[Audio] Thiếu trang thiết bị thực hiện Đề án 06

10/03/2023 06:09

Việc thiếu các trang thiết bị như máy vi tính, máy scan, đầu đọc thẻ căn cước công dân gắn chip... cũng như đường truyền internet trục trặc đã ảnh hưởng đến việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

00:00


Đoàn viên thanh niên thị trấn Gia Lộc hỗ trợ người dân tiếp cận các ứng dụng điện tử của Đề án 06. Ảnh: THÀNH CHUNG

Hải Dương đang quyết liệt thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, nhưng nhiều cơ quan, đơn vị còn thiếu trang thiết bị.

Mạng internet trục trặc

Sáng 7.3, Bộ phận "một cửa" xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) tiếp nhận giải quyết thủ tục dịch vụ công trực tuyến như mọi ngày. Công việc này thỉnh thoảng lại phải gián đoạn do mạng bị đơ, không thể đăng nhập vào Cổng dịch vụ công, nộp hồ sơ. Theo đồng chí Nguyễn Tiến Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, việc bị gián đoạn khi giải quyết trực tuyến các dịch vụ công thiết yếu của Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án 06) là chuyện bình thường, có lúc diễn ra từ 1 - 2 giờ. Nguyên nhân dẫn đến việc này là hệ thống đường truyền internet có lúc kém, hệ thống máy vi tính của  Bộ phận "một cửa" cũng đã cũ, không đồng bộ, thường xuyên trục trặc. Chiếc máy vi tính mới nhất của Bộ phận "một cửa" cũng mua được 4 năm, những máy còn lại đã dùng 8 năm. Do đó, công chức tư pháp - hộ tịch ngày nào cũng phải làm đến tầm 7 giờ tối mới hết việc nhằm kịp thời đẩy hồ sơ cho người dân. Nếu không sẽ không bảo đảm thời hạn giải quyết theo quy định hoặc hồ sơ sẽ bị "trôi" mất.

Tình trạng hệ thống máy vi tính cũ, không đồng bộ, chất lượng kém phổ biến ở hầu hết các địa phương. Hiện nay, cơ sở vật chất của Bộ phận "một cửa" của xã Hồng Phong (Nam Sách) đáp ứng yêu cầu làm việc của đội ngũ công chức và phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, hệ thống máy vi tính và đường truyền còn hạn chế. Đồng chí Nguyễn Như Thư, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong thông tin, hệ thống máy vi tính ở Bộ phận "một cửa" của xã và của Công an xã vừa thiếu vừa cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu trong thực hiện Đề án 06. Bộ phận "một cửa" xã có 5 bộ máy vi tính thì chỉ có 3 bộ hoạt động ổn định, còn lại ít khi sử dụng được. "Hệ thống máy vi tính kém đã ảnh hưởng đến các công việc, nhất là tiến độ giải quyết dịch vụ công trực tuyến cho nhân dân", đồng chí Nguyễn Như Thư cho biết.

Hiện nay, Bộ phận "một cửa" cấp huyện, cấp xã chưa có đầu đọc thẻ căn cước công dân gắn chip để khai thác các thông tin liên quan có trong đó. Theo nhiều lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã, do thiếu trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật nên nhiều lúc chậm giải quyết thủ tục khiến một số người nổi nóng, thậm chí có lời nói khó nghe. Mặc dù việc này đã được công chức giải thích nhưng họ không thông cảm. Nhiều cán bộ, công chức làm việc đã vất vả, gặp những trường hợp như vậy rất bức xúc.       

Theo đánh giá của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh thời gian qua, việc kết nối các hệ thống, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành với địa phương còn nhiều khó khăn, chưa thực sự thông suốt do hạ tầng, công nghệ, hệ thống trang thiết bị đã cũ, chưa kịp thời cập nhật, điều chỉnh theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, Cổng dịch vụ công thường xuyên quá tải và báo lỗi hệ thống trong khung giờ hành chính nên cán bộ không truy cập được phần mềm xử lý hồ sơ... Do đó, tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở một số lĩnh vực còn hạn chế. 


