Ba cụ sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em, 4 người đã qua đời.
Trong ngôi nhà mái bằng khang trang ở xã Lý Thành, cụ bà Lê Thị Thoại thường dùng chiếc gậy đi lại quanh nhà, trò chuyện cùng mọi người. Cụ kể, sáng ra thường ngủ dậy sau con cháu một lúc, sau khi rửa mặt và ăn sáng thì quét nhà, quét sân, tự múc nước ở giếng để giặt quần áo cho mình.
Cụ Lê Thị Thoại hàng ngày vẫn tự quét nhà và giặt đồ. Ảnh: Nguyễn Hải |
“Quét sân thì đơn giản, múc nước giặt quần áo hơi mệt. Con cháu thường khuyên không phải làm việc nhưng tôi thích lao động để khỏe thêm chứ nằm một chỗ sẽ mệt người. Lao động cũng phần nào phụ giúp con cháu đỡ vất vả”, cụ bà da nhăn nheo, nhưng đôi mắt vẫn sáng nói.
Cụ Thoại có 3 người con, 15 người cháu, 31 người chắt và 2 chút. Hiện cụ sống với con trai cả. Hàng ngày cụ hay ra vườn gom nhặt gốc cây mang vào xếp ở góc sân để làm nhiên liệu sưởi ấm mỗi khi trời rét. Có lúc con cháu ngăn cản vì đã sắm đầy đủ máy sưởi và chăn ấm thì cụ lại bảo "thích sưởi bếp than".
Nói về bí quyết sống thọ, cụ Thoại cho rằng quan trọng nhất là phải tạo cuộc sống thật lạc quan, tâm hồn luôn vui vẻ, thương yêu những người xung quanh.
“Khẩu phần ăn thì không có gì đặc biệt, hàng ngày con cháu ăn thứ gì tôi ăn thứ đó. Thời trẻ đói khổ, cơm không đủ ăn, có ngày chỉ ăn rau trừ bữa và đi ở thuê cho địa chủ”, cụ kể.
Cụ Lê Thị Thoại năm nay tròn 103. Ảnh: Nguyễn Hải |
Cách nhà cụ Thoại vài trăm mét là nhà cụ Lê Thị Mưu (Mẹ Việt Nam anh hùng). Chồng cụ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai đầu hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Hiện không được minh mẫn nhưng cụ vẫn còn nhớ những năm gian khổ. “Có lúc một mình gồng gánh nuôi các con nhưng không đủ miếng ăn, cái mặc nên lại phải mang con gửi người thân để đi mót khoai, làm thuê kiếm tiền gửi về quê nuôi con", cụ rưng rưng nhớ lại.
Cụ Thoại ngồi giữa cụ Mưu (bên trái) và cụ Cơ |
Ông Lê Anh Đào (con trai thứ ba) cho hay, mẹ mình có 4 người con, 10 cháu, 20 chắt và 2 chút. Tuổi cao nhưng hiếm khi cụ Mưu bị ốm đau phải đi viện hay uống thuốc. Hàng ngày thấy con cháu đi làm trở về căng thẳng thì cụ lại hỏi thăm hoặc hát tặng vài bài dân ca Nghệ Tĩnh để tạo không khí vui nhộn.
“Có lúc tôi hỏi vui mẹ có biết bí quyết gì để sống thọ hay không thì được trả lời quan trọng nhất là sống lạc quan, thương yêu những người xung quanh", ông Đào nói và cho biết hàng chục năm chưa lúc nào mẹ mắng con cháu.
Trong ba người thì cụ Lê Thị Cơ ít tuổi nhất, hiện có 10 người cháu và 13 người chắt. Cụ Cơ đang sống với con trai, kinh tế gia đình khó khăn nên hàng ngày phải phụ giúp thái rau cho lợn, bê thức ăn cho trâu.
Vài năm trước, thi thoảng cụ vẫn thường chống gậy tới thăm hai chị gái ở cùng xã. Gần đây do đi lại có phần khó khăn nên mỗi năm chỉ vài lần cụ được các con cháu chở tới thăm hai chị.
Cụ Lê Thị Cơ bước sang tuổi 100. Ảnh: Nguyễn Hải |
Ông Lê Doãn Lộc, Phó chủ tịch xã Lý Thành cho hay, trường hợp cả ba chị em cụ Lê Thị Thoại cùng trường thọ là hiếm gặp ở địa phương. Gia đình các cụ là mẫu mực về gia đình văn hóa để bà con học tập.