[Audio] Vì sao nhiều trường học không có nhân viên y tế?

03/04/2023 05:48

Nhiều trường học ở Hải Dương hiện không có nhân viên y tế chuyên trách nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh.

00:00


Những người kiêm nhiệm công tác y tế trường học như chị Nguyễn Thị Khuyên, giáo viên môn tin học ở Trường THPT Đường An thường bị động trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ học sinh

Công việc nhiều, thu nhập thấp

Chị N.T.N. từng có 13 năm làm nhân viên y tế Trường THPT Nam Sách nhưng đã xin nghỉ việc từ hơn 2 năm nay. Chị N. cho biết thời điểm chị còn công tác, do học sinh nhà trường đông nên gần như ngày nào cũng có trường hợp đau bụng, đau đầu, chóng mặt… phải chăm sóc, tiếp nước. Thỉnh thoảng có học sinh gặp tai nạn hoặc va chạm giao thông, chị cũng phải có mặt tham gia xử lý. Thời gian còn lại, chị N. còn thực hiện những công việc khác do nhà trường phân công. Vào thứ bảy hoặc chủ nhật, cứ có ca học hoặc hoạt động tập thể gì ở trường là chị phải thường trực làm việc. “Hơn chục năm công tác, công việc bận rộn nhưng thu nhập chỉ được 4,7 triệu đồng/tháng nên tôi đã quyết định nghỉ việc để ra ngoài làm”, chị N. chia sẻ.

Chị N.T.L. thậm chí còn xin nghỉ làm nhân viên y tế tại một trường mầm non ở TP Hải Dương chỉ sau chưa đầy 2 tháng ký hợp đồng. Chị L. lý giải nguyên nhân: “Ngày nào cũng ở trường từ sáng đến tối, trực y tế và kiêm đủ thứ việc không tên mà lương chỉ được ba cọc ba đồng, không đủ chi tiêu hằng tháng”.

Theo Thông tư liên tịch số 13 ngày 12.5.2016 của liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học thì nhân viên y tế trường học có nhiệm vụ thực hiện gần 20 nhóm đầu mục các hoạt động liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ học sinh... Thực tế, công việc của nhân viên y tế trường học vất vả hơn nhiều người tưởng. Nhân viên y tế trường mầm non còn vất vả hơn vì trẻ nhỏ cần chăm sóc, bảo vệ toàn diện. Hằng ngày, họ phải đến trường sớm để đón, theo dõi sức khỏe học sinh, kiểm tra vệ sinh an toàn trường học, bếp ăn bán trú. Định kỳ họ phải cân, đo chiều cao, thị lực cho trẻ. Ngoài ra, còn sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ bị tai nạn thương tích, cảm sốt, đau đầu, đau bụng… Thu nhập của các nhân viên y tế trường học khá thấp, kể cả người trong biên chế được chục năm cũng chỉ có mức lương 4-5 triệu đồng/tháng.

Thầy giáo Vũ Văn Phước, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đường An (Bình Giang) cho biết mấy năm nay cũng có một số người nghe thông tin trường còn thiếu nhân viên y tế. Tuy nhiên, khi đến đây biết chỉ được ký hợp đồng và mức lương không bảo đảm mức sống nên họ gần như bỏ về luôn.

Khó cho các trường

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 15.3, toàn tỉnh chỉ có 219 trường có nhân viên y tế là viên chức. Như vậy vẫn còn hàng trăm đơn vị chưa có nhân viên y tế chuyên trách, phải bố trí người kiêm nhiệm, thậm chí là không đủ người để kiêm nhiệm công tác này do thiếu giáo viên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, huyện Gia Lộc có 4 trường tiểu học, 21 trường mầm non và 22 trường THCS chưa có nhân viên y tế. Huyện Thanh Hà có 13 trường mầm non, 11 trường tiểu học và 21 trường THCS cũng chưa bố trí được người cho vị trí này. Thị xã Kinh Môn chỉ có 10 trong tổng số 72 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THCS có nhân viên y tế chuyên trách… Lãnh đạo nhiều trường học cho biết theo quy định hiện nay, các trường không được tuyển vị trí nhân viên y tế mà chỉ được bố trí nhân viên làm công tác thủ quỹ, thư viện hoặc kế toán kiêm nhiệm. 

Theo Quyết định số 85 ngày 17.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ “về việc phê duyệt chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025”, đối với cơ sở giáo dục có vị trí xa trạm y tế, cơ sở khám chữa bệnh thì ưu tiên bố trí nhân viên chuyên trách y tế trường học. Nhưng thực tế hầu hết các trường học trong tỉnh đều nằm gần trạm y tế nên việc tuyển dụng nhân viên y tế chuyên trách là không đúng quy định, đành bố trí người kiêm nhiệm. Quyết định cũng nêu rõ với những cơ sở không bố trí được nhân viên y tế chuyên trách thì ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để triển khai công tác y tế trường học. “Giải pháp ký hợp đồng với trạm y tế địa phương là tốt nhất nhưng việc này cũng nảy sinh bất cập. Trạm y tế ít người, phải phụ trách chăm sóc sức khoẻ cho hàng nghìn dân, rồi còn nhiều công việc liên quan. Không phải lúc nào y tế địa phương cũng hỗ trợ được các trường trong khi số lượng học sinh lớn, thường xuyên cần tới sự chăm sóc của nhân viên y tế”, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Kinh Môn Vũ Hồng Hải nói. 

Bản thân những người được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm công tác y tế trường học cũng gặp khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thị Khuyên dạy môn tin học kiêm nhiệm công tác y tế của Trường THPT Đường An thông tin: “Chúng tôi cũng được tập huấn đấy nhưng vì không được đào tạo chuyên ngành nên rất bị động. Học sinh bị vấn đề gì qua loa thì còn xử lý được chứ không toàn phải đưa sang Trung tâm Y tế huyện”.

Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng vai trò của nhân viên y tế trường học rất quan trọng. Các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu bổ sung vị trí việc làm cho lực lượng này, bảo đảm mỗi cơ sở giáo dục có 1 nhân viên y tế chuyên trách. Trước mắt, cần quan tâm tập huấn kiến thức về y tế cho đội ngũ nhân viên kiêm nhiệm công tác y tế tại các trường học.

MỸ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Vì sao nhiều trường học không có nhân viên y tế?