[Audio] Rộn rã tiếng cười trong ngôi nhà "Happy S.A.D”

03/07/2023 07:50

Đó là ngôi nhà chung của những bạn trẻ mắc chứng tự kỷ. Sau 2 tháng đi vào hoạt động, ngôi nhà là nơi tạo ra tiếng cười, niềm hạnh phúc cho những bạn trẻ ấy.

00:00


Trẻ tự kỷ làm chè, nước uống bán cho khách

Tại ngôi nhà "Happy S.A.D” ở số 56, phố Ngô Hoán (TP Hải Dương), dưới sự hướng dẫn tận tụy của cha mẹ, có khoảng 10 trẻ thường xuyên làm nước ép trái cây và các loại chè để bán cho khách. Mỗi ngày các em chỉ bán được từ 10-20 cốc, có hôm nhiều thì 50 cốc. Thế nhưng dù bán được nhiều hay ít, trên gương mặt các em luôn rạng ngời, vui vẻ, làm việc theo công thức, chỉ dẫn của mẹ và cô giáo.

Gian trong ngôi nhà là bàn chế biến đồ uống như chè, nước ép với nhiều loại: dứa, ổi, mận… Dãy bàn và tủ được thiết kế rất thoáng, rộng, tạo không gian cho các bạn thỏa sức sáng tạo. Đồ đạc ở đây do tự tay các em sắp xếp rất ngăn nắp.

Với các em bị tự kỷ, để làm ra một sản phẩm nước thơm ngon thì vất vả hơn các bạn bình thường. Mỗi bạn chỉ làm một việc. Người chỉ gọt vỏ, người pha chế, người chỉ thích đi ship hàng. Đó là những việc trước đây các em ở nhà chưa làm nhiều nhưng giờ đã thành thói quen. Cứ 7 giờ 30 hằng ngày, các em có mặt tại ngôi nhà thân yêu này để làm đồ uống đã được khách hàng đặt đơn từ hôm trước. Sau đó, các em được giáo viên dạy nhảy, một số trò chơi có sự tương tác hỗ trợ lẫn nhau. Trẻ ở đây mắc chứng tự kỷ ở dạng nhẹ nhưng để hướng dẫn các em làm một việc gì đó thành thạo là cả một quá trình không hề dễ dàng.


Các sản phẩm nước uống được dán nhãn hiệu của ngôi nhà "Happy S.A.D" để giúp khách hàng dễ nhận diện

Từ một cậu bé với hội chứng tự kỷ điển hình, tăng động giảm chú ý, không có ngôn ngữ, dần dần N.M.H. (16 tuổi, tại TP Hải Dương) đã nói được, tự vệ sinh cá nhân, bớt nhiều hành vi tiêu cực. Khi tham gia vào ngôi nhà "Happy S.A.D”, H. rất thích đi ship hàng và giao ở những con phố em biết tên, biết đường. Thế nhưng, đó là cả sự thành công, hạnh phúc của người mẹ. Chị L.T.V.A. (mẹ của H.) luôn thầm lặng tìm nhiều cách để giúp con tốt hơn. Chị nhận thức rõ đây không phải là bệnh có thể chữa khỏi bằng thuốc hay điều trị tại bệnh viện. Chị tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để dạy, chơi với con, giúp con bớt nhiều hành vi, có thể hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.

Chị đã sửa chữa lại ngôi nhà cũ thành ngôi nhà "Happy S.A.D” để giúp con mình và các bạn bị tự kỷ có nơi học tập, rèn luyện kỹ năng. Điều chị trăn trở và sợ nhất chính là: “Chúng tôi sẽ không thể sống mãi để chăm sóc con. Tôi chỉ mong sau này cháu có thể tự nuôi được bản thân”. Có nhiều phụ huynh cùng quan điểm với chị V.A. và cho con đến tham gia. Có những ngày chị thuê giáo viên đến hướng