Hiện nay, nhiều bộ máy vi tính của Bộ phận "một cửa" của xã Đại Sơn chưa đáp ứng được yêu cầu   

Quan tâm bố trí kinh phí

Theo nhiều lãnh đạo UBND cấp xã, thời gian tới để thực hiện tốt một số nội dung của Đề án 06, tỉnh cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, nâng cấp đường truyền bảo đảm đồng bộ, đáp ứng yêu cầu. Ngoài số lượng hệ thống máy vi tính trực tiếp phục vụ tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến, các khu vực thôn, khu dân cư cần được trang bị một bộ máy vi tính có kết nối mạng, máy scan để cán bộ thôn, đoàn thể hoặc người am hiểu công nghệ thông tin trong cộng đồng hướng dẫn người dân chưa biết, chưa thạo nộp hồ sơ trực tuyến. Hoạt động này vừa góp phần giảm áp lực cho các Bộ phận "một cửa" vừa giúp những người dân chưa có thiết bị thông minh tiếp cận được dịch vụ công trực tuyến và nhiều hoạt động khác.

Trước thực trạng thiếu thốn trang thiết bị, đường truyền, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh đã giao Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương giải quyết. Phát biểu tại cuộc làm việc của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh với Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ vừa qua, đồng chí Trần Thị Hải Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, việc bố trí kinh phí để thực hiện Đề án 06 luôn được tỉnh quan tâm. Từ khi triển khai đến nay, sở đã bố trí một phần kinh phí cho cơ quan thường trực của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh. Trao đổi với phóng viên, đồng chí Trần Thị Hải Hà cho biết đầu tháng 3 vừa qua, sở đã gửi biểu tổng hợp nhu cầu kinh phí chi thường xuyên phục vụ Đề án 06 của Chính phủ để các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện đề xuất. 


Bộ phận "một cửa" thị trấn Gia Lộc cơ bản phục vụ nhu cầu giải quyết dịch vụ công trực tuyến nhưng đường truyền còn hạn chế

Đồng chí Cao Thọ Khoa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc đề nghị tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí thực hiện Đề án 06 riêng cho các địa phương; đồng thời có hướng dẫn cụ thể để các địa phương nắm được, sắp xếp sử dụng cho hợp lý.

Sớm cải thiện chất lượng đường truyền internet
Một trong những nhiệm vụ của Sở Thông tin và Truyền thông trong thực hiện Đề án 06 là khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh, bảo đảm kết nối, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó phục vụ giải quyết TTHC, đơn giản hóa giấy tờ công dân.

Sở đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thành xây dựng và kết nối 3 APIs dịch vụ (dịch vụ xác nhận số định danh cá nhân và chứng minh nhân dân, dịch vụ xác thực thông tin hộ gia đình, dịch vụ tra cứu thông tin công dân) giữa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết TTHC công tỉnh. Hạ tầng, đường truyền kết nối cơ bản hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu phục vụ chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về phía các địa phương, qua khảo sát cho thấy hệ thống trang thiết bị, máy vi tính phục vụ giải quyết dịch vụ công trực tuyến đa số được tận dụng từ các máy vi tính trang bị từ trước, cấu hình thấp, tốc độ xử lý chậm. Chất lượng đường truyền để thực hiện dịch vụ công hạn chế, còn xảy ra tình trạng không thể truy cập mạng, nghẽn mạng do có quá nhiều lượt truy cập vào cùng một thời điểm.

Các địa phương cần rà soát, xác định cơ sở vật chất, hệ thống máy vi tính cũng như hạ tầng đường truyền internet. Từ đó tìm các giải pháp tháo gỡ phù hợp, từ khắc phục cho đến đầu tư nâng cấp. Để sớm cải thiện chất lượng cơ sở vật chất, hạ tầng đường truyền bảo đảm thực hiện Đề án 06, nguồn kinh phí bố trí kịp thời trên cơ sở nhu cầu thực tế là rất quan trọng. 

Trước tình hình hiện tại, các địa phương cần nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; tập huấn đội ngũ cán bộ cơ sở tham gia thực hiện Đề án 06; vận động, huy động cán bộ đoàn viên, hội viên có trình độ, kiến thức về công nghệ thông tin tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân.

