trẻ, gây nhiễm trùng máu. Đến như con vật khi sinh còn tìm cách tự cắt rốn cho con thì cớ gì chúng ta lại quay lại thời tiền sử”, bác sĩ Dung phân tích.
Phương pháp liên sinh (Lotus Birth) - không cắt rốn mà để cạnh bánh nhau chờ ngày rụng được biết trên thế giới lần đầu năm 1974.
Nhiều người tin rằng, việc đặt bé cạnh bánh nhau sẽ giúp bé có thêm các dưỡng chất từ nhau thai ngay cả khi đã rời bụng mẹ và tăng thêm sức đề kháng. Tuy nhiên đến nay phương pháp này vẫn còn nhiều tranh cãi.
THÚY HẠNH (Vietnamnet)