Phiên họp này, UBND tỉnh xem xét, thảo luận về khai thác khoáng sản, phương án tạo nguồn dự án giao thông trọng điểm cấp huyện, phố đi bộ, giải phóng mặt bằng dự án đường Vũ Công Đán.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11 (lần 6) của UBND tỉnh
Sáng 28.11, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11 (lần 6) của UBND tỉnh để xem xét, thảo luận về một số báo cáo, tờ trình do các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải; UBND TP Hải Dương báo cáo.
17 khu vực có khoáng sản làm vật liệu san lấp
Tại phiên họp, UBND tỉnh thống nhất với báo cáo chung của Sở Tài nguyên và Môi trường về thực trạng các khu vực có khoáng sản làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh có thể đưa vào khai thác sớm. Căn cứ theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của tỉnh, sở phải thực hiện nghiêm quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản. Nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu cơ quan chuyên môn quyết liệt rà soát, kiểm tra trên tinh thần không buông lỏng quản lý, nhưng cũng không tạo nút thắt ở lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm này. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh thủ tục cấp và gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản trong thời gian sớm nhất. Các sở, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy trình cấp quyền khai thác khoáng sản. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu vật liệu xỉ thải, sử dụng vào mục đích phù hợp. UBND tỉnh nhất trí thành lập tổ công tác để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quản lý khoáng sản làm vật liệu san lấp.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện tỉnh có 17 khu vực có khoáng sản làm vật liệu san lấp. Căn cứ theo tiêu chí về thời gian nhanh nhất đưa khoáng sản ra thị trường có thể chia làm 4 nhóm. Bao gồm 6 khu vực tổng trữ lượng gần 13 triệu m3 cát đen, đất pha cát, đất đồi không cần thông qua thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản; 2 khu vực trữ lượng gần 5 triệu m3 đất đồi san lấp sẽ giải quyết qua thủ tục đấu giá; 3 khu vực có thể tổ chức đấu giá theo thủ tục (chưa có kết quả thăm dò); 6 khu vực cần tổ chức đấu giá theo thủ tục (chưa có kết quả thăm dò) sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường xác định vị trí, ranh giới, tọa độ các điểm khép góc.
Điều chỉnh phương án giải phóng mặt bằng dự án đường Vũ Công Đán
Cho ý kiến vào báo cáo đề xuất phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) và phân kỳ đầu tư dự án đường Vũ Công Đán, UBND tỉnh thống nhất với đề nghị của TP Hải Dương về GPMB 1 lớp, bảo đảm quy mô đường rộng 33 m. Thành phố cần cân đối ngân sách địa phương, tập trung nguồn lực thực hiện công trình trọng điểm. Thành phố rà soát, nêu rõ căn cứ pháp lý, thực tiễn về thay đổi, điều chỉnh trong tổng vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư dự án. Đồng thời tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự phiên họp, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện báo cáo Ban Cán sự đảng để xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thành phố rà soát, nêu rõ căn cứ pháp lý, thực tiễn.
Theo UBND TP Hải Dương, dự án cải tạo, mở rộng đường Vũ Công Đán kết nối thành phố với các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang có tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 1.200 tỷ đồng. Thành phố bố trí tái định cư tại chỗ đối với các hộ dân sống ở mặt tiền đường Vũ Công Đán thuộc diện phải di rời. Với các hộ còn lại thuộc diện đủ điều kiện tái định cư được bố trí tại lớp 2 đường Vũ Công Đán và các dự án khu dân cư mới phía tây, Tứ Thông (phường Tứ Minh). Theo phương án GPMB 2 lớp để tạo thuận lợi cho chỉnh trang đô thị, tổng mức đầu tư dự án tính đến thời điểm tháng 10 gần 1.900 tỷ đồng, vượt hơn 700 tỷ đồng so với ban đầu. Vì vậy, TP Hải Dương đề xuất thực hiện GPMB bằng 1 lớp với chi phí đầu tư 1.042 tỷ đồng, giảm 116 tỷ đồng so với tổng vốn phê duyệt.
Xem xét thí điểm triển khai tuyến phố đi bộ tại TP Hải Dương
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cơ bản thống nhất chủ trương thí điểm thực hiện tuyến phố đi bộ tại TP Hải Dương, từng bước hình thành phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, UBND thành phố cần cân nhắc, lựa chọn đơn vị tư vấn để bảo đảm các điều kiện triển khai. Xem xét địa điểm thực hiện, nghiên cứu thời gian tổ chức hợp lý. Thành phố phải lấy ý kiến của người dân để xây dựng kế hoạch tổ chức phù hợp, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới giao thông, dân sinh.
Đồng chí Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Tùng góp ý về nội dung phân luồng, bố trí giao thông khi triển khai phố đi bộ tại TP Hải Dương
Thực hiện thí điểm tuyến phố đi bộ tại khu vực đường Bạch Đằng, TP Hải Dương dự kiến bố trí không gian theo 2 khu vực. Khu vực 1 bao gồm toàn bộ không gian Quảng trường Thống Nhất, vỉa hè và lòng đường tuyến phố Bạch Đằng. Đây là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, biểu diễn nghệ thuật… Khu vực 2 là không gian 3 mặt của Trung tâm Thương mại, dịch vụ, giải trí phức hợp bố trí các ki-ốt di động để tổ chức các hoạt động ăn uống. Thời gian tổ chức vào thứ bẩy hằng tuần, sau đó nghiên cứu thêm chủ nhật và các ngày lễ. Tổng kinh phí thực hiện hơn 42 tỷ đồng, phần lớn từ nguồn xã hội hóa.
Thảo luận dự án tạo nguồn, công trình trọng điểm
UBND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung phương án đầu tư dự án trọng điểm giao cấp huyện thực hiện giai đoạn 2021-2025 do liên Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải trình bày. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu 2 sở tiếp tục rà soát, đánh giá đúng thực trạng, khả năng cân đối vốn từ nguồn thu sử dụng đất để triển khai hiệu quả các dự án, công trình trọng điểm.
Theo báo cáo của liên Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, dự kiến tổng thu tiền sử dụng đất 5 năm 2021-2025 do các địa phương đề xuất hơn 63.700 tỷ đồng. HĐND tỉnh giao vốn thu tiền sử dụng đất là 30.000 tỷ đồng, dự kiến đầu tư 21 công trình trọng điểm cấp huyện thực hiện hơn 16.300 tỷ đồng. Để có đủ vốn thực hiện dự án trọng điểm thì tổng thu tiền sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 phải đạt hơn 46.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng thu 2 năm 2021-2022 mới đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, việc bảo đảm số thu trong những năm tiếp theo rất khó khăn. Vì vậy để ưu tiên bố trí vốn đầu tư dự án trọng điểm, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối, bố trí các nguồn vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 phương án thực hiện dự án trong điểm. Phương án 1 triển khai 14 dự án đã phân kỳ đầu tư với kinh phí gần 10.000 tỷ đồng. Phương án 2 thực hiện 11 dự án đã phân kỳ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Đề nghị giao tăng tiền sử dụng đất 5 năm 2021-2025 gần 9.000 tỷ đồng.
HOÀNG LINH