Sau khi thực hiện mô hình với nhiều giải pháp thiết thực, các vụ bạo lực gia đình ở xã Tân Kỳ đã giảm hẳn.
Vở diễn trong cuộc thi CLB gia đình phát triển bền vững của thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) để lại nhiều ấn tượng cho người xem
Năm 2008, Tân Kỳ là 1 trong 2 xã của huyện Tứ Kỳ được chọn làm điểm triển khai mô hình các giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình của tỉnh. Đến nay, mô hình đã được lan tỏa, tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng.
Theo chân các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững thôn Nghi Khê, chúng tôi tìm về xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ). Tại cuộc thi CLB gia đình phát triển bền vững do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Nghi Khê đại diện cho Tứ Kỳ tham dự và đã xuất sắc đoạt giải A toàn đoàn.
Trong cuộc thi, Nghi Khê mang đến vở chèo “Chuyện không phải riêng ai”, do chính người dân tự biên, tự diễn. Vở diễn chỉ trong 15 phút nhưng đã để lại những ám ảnh, thức tỉnh người xem về tư tưởng trọng nam, khinh nữ; tình trạng bạo lực gia đình…
Ông Đàm Văn Đoàn, Trưởng ban công tác mặt trận thôn, cũng là thành viên tích cực của CLB suốt hơn 10 năm qua thì cho rằng đó là quãng thời gian dài với nhiều chuyển biến.
Tân Kỳ vốn là một xã thuần nông, lại nằm cách xa khu trung tâm huyện nên trước đây vấn đề về tư tưởng trọng nam khinh nữ, sinh con thứ 3, bạo lực gia đình… còn khá nan giải. Sau khi được chọn làm thí điểm mô hình, nhờ có sự vào cuộc của Ban chỉ đạo xã và của các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình nên chỉ trong một năm tổ tư vấn đã can thiệp, hòa giải thành công hàng chục vụ mâu thuẫn gia đình.
“Từ một địa phương thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình, sau khi có mô hình, các vụ bạo lực gia đình ở xã đã giảm hẳn về số lượng cũng như mức độ nghiêm trọng”- ông Đoàn nói.
Bản thân ông Đoàn cũng là người sinh con một bề, cũng từng mong mỏi có một “mụn” con trai nên ông càng thấu hiểu tâm tư của các gia đình. Theo ông, kinh nghiệm là thông qua các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc... để triển khai các chương trình hành động thêm quyết liệt và thiết thực.
Xác định phụ nữ là đối tượng của bạo lực gia đình, hội phụ nữ đã triển khai các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho chị em biết cách tự bảo vệ mình trong trường hợp bị bạo hành.
CLB tổ chức nhiều lớp tập huấn nuôi con khoẻ, dạy con ngoan; chăm sóc người già cô đơn; mẹ với con gái, bố với con trai... Hội Phụ nữ xã còn trang bị thêm kiến thức cho chị em phụ nữ về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới.
CLB cũng đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Khi có các vụ mâu thuẫn xảy ra, các hội, đoàn thể sẽ tiến hành hoà giải. Với trường hợp vi phạm rõ sẽ có biện pháp quyết liệt như công khai trên hệ thống loa phát thanh xã.
Đến nay, 2 khu dân cư của Tân Kỳ đều có CLB gia đình phát triển bền vững với hơn 40 người tham gia.
Ông Phạm Việt Tiệp, Chủ tịch UBND xã Tân Kỳ vui mừng nói: “Từ khi thành lập, mô hình thường xuyên hoạt động có hiệu quả, là địa chỉ tin cậy tại cộng đồng dân cư về công tác phòng chống bạo lực gia đình. Đến nay, địa phương hầu như không có tình trạng bạo lực gia đình, 99% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa”.
Từ mô hình điểm, đến nay tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh được tập huấn, hướng dẫn nhân rộng và đã triển khai xây dựng được mô hình phòng chống bạo lực gia đình; 804 CLB gia đình phát triển bền vững duy trì sinh hoạt.
Các CLB lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ với tuyên truyền luật pháp, chính sách về hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các kỹ năng ứng xử, giữ gìn hạnh phúc gia đình... Hoạt động của các mô hình còn được Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ các giải pháp đồng bộ và thiết thực này, các CLB đã thực sự trở thành “bà đỡ” cho hạnh phúc của nhiều gia đình.
HUYỀN ANH