Đó là bí quyết khởi nghiệp thành công của cơ sở gia công và sản xuất ví da Lưu Đại Tuấn ở xã Thanh Cường (Thanh Hà).
Cơ sở gia công, sản xuất ví da Lưu Đại Tuấn đang tạo việc làm ổn định cho hơn 30 người
Cơ sở được thành lập bởi 3 thanh niên có chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, đó là các anh Lê Quý Đại (sinh năm 1984), Lê Văn Tuấn (sinh năm 1988) và Lê Đình Lưu (sinh năm 1985). Anh Đại là chủ cơ sở. Trước khi xây dựng cơ sở, ba anh đã trải qua nhiều nghề khác nhau nhưng họ đều có chung chí hướng muốn xây dựng một cơ sở sản xuất, kinh doanh ngay tại địa phương. Trước đó, anh Đại từng làm công nhân rồi làm quản lý tại Công ty TNHH Pome International ở Hà Nam. Đây là công ty của Nhật Bản chuyên sơ chế da, sản xuất va li, yên đệm, nhuộm da lông thú. Sau đó, anh Đại không may bị tai nạn nên sức khỏe yếu hẳn, không có điều kiện đi lại như trước đây nên muốn mở cơ sở gia công tại địa phương. Được Ban Giám đốc công ty cũ tạo điều kiện, anh Đại đã bàn với 2 người bạn là anh Lưu và anh Tuấn để cùng nhau mở xưởng gia công ví cho doanh nghiệp này. Năm 2015, ba anh đã cùng góp hơn 400 triệu đồng thuê đất, xây dựng nhà xưởng rộng hơn 100 m2 và tuyển lao động vào làm việc. Với số vốn ít ỏi, ngoài xây nhà xưởng, cơ sở mới chỉ trang bị được 6 máy may thông dụng, 2 máy chuyên may chất liệu da, 1 máy ép nhiệt và 4 máy gấp mép.
Cơ sở được công ty ở Hà Nam giao nguyên liệu thô để quét keo, gấp, ép và may gia công theo đơn hàng sẵn có. Hiện nay, cơ sở có hơn 30 nhân công từ 20-40 tuổi là người trong xã và các xã lân cận đến làm việc với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở tạo việc làm ổn định, đều đặn cho công nhân. Vào thời điểm nhiều hàng như tháng 7, tháng 8, cơ sở còn nhận thêm khoảng 30 lao động thời vụ.
Với phương châm vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, anh Đại đã truyền nghề cho 2 người bạn đồng hành của mình và hướng dẫn công nhân làm việc tỉ mỉ, cẩn thận với mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong công việc anh Đại là người rất kiên quyết: Nếu làm sai thì phải bỏ đi làm lại, không được cố làm cho xong vì nếu làm ẩu cũng sẽ bị công ty trả lại hàng, lúc đó còn thiệt hại nhiều hơn. Vì thế, sản phẩm khi hoàn thiện luôn có đường nét tinh tế, thẩm mỹ, bảo đảm được yêu cầu của thị trường khó tính như Nhật Bản. Năm 2017, cơ sở chỉ nhận gia công khoảng 9.000 chiếc ví/tháng, nhưng ngay từ tháng 1.2018, công ty đã giao cho cơ sở làm 12.000 chiếc/tháng. Đầu xuân nên công việc ở cơ sở rất bận rộn. Nhiều đơn hàng về nên công nhân tập trung cao độ, ai cũng miệt mài làm việc.
Ngoài gia công ví da đã có mẫu sẵn, năm 2017 cơ sở còn tự sản xuất nhiều mẫu ví đẹp, bắt mắt, thu hút được sự quan tâm của công ty. Công việc này nhẹ nhàng nên ngoài giờ làm việc ở xưởng, mọi người có thể mang hàng về nhà tranh thủ làm. Chị Dương Thị Thơm ở thôn Vĩnh Ninh, xã Thanh Cường cho biết: “Làm ở gần nhà với mức lương 5 triệu đồng/tháng đối với tôi là ổn định. Nếu có việc gia đình quan trọng, đột xuất, cơ sở cũng tạo điều kiện cho tôi”.
Anh Lê Quý Đại cho biết: “Trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng khoảng 100 m2 xưởng gia công, sản xuất ví da. Trước mắt, chúng tôi vẫn tập trung duy trì nguồn hàng sẵn có ở Hà Nam, sau đó sẽ tìm hiểu, phát triển sang những mặt hàng may khác để tạo việc làm cho người lao động khu Hà Đông”.
MINH NGUYỆT