[Audio] Thiếu trang thiết bị thực hiện Đề án 06
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:09, 10/03/2023
Đoàn viên thanh niên thị trấn Gia Lộc hỗ trợ người dân tiếp cận các ứng dụng điện tử của Đề án 06. Ảnh: THÀNH CHUNG
Hải Dương đang quyết liệt thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, nhưng nhiều cơ quan, đơn vị còn thiếu trang thiết bị.
Mạng internet trục trặc
Sáng 7.3, Bộ phận "một cửa" xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) tiếp nhận giải quyết thủ tục dịch vụ công trực tuyến như mọi ngày. Công việc này thỉnh thoảng lại phải gián đoạn do mạng bị đơ, không thể đăng nhập vào Cổng dịch vụ công, nộp hồ sơ. Theo đồng chí Nguyễn Tiến Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, việc bị gián đoạn khi giải quyết trực tuyến các dịch vụ công thiết yếu của Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án 06) là chuyện bình thường, có lúc diễn ra từ 1 - 2 giờ. Nguyên nhân dẫn đến việc này là hệ thống đường truyền internet có lúc kém, hệ thống máy vi tính của Bộ phận "một cửa" cũng đã cũ, không đồng bộ, thường xuyên trục trặc. Chiếc máy vi tính mới nhất của Bộ phận "một cửa" cũng mua được 4 năm, những máy còn lại đã dùng 8 năm. Do đó, công chức tư pháp - hộ tịch ngày nào cũng phải làm đến tầm 7 giờ tối mới hết việc nhằm kịp thời đẩy hồ sơ cho người dân. Nếu không sẽ không bảo đảm thời hạn giải quyết theo quy định hoặc hồ sơ sẽ bị "trôi" mất.
Tình trạng hệ thống máy vi tính cũ, không đồng bộ, chất lượng kém phổ biến ở hầu hết các địa phương. Hiện nay, cơ sở vật chất của Bộ phận "một cửa" của xã Hồng Phong (Nam Sách) đáp ứng yêu cầu làm việc của đội ngũ công chức và phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, hệ thống máy vi tính và đường truyền còn hạn chế. Đồng chí Nguyễn Như Thư, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong thông tin, hệ thống máy vi tính ở Bộ phận "một cửa" của xã và của Công an xã vừa thiếu vừa cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu trong thực hiện Đề án 06. Bộ phận "một cửa" xã có 5 bộ máy vi tính thì chỉ có 3 bộ hoạt động ổn định, còn lại ít khi sử dụng được. "Hệ thống máy vi tính kém đã ảnh hưởng đến các công việc, nhất là tiến độ giải quyết dịch vụ công trực tuyến cho nhân dân", đồng chí Nguyễn Như Thư cho biết.
Hiện nay, Bộ phận "một cửa" cấp huyện, cấp xã chưa có đầu đọc thẻ căn cước công dân gắn chip để khai thác các thông tin liên quan có trong đó. Theo nhiều lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã, do thiếu trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật nên nhiều lúc chậm giải quyết thủ tục khiến một số người nổi nóng, thậm chí có lời nói khó nghe. Mặc dù việc này đã được công chức giải thích nhưng họ không thông cảm. Nhiều cán bộ, công chức làm việc đã vất vả, gặp những trường hợp như vậy rất bức xúc.
Theo đánh giá của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh thời gian qua, việc kết nối các hệ thống, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành với địa phương còn nhiều khó khăn, chưa thực sự thông suốt do hạ tầng, công nghệ, hệ thống trang thiết bị đã cũ, chưa kịp thời cập nhật, điều chỉnh theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, Cổng dịch vụ công thường xuyên quá tải và báo lỗi hệ thống trong khung giờ hành chính nên cán bộ không truy cập được phần mềm xử lý hồ sơ... Do đó, tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở một số lĩnh vực còn hạn chế.
Hiện nay, nhiều bộ máy vi tính của Bộ phận "một cửa" của xã Đại Sơn chưa đáp ứng được yêu cầu
Quan tâm bố trí kinh phí
Theo nhiều lãnh đạo UBND cấp xã, thời gian tới để thực hiện tốt một số nội dung của Đề án 06, tỉnh cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, nâng cấp đường truyền bảo đảm đồng bộ, đáp ứng yêu cầu. Ngoài số lượng hệ thống máy vi tính trực tiếp phục vụ tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến, các khu vực thôn, khu dân cư cần được trang bị một bộ máy vi tính có kết nối mạng, máy scan để cán bộ thôn, đoàn thể hoặc người am hiểu công nghệ thông tin trong cộng đồng hướng dẫn người dân chưa biết, chưa thạo nộp hồ sơ trực tuyến. Hoạt động này vừa góp phần giảm áp lực cho các Bộ phận "một cửa" vừa giúp những người dân chưa có thiết bị thông minh tiếp cận được dịch vụ công trực tuyến và nhiều hoạt động khác.
Trước thực trạng thiếu thốn trang thiết bị, đường truyền, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh đã giao Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương giải quyết. Phát biểu tại cuộc làm việc của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh với Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ vừa qua, đồng chí Trần Thị Hải Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, việc bố trí kinh phí để thực hiện Đề án 06 luôn được tỉnh quan tâm. Từ khi triển khai đến nay, sở đã bố trí một phần kinh phí cho cơ quan thường trực của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh. Trao đổi với phóng viên, đồng chí Trần Thị Hải Hà cho biết đầu tháng 3 vừa qua, sở đã gửi biểu tổng hợp nhu cầu kinh phí chi thường xuyên phục vụ Đề án 06 của Chính phủ để các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện đề xuất.
Bộ phận "một cửa" thị trấn Gia Lộc cơ bản phục vụ nhu cầu giải quyết dịch vụ công trực tuyến nhưng đường truyền còn hạn chế
Đồng chí Cao Thọ Khoa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc đề nghị tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí thực hiện Đề án 06 riêng cho các địa phương; đồng thời có hướng dẫn cụ thể để các địa phương nắm được, sắp xếp sử dụng cho hợp lý.
Sớm cải thiện chất lượng đường truyền internet PHẠM HUY THẮNG Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
NGUYỄN VĂN CÔNG Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cẩm Giàng
NGUYỄN VĂN KHÁNH Thôn Đông Phan, xã Tân An, Thanh Hà |
DANH TRUNG