Khác với nhiều ngôi đình khác, đình Kỳ Côi thờ 4 vị thành hoàng, trong đó có 3 vị là anh em có công giúp vua đánh giặc Tống thời Lý (thế kỷ XII).
Ngôi đình hiện nay được xây dựng lại rất khang trang
Đình Kỳ Côi tọa lạc tại xóm Trung Dũng, đầu thôn Kỳ Côi, xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ngôi đình đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh tháng 1.2020.
Tích xưa truyền lại
Theo tư liệu “Thần tích - Thần sắc” và sự tích lưu truyền tại địa phương, vào triều Lý, tại làng Ông Mặc, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) có một gia đình nhà nọ, hai vợ chồng tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi nên trong lòng rất buồn phiền, một lòng tu nhân tích đức, đồng tâm cầu đảo trời đất, thánh thần. Bỗng một đêm, người vợ nằm mơ có một vị quan, áo mũ chỉnh tề đến truyền rằng: “Vợ chồng ngươi vốn ăn ở phúc hậu, hoàng thiên đã rõ, nay ta ban cho ba vị thần đương cảnh đầu thai làm con”. Thế rồi sau đó bà có thai. Vào ngày mồng 6 tháng 11 năm Bính Thân, bà sinh được ba người con, hai trai, một gái. Ông bà đặt tên con trai cả là Nguyễn Công Hoằng, con trai thứ là Nguyễn Công Quảng và con gái út là Nguyễn Bà Đa. Khi lớn lên, hai người con trai tính bẩm thông minh kỳ lạ, trí tuệ như thần. Đến năm 18 tuổi, họ có tài năng nổi tiếng thế gian, trí dũng vượt trội, nhân dân ai nấy đều kính phục. Em gái Bà Đa thì tứ đức kiêm toàn, trí tuệ thông minh.
Bấy giờ, giặc Tống đến xâm chiếm nước ta. Lý Thường Kiệt vốn là bậc đại thần của vua Lý Nhân Tông, được nhà vua tin tưởng giao cho việc chiêu mộ quân sĩ, tìm người tài giỏi trong nước cùng ông ra trận đánh giặc cứu nước. Khi nghe tin Lý Thường Kiệt mộ quân đến địa phận làng Ông Mặc, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc, hai người anh cả Công Hoằng và Công Quảng từ biệt mẹ cha, làng xóm xin đi theo Lý Thường Kiệt xông pha trận mạc. Người em út Bà Đa cũng xin đi theo để phục vụ hậu cần cho quân sĩ.
Chiến đấu dũng cảm, tài trí thông minh, ba anh em họ Nguyễn đã giúp Lý Thường Kiệt lập được nhiều chiến công, quân giặc bị giết nhiều không kể xiết, số sống sót vội vã bỏ chạy về nước. Giặc đã được dẹp yên, tin thắng trận cấp báo về, vua Lý vô cùng mừng rỡ bèn mở đại tiệc, vời ba anh em hồi triều. Vào ngày 30 tháng 10 âm lịch, trên đường trở về, đến địa phận làng Kỳ Côi, trời đất bỗng tối sầm, mưa gió nổi lên dữ dội, sấm động vang trời, ba anh em tự nhiên hóa.
Do có nhiều công lao với triều đình và nhân dân, cả 3 vị đã được các triều vua ban tặng phong và được nhân dân địa phương tôn là thành hoàng, lập miếu thờ phụng. Qua thời gian, dân làng nâng cấp miếu thờ các ngài thành ngôi đình.
Đình Kỳ Côi đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh tháng 1.2020
Dân làng phụng thờ
Ông Vũ Văn Sáu, trưởng ban khánh tiết đình Kỳ Côi cho biết: Đình Kỳ Côi được khởi dựng từ khá sớm để thờ các vị thành hoàng làng với quy mô nhỏ, làm bằng tranh tre. Trải qua thời gian, đình bị hư hại. Khoảng những năm 30 của thế kỷ XX, dân làng xây dựng ngôi đình khang trang to đẹp cách đình hiện tại khoảng 200 m. Cũng trong khoảng thời gian này, dân làng xây dựng thêm 4 ngôi miếu thờ 4 vị thành hoàng trong đó có miếu Phe Trung (nay là đình làng Kỳ Côi) thờ vị Nguyễn Công Hoằng, miếu Phe Thị (nay nền miếu dân ở) thờ vị Nguyễn Công Quảng; miếu Vường (nay thuộc cánh đồng khu Đông làng Kỳ Côi) thờ vị thánh Nguyễn Bà Đa.
Năm 1949, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đình làng và các miếu bị hạ giải hoàn toàn. Năm 2010, theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, ngôi đình được xây dựng trên nền đất miếu Phe Trung để thờ các vị thành hoàng và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.
Hiện nay đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái, 2 gian hậu cung trên khuôn viên có diện tích rộng 782 m2, chất liệu bằng bê tông cốt thép theo kiểu đao tàu déo góc, móng và tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi. Kết cấu các vì kèo chính kiểu giá chiêng chồng rường, các mảng họa tiết hoa văn được đắp vẽ theo đề tài lá lật truyền thống.
Hằng năm, lễ hội đình Kỳ Côi diễn ra vào 2 ngày mồng 9 và 10 tháng 11 (âm lịch), trong đó ngày mồng 10 là ngày hội chính. Sáng 9.11, nhân dân trong làng tổ chức lễ rước các vị thành hoàng ở các miếu về đình. Buổi chiều, nhân dân địa phương dâng hương, tế lễ tưởng niệm, tri ân công đức các vị thành hoàng. Lễ phẩm gồm 1 mâm xôi gấc, 1 “lợn ông”, rượu, trầu cau, hoa quả, bánh kẹo… Đội tế gồm 20 cụ ông do dân làng cử ra. Nghi thức tế ở đây theo trình tự tế 1 tuần hương, 3 tuần rượu, rồi đọc chúc, hóa chúc. Ngoài rước, tế lễ, trong lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian như chọi gà, đánh đu, cờ người, đấu vật, các tiết mục văn nghệ như hát chèo, quan họ... thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
THẬP NHẤT