Một quy định vừa được Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) ký, công bố theo hình thức "khẩn" để sửa quy định của chính vụ này ban hành trước đó hơn 1 tháng.
Do sức ép rất căng thẳng từ các bác sĩ, hôm 2.11, ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) đã phải ký văn bản khẩn để sửa đổi quy định về hướng dẫn chi trả dịch vụ xét nghiệm đường máu mao mạch.
Theo đó, Quỹ Bảo hiểm tế sẽ thanh toán xét nghiệm đường máu mao mạch căn cứ vào số lần xét nghiệm thực tế, theo yêu cầu chuyên môn.
Trước đó, vào ngày 12.9, ông Lê Văn Khảm ký công văn hướng dẫn chi trả dịch vụ xét nghiệm đường máu mao mạch, do có những vướng mắc tại bệnh viện trong chi trả dịch vụ này. Theo công văn, số lần xét nghiệm đường máu mao mạch không được quá 2 lần/người bệnh/ngày.
Công văn này đã bị giới bác sĩ trực tiếp điều trị tại bệnh viện phản đối, cho rằng Bộ Y tế ra quyết định khi chưa tham vấn ý kiến chuyên môn.
Bác sĩ Ngô Hùng (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ trong trường hợp bệnh nhân biến chứng cấp tính đái tháo đường còn phải làm đường máu mao mạch 1giờ/lần để điều chỉnh chỉ số insulin. Thế giới đã phát minh ra thiết bị theo dõi đường máu liên tục cũng nhằm theo dõi chỉ số này. Việc Bộ Y tế quy định cứng sẽ gây khó khăn cho điều trị.
Bác sĩ Hùng cũng cho rằng bệnh nhân đái tháo đường có tăng đường huyết sau ăn, cần phải làm đường huyết mao mạch trước và sau các bữa ăn để theo dõi. Nhiều bác sĩ cũng cho biết nếu quy định như công văn này, giới bác sĩ sẽ phải... mua máy để xét nghiệm cho bệnh nhân.
Không chỉ các bác sĩ ở Hà Nội, TP.HCM, giới bác sĩ ở nhiều địa phương cũng đều lên tiếng phản đối quyết định này và cho biết nếu không thay đổi, cả bác sĩ và người bệnh đều sẽ gặp khó.
Một số bệnh viện cũng đã gặp vướng mắc trong thanh toán chi phí xét nghiệm đường máu mao mạch, do phía bảo hiểm cho rằng số lượng xét nghiệm bất hợp lý. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cho rằng việc quy định không phù hợp với chuyên môn cần được gỡ bỏ để bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Theo Tuổi trẻ