PHẠM HUY THẮNG 

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông


Cần xã hội hóa máy vi tính phục vụ Đề án 06
Đề án 06 đặt ra cho các địa phương nói chung, Hải Dương nói riêng 13 nhóm nhiệm vụ chung, 8 nhiệm vụ cụ thể, 25 dịch vụ công thiết yếu, 40 nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan Trung ương. Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh đã cụ thể hóa thành 56 nhiệm vụ giao các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Góc độ địa phương, Cẩm Giàng đã và đang khẩn trương, chủ động, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan để thực hiện tốt phần việc, nhiệm vụ.

Nói riêng về trang thiết bị phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến, thời gian qua địa phương đã đầu tư, nâng cấp bộ phận “một cửa” của 15 xã và 2 thị trấn trên địa bàn. Bộ phận “một cửa” cấp xã được huyện trang bị 2 máy vi tính, 1 máy scan, riêng bộ phận “một cửa” của huyện được trang bị 6 máy tính, 6 máy scan cho 6 vị trí ở đây.

Cơ sở vật chất được tăng cường đáng kể so với trước,  song vẫn còn không ít máy vi tính đã lỗi thời. Vừa qua, Ban Quản lý khu công nghiệp Đại An đóng trên địa bàn  huyện đã mua 17 bộ máy vi tính có kết nối internet để trang cấp, lắp đặt tại 17 trụ sở UBND cấp xã của huyện. Trong bối cảnh nguồn kinh phí đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất còn hạn chế nhất định, sự chung tay đồng hành, ủng hộ từ nguồn xã hội hóa mang ý nghĩa hết sức thiết thực. Vừa thể hiện nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ phát triển chung của tỉnh, vừa nâng cao hiệu quả trên lộ trình chuyển đổi số cũng như thực hiện Đề án 06. 
Mong rằng tới đây, Cẩm Giàng nói riêng, các địa phương khác trong tỉnh nói chung sẽ tiếp tục nhận được sự chung tay, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

NGUYỄN VĂN CÔNG 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cẩm Giàng


Lớp người cao tuổi khó tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt
Nhiều lần đi lĩnh lương hưu trực tiếp, tôi được bên chi trả hướng dẫn mở tài khoản để chuyển tiền qua tài khoản, không phải mất thời gian đi lĩnh lương trực tiếp nữa. Tôi thấy điều này rất thuận tiện, bởi có những tháng tôi không ở nhà vào đúng ngày lĩnh nên phải nhờ người ra lĩnh hộ, cần nhiều thủ tục, tương đối phức tạp và mất thời gian. Nhưng chúng tôi vẫn phải rút tiền mặt tại máy ATM của ngân hàng. Mà các máy ATM rút tiền mặt chỉ có nhiều ở đô thị hoặc những nơi đông dân cư, chứ ở vùng nông thôn chưa có nhiều. Hơn nữa, các máy thanh toán tiền từ hình thức quẹt thẻ cũng chưa nhiều, lại tập trung ở các siêu thị lớn. Đa phần các cửa hàng tạp hóa hoặc chợ dân sinh ở quê không có máy này. Vì thế việc thanh toán từ thẻ ngân hàng chưa thực sự thuận tiện, nhất là ở quê. Hơn nữa, những người lĩnh lương hưu như chúng tôi là người cao tuổi, nhiều người chỉ sử dụng điện thoại thông thường nên không thể cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử. Nên dù muốn thay đổi thói quen sang dùng các dịch vụ thanh toán điện tử thì chúng tôi vẫn còn gặp trở ngại.

Tôi mong muốn thời gian tới sẽ được hướng dẫn kỹ hơn để có thể tự thanh toán trực tuyến thông qua điện thoại thông minh. Các cửa hàng tiện ích, siêu thị, nhất là ở vùng nông thôn cần trang bị thêm nhiều máy quẹt thẻ, từ đó tạo thuận tiện cho chúng tôi khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Tôi cũng biết rằng các đơn vị viễn thông có nền tảng thanh toán tiền di động, điện thoại thông thường cũng sử dụng được, nhưng chúng tôi chưa nắm rõ phương thức này. Hy vọng các nhà mạng quan tâm hơn nữa đến việc hướng dẫn để chúng tôi có thể thực hiện được.

NGUYỄN VĂN KHÁNH

Thôn Đông Phan, xã Tân An, Thanh Hà

DANH TRUNG

(0) Bình luận
[Audio] Thiếu trang thiết bị thực hiện Đề án 06