[Audio] Tăng trưởng kinh tế Hải Dương top đầu toàn quốc

05/04/2023 07:30

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế quý I của Hải Dương đạt được kết quả rất tích cực so với bức tranh chung toàn quốc.

00:00


Sản xuất linh kiện điện tử là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh 3 tháng đầu năm

Tăng trưởng cao là kết quả đáng phấn khởi, nhưng trong bức tranh chung của kinh tế Hải Dương vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới để đạt được kế hoạch cả năm.

Rất cao so với bình quân chung cả nước 


Theo số liệu từ Cục Thống kê, 3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương đạt 8,35%, cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước (cả nước là 3,32%), đứng thứ 9 trong 63 tỉnh, thành phố và thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng. Kết quả này được đánh giá là khả quan và khá ấn tượng trước bối cảnh khó khăn, phức tạp cả ở trong và ngoài nước. Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine gây ảnh hưởng lớn, đẩy giá xăng dầu, lương thực tăng cao. Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất và Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, tác động tới phát triển kinh tế chung. Ở trong nước, khi năng lực nội tại nền kinh tế còn yếu thì phải đối mặt với sức ép của lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng, bất động sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trước bao khó khăn, thách thức ấy, kết quả trên là nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Điểm sáng trong tăng trưởng quý I của tỉnh đến từ một số ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp. Mặc dù sản xuất công nghiệp chịu tác động tiêu cực nhiều mặt như đơn hàng ít, tiếp cận vốn khó khăn, chi phí đầu vào cao… song do cơ cấu ngành hàng đa dạng, không phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nên mức độ ảnh hưởng không quá lớn. Các ngành sản xuất linh kiện điện tử, máy văn phòng, ô tô và phụ tùng… đã góp phần làm tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất xe động cơ có đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng ngành công nghiệp với mức tăng 25,1%, tiếp đến là sản xuất và phân phối điện tăng 12,5%, sản phẩm điện tử tăng 12,3%... Hoạt động thương mại, dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống cũng dần ổn định với mức tăng từ 10-20%.

Trong sản xuất nông nghiệp, Hải Dương vẫn giữ vững vị thế là địa phương thế mạnh về cây trồng vụ đông và tạo dựng được nét riêng biệt từ lợi thế này. Tuy diện tích gieo trồng giảm 349 ha nhưng năng suất tăng nhẹ nên giá trị sản xuất không thay đổi nhiều so với năm trước. Sản xuất lúa đông xuân cơ bản thuận lợi, bảo đảm khung thời vụ. Ngành chăn nuôi được duy trì, tổng đàn đại gia súc, gia cầm tăng nhẹ, đáp ứng yêu cầu thị trường. Sản xuất thủy sản ở mức trung bình, không phát sinh dịch bệnh. Do không có đột phá nên mức tăng trưởng nông nghiệp chỉ đạt 1,8%, thấp hơn 1,7% so với quý I.2022.

Còn nhiều thách thức 

Dù kết quả quý I ấn tượng, nhưng để đạt mức tăng trưởng cả năm trên 9% vẫn còn khoảng cách xa, nhất là khi tỉnh phải đối mặt với không ít thách thức. 


Trong quý I, giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp không cao

Công nghiệp dẫn dắt nền kinh tế song trong nội bộ ngành lại có sự phân hóa. Sản xuất may mặc, giày dép giảm hơn 4% so với cùng kỳ vì ít đơn hàng xuất khẩu. Đây là những ngành sử dụng nhiều lao động, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng xã hội. Sản xuất thiết bị điện giảm 23,6%, sản xuất than cốc giảm 38,2% do thị trường bị thu hẹp... Hoạt động xây dựng tăng thấp vì bất động sản "đóng băng". Mặt khác, do lãi suất tăng cao nên ít dự án mới khởi công, thu hút vốn đầu tư đạt thấp, giải ngân vốn không cao. 

Chăn nuôi lợn có đóng góp quan trọng vào tỷ trọng ngành nông nghiệp song hiệu quả đạt thấp. Tổng đàn lợn gần 284.000 con, tăng 6% so với quý I năm trước nhưng lại gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá lợn giảm. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng cao đã kéo giảm giá trị sản xuất của chăn nuôi lợn. Tình trạng này diễn ra tương tự với các hộ nuôi thủy sản, do vậy người nuôi hạn chế đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Đây chính là hệ lụy khi thiếu các mô hình liên kết hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, số lượng nông sản xây dựng được cấp chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu còn ít, thương hiệu sản phẩm chưa đủ mạnh để tạo sức cạnh tranh.

Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2023, Hải Dương cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cần xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, tạo động lực thu hút đầu tư làm cơ sở cho nền kinh tế khởi sắc trong những tháng tiếp theo làm cơ sở cho kinh tế tăng trưởng cao hơn trong những tháng tiếp theo.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Tăng trưởng kinh tế Hải Dương top đầu toàn quốc