Bắc Kạn nhưng thật không khô

22/01/2018 07:59

Chúng ta đều biết sinh thời nhà thơ Xuân Diệu không chỉ làm nhiều thơ tình hay mà ông bình thơ cũng rất tuyệt.

Chúng ta đều biết sinh thời nhà thơ Xuân Diệu không chỉ làm nhiều thơ tình hay mà ông bình thơ cũng rất tuyệt. Sẵn sàng đem thơ đến với công chúng, ông không nề hà về cự ly xa gần hoặc đi bằng bất cứ phương tiện gì. Có lần ông đạp xe 64 km từ Hà Nội về Hưng Yên. Một lần khác, về nói chuyện thơ với thầy trò Trường cấp III Nam Sách (Hải Dương), sau khi đi xe lửa từ Hà Nội đến ga Hải Dương, ông ngồi xích lô ra bến đò Hàn, đi thuyền qua sông Kinh Thầy rồi lại đi tiếp xích lô về trường. Nơi nào có người yêu thơ mời là ông đi, dù là cơ quan, đơn vị, trường học, trí thức, công nhân, nông dân ông đều không phân biệt, miễn sao có sự mến mộ của người yêu thơ.

Từ miền núi xa xôi như tỉnh Bắc Kạn, cách Hà Nội hơn 200 km cũng "kéo" được Xuân Diệu đi ô tô khách lên nói chuyện thơ. Dịp ấy là năm 1970, tại Trường Trung cấp Bưu điện Việt Bắc cách thị xã Bắc Kạn chừng 6 km, ông bình thơ Bác Hồ hai buổi liền mà không biết mệt, sáng hôm sau còn bình Truyện Kiều. Sau khi kết thúc buổi nói chuyện, Ban tổ chức đưa ông bằng xe đạp ra Bưu điện thị xã, nhờ xe thư đưa nhà thơ về Hà Nội. Trong khi chờ xe thư đến, một nữ nhân viên bưu điện nói với ông:

- Tiếc quá, hôm qua em không có thời gian vào Trường Bưu điện nghe bác bình thơ.

Nhà thơ nhìn cô gái gật đầu: "Thế bây giờ cô nghe bình thơ không, tôi sẵn sàng, có ngay".

Cô gái mỉm cười, chưa kịp trả lời, Xuân Diệu liền đọc bài Đũa mun. Nghe giọng Nghệ An pha Bình Định là lạ, một số nhân viên cùng cơ quan kéo tới nghe nhà thơ nổi tiếng đọc thơ. Căn phòng nhỏ chật kín người từ lúc nào không biết nữa. Đọc đến bài thứ ba thì xe thư đến, ông tạm biệt khán giả lên xe. Vị Trưởng phòng Bưu điện thị xã Bắc Kạn chạy ra nói với lái xe: "Để ghế người hộ tống thư phía trên cho nhà thơ Xuân Diệu". Người lái xe vui vẻ nhận lời. Mọi người ra tiễn nhà thơ rất đông, một cô nhân viên bưu điện bịn rịn nói: "Bác Xuân Diệu ơi! Chúng em rất cảm ơn bác, được bác gọi là "Bắc Kạn nhưng thật không khô", "Bắc Kạn không cạn lòng". Xuân Diệu ngó đầu ra nói: "Bình thơ được suất ô tô đi về là vui lắm".

Tất cả mọi người đều cười vui vẻ, một câu thơ về Bắc Kạn thật ấn tượng. Khi xe chuyển bánh, không ai là không vẫy tay theo: "Chào tạm biệt nhà thơ - chúc nhà thơ bình an thượng lộ trên đường về Hà Nội".

LÊ HỒNG THIỆN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắc Kạn nhưng thật không khô