Một nghiên cứu trên 3.944 bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ cho thấy 49% trong đó nghiện hút thuốc lá, 46% có rối loạn mỡ máu, 36% tăng huyết áp.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Tạ Vương Khoa, Phó trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh) bình quân cứ 4-5 bệnh nhân đột quỵ nhập viện tại đây lại có 1 trường hợp là người trẻ (đột quỵ ở người dưới 45-50 tuổi).
Bác sĩ Khoa cho hay trên thế giới, số lượng người trẻ bị đột quỵ cũng tăng dần trong khoảng 30 năm qua. Một phần nguyên nhân quan trọng đến từ áp lực công việc ngày càng cao, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý, chế độ ăn uống và vận động thiếu khoa học.
Tình trạng này dẫn đến một số bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu ngày càng trẻ hóa, đó cũng là các yếu tố nguy cơ đột quỵ kinh điển.
Bác sĩ Khoa cho hay các yếu tố nguy cơ tim mạch kinh điển gắn liền với tăng nguy cơ đột quỵ ở người lớn tuổi cũng hiện diện ở người trẻ, chỉ khác nhau về tỷ lệ. Nếu tăng huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường là 3 yếu tố nguy cơ hàng đầu ở người lớn tuổi thì ở người trẻ, yếu tố nguy cơ là nghiện hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp.
Bác sĩ này dẫn chứng một nghiên cứu tại châu Âu trên 3.944 bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ cho thấy, có 49% nghiện hút thuốc lá, 46% có rối loạn mỡ máu, 36% có tăng huyết áp. Đái tháo đường liên quan hạn chế với người trẻ đột quỵ người trẻ có lẽ vì bệnh chưa đủ thời gian gây tổn hại cơ quan đích.
Một số yếu tố nguy cơ khác chỉ gặp hoặc gặp ưu thế ở người trẻ là mang thai, uống thuốc tránh thai, nghiện rượu, ma túy, béo phì.
Để phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ Khoa cho hay người trẻ cần thiết lập một môi trường sống thoải mái về tinh thần lẫn thể chất, chế độ ăn uống khoa học như giảm mặn, giảm tinh bột, giảm béo, tăng cường rau xanh và trái cây. Ngoài ra, cần duy trì tập thể dục thể thao, bỏ hẳn thuốc lá, hạn chế bia rượu, không sử dụng ma túy.
Bên cạnh đó, có thể thay đổi biện pháp ngừa thai nếu nghi ngờ thuốc đang uống liên quan với đột quỵ, đồng thời cần nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ.
"Thực tế cho thấy rất nhiều người trẻ khá chủ quan, không hề quan tâm tiền sử bệnh lý, chỉ đến khi bị đột quỵ nhập viện mới ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ thông báo mình mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường trước đó trong thời gian dài", bác sĩ Khoa nói.
Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi một mạch máu não bị tắc hoặc bị vỡ, hậu quả là người bệnh bị tàn phế hoặc tử vong. Năm 2015, có 6,5 triệu người trên thế giới chết vì đột quỵ và dự báo đến năm 2030, con số này sẽ là 7,8 triệu người.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ và khoảng 20% trong số đó tử vong.
Theo Vietnamnet