Thỏa thuận tay ba AUKUS về việc Anh và Mỹ đồng ý trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Úc hứa hẹn sẽ thay đổi mạnh mẽ cục diện địa chính trị, không chỉ ở Nam Thái Bình Dương hay Biển Đông.
Tàu ngầm HMAS Collins của Úc hạ thủy tháng 2.1990. Ảnh: Navy.gov.au
Ngày 23.10.2003, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush có bài phát biểu trước Quốc hội Úc nhân chuyến thăm nước này. Ngay hôm sau, các nghị sĩ ở Canberra chào đón một nhà lãnh đạo khác tại trụ sở của họ: Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Suốt một thời gian dài sự kiện đó được coi là biểu tượng cho chính sách đối ngoại "cân bằng" của Úc giữa hai siêu cường. Nhưng sau thỏa thuận AUKUS công bố hôm 16.9 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison, tình thế đã khác.
Nước Úc nói gì?
Đài CNN dẫn lời ông Biden tuyên bố về thỏa thuận: "Hôm nay, chúng tôi có bước đi lịch sử để làm sâu sắc hơn và chính thức hóa quan hệ hợp tác giữa ba nước, vì chúng tôi đều nhận thức chung về động lực bảo đảm hòa bình và ổn định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong dài hạn".
Từ Úc, ông Morrison nói với Đài Sky News đây sẽ là "mối quan hệ hợp tác trường cửu".
Ngoài trọng tâm là chuyển giao tàu ngầm cho Úc (dự kiến từ năm 2040), thỏa thuận AUKUS còn tập trung vào "tích hợp khoa học, công nghệ, cơ sở công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng quốc phòng, nhấn mạnh vào năng lực an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và các năng lực mới trong hoạt động dưới mặt biển".
Điều này đồng nghĩa Úc đã hủy hợp đồng trị giá 40 tỷ USD mua 12 tàu ngầm chạy điện - diesel của Pháp, động thái mà Paris gọi là "đâm sau lưng" và đã phản ứng quyết liệt bằng cách triệu hồi hai đại sứ từ Mỹ và Úc về nước.
Giải thích quyết định của Canberra trên báo The Guardian, ông Neil James, Giám đốc điều hành Hiệp hội Quốc phòng Úc có bài viết: "AUKUS là bước đi chấn động của Úc ra khỏi cái kén ổn định chiến lược".
Trong đó ông James nêu quan điểm cho rằng nước Úc đã sống "suốt ba thế hệ... trong một thế giới chủ yếu là ngày càng an toàn hơn về mặt chiến lược, kinh tế, y tế, và cho tới gần đây là môi trường". Điều đó khiến ngân sách quốc phòng Úc về cơ bản giảm liên tục nhiều thập kỷ.
Nhưng nay thì James dẫn lời nhà cách mạng Nga Trotsky: "Quý vị có thể không hứng thú với chiến tranh, nhưng chiến tranh lại hứng thú với quý vị". Vì vậy, "vấn đề cốt lõi với nước Úc và các láng giềng khu vực của chúng tôi vẫn là sự quản trị rủi ro một cách thận trọng, không tưởng tượng ra, không phóng đại, nhưng cũng không coi thường hay chối bỏ những rủi ro chiến lược".
Đã có chuẩn bị
Sự thay đổi và chuẩn bị của Úc không hề đột ngột. Ngay từ năm 2009, chính quyền đảng Lao động của thủ tướng Kevin Rudd đã muốn thay thế đội tàu ngầm "đồ cổ" với sáu chiếc đóng từ những năm 1990 theo thiết kế của Thụy Điển.
Năm 2016, chính quyền của Thủ tướng Malcolm Turnbull đạt được thỏa thuận với nhà thầu Pháp Naval Group về hợp đồng đóng 12 chiếc tàu ngầm mà nay đã bị thanh lý. Chính AUKUS cũng đã được chuẩn bị và nhất trí trên nguyên tắc từ hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh vào tháng 6.2021. Nay chỉ là việc tuyên bố công khai và thực thi.
Trong tuyên bố về AUKUS, không nhà lãnh đạo nào nhắc tới Trung Quốc, nhưng tất cả các hãng truyền thông lớn đều bình luận mục tiêu của thỏa thuận này thật rõ ràng, và Bắc Kinh đã phản ứng tương thích.
Ngay tối 16.9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng đàn tuyên bố Mỹ đã hành xử "cực kỳ vô trách nhiệm" với "tư duy kiểu chiến tranh lạnh", và Úc phải "hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tình hình khó khăn hiện tại" trong quan hệ song phương.
Báo Trung Quốc Global Times đe dọa thỏa thuận này có thể biến Úc thành "một mục tiêu tiềm tàng của chiến tranh hạt nhân" và "Canberra có khả năng trở thành mục tiêu cho các động thái trả đũa của Bắc Kinh để gửi đi tín hiệu cảnh báo với các nước khác".
Giới quan sát dự báo những phản ứng này báo trước một tương lai nhiều sóng gió cho quan hệ song phương Úc - Trung vốn đã đầy trục trặc thời gian qua vì nhiều vấn đề, trong đó có việc Úc là nước đầu tiên đòi truy đến cùng nguồn gốc đại dịch COVID-19.
Hay như một tựa bài trên CNN ngày 18.9: "Nhiều thập kỷ cân bằng của Úc giữa Mỹ và Trung Quốc đã chấm dứt. Họ đã chọn Washington".
Một số vấn đề kỹ thuật
Úc chưa bao giờ là một quốc gia sở hữu năng lực hạt nhân, dù là quân sự hay dân sự. Anh, Úc và Mỹ đều là thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, về lý thuyết không nhất thiết cần năng lực hạt nhân "trên đất liền" để vận hành tàu ngầm hạt nhân, do niên hạn sử dụng tàu tương ứng với niên hạn của lò phản ứng trên tàu.
Một lý do quan trọng khiến Úc chuyển sang tàu ngầm hạt nhân là chi phí của loại này giảm nhiều so với tàu ngầm thông thường, với tỉ lệ chi phí giữa hai loại từ khoảng 4:1 xuống chỉ còn khoảng 1,5:1.
Theo Tuổi trẻ