Du lịch

Ba ngôi chùa cổ 600 tuổi trên vách núi

T.H (theo VnExpress) 10/06/2024 09:05

Cụm chùa Bích Động nằm cheo leo trên núi Thái Viên ở cố đô Hoa Lư từ thời Hậu Lê, mỗi ngày thu hút rất đông du khách đến tham quan, vãn cảnh.

Quần thể chùa Bích Động nằm sâu trong thung lũng núi đá vôi ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.

Được xây dựng vào năm 1428, ban đầu chỉ là ngôi chùa nhỏ ở trên đỉnh núi cao và mang tên Bạch ngọc thạch sơn đồng - ngôi chùa bằng đá đẹp và trong trắng như ngọc ở chốn thâm sơn cùng cốc.

Chùa được hai vị hòa thượng pháp danh Trí Kiên và Trí Thể, quê ở Nam Định, mở rộng năm 1705, dưới thời vua Lê Dụ Tông. Khi đến Bích Động, hai vị hòa thượng mộ đạo thấy địa thế nơi đây đẹp và sẵn có một ngôi chùa, họ quyết định dừng chân rồi quyên góp tiền bạc sửa sang chùa cũ làm nơi tu hành.

Chùa được ngăn cách với trục đường nhựa qua xã Ninh Hải bởi một hồ nước rộng bao quanh chân núi. Để vào bên trong, du khách phải băng qua một cây cầu nhỏ bằng đá cổ không có lan can.

Theo Ni sư Thích Đàm Thọ, Trụ trì chùa Bích Động, quần thể chùa được xây dựng theo kiểu chữ Tam với ba ngôi chùa riêng biệt nằm ở các vị trí khác nhau quanh núi Thái Viên.

Trong hình là chùa Hạ nằm dưới chân núi, thiết kế 5 gian với vật liệu chủ yếu là gỗ lim và đá vôi. Các cột đá ở chùa Hạ đều liền khối, cao 3-4 m.

Mái chùa cong hình lưỡi đao, ngói âm dương. Xung quanh chùa Hạ có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, tỏa bóng mát quanh năm khiến công trình thêm vẻ cổ kính, rêu phong.

Từ chùa Hạ đi thêm khoảng 100 bậc đá theo đường hình chữ S tới lưng chừng núi sẽ đến chùa Trung.

Đây là một ngôi chùa độc nhất ở cố đô Hoa Lư bởi chỉ có một phần mái và cửa lộ thiên, các kiến trúc còn lại đều nằm ẩn sâu trong hang núi.

Trên mái chùa Trung có mười chữ Hán sơn màu vàng, nội dung: Già lam thần đại hùng bảo điện nam thiên tổ - nghĩa là tất cả các vị sư tổ ở trời Nam đều xuất phát từ chùa Bích Động ra đi.

Phía trên mái chùa có hai Bích Động bằng chữ Hán, tương truyền được khắc theo lệnh của chúa Trịnh Sâm. Sử sách lưu giữ ở chùa Bích Động cho hay, vào năm Giáp Ngọ 1774, chúa Trịnh Sâm đến thăm, nhìn toàn cảnh núi non sông nước, đồng ruộng xanh tươi nên đã đặt tên chùa là Bích Động.

Hầu hết các hạng mục ở chùa Trung đều ẩn mình trong hang núi.

Quả chuông cổ hơn 300 năm ở chùa Bích Động.

Năm 1707, hai nhà sư Trí Kiên và Trí Thể đã cho đúc một quả chuông lớn, hiện còn treo ở Động Tối sau chùa Trung. Trên chuông khắc dòng chữ Hán, nội dung tạm dịch: "Từng lên núi ấy/Có phúc có duyên/Mở núi, đục đá/Tịnh khí lưu truyền".

Sau khi chiêm ngắm chùa Trung, du khách sẽ băng qua một hang động lớn, dài khoảng 50 m, trần hang có nhiều thạch nhũ hình thù đẹp mắt.

Từ Động Tối, đi thêm khoảng 40 bậc đá theo sườn núi sẽ đến chùa Thượng hay còn gọi là chùa Đông.

Chùa Thượng cổ nhất ở Bích Động, nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi. Từ chùa Thượng nhìn ra xa có năm ngọn núi đứng độc lập chầu về Bích Động trông giống như năm cánh hoa sen, dân gian thường gọi là ngũ nhạc sơn.

Bên trong chùa Thượng thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Cạnh chùa còn có hai ngôi miếu nhỏ, miếu bên phải thờ thổ địa, bên trái thờ sơn thần.

Quanh chùa Bích Động có hàng chục lăng mộ cổ là nơi an táng của các vị trụ trì, tăng ni từng tu hành ở đây trong gần 600 năm qua.

Mỗi ngày có hàng nghìn du khách thập phương đổ về Bích Động hành lễ và tham quan nơi được mệnh danh Nam thiên đệ nhị động - hang động đẹp thứ nhì trời Nam sau động Hương Tích.

Chùa Bích Động được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012, hai năm sau được UNESCO công nhận là di sản thế giới cùng với danh thắng Tam Cốc - Tràng An.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ba ngôi chùa cổ 600 tuổi trên vách núi
    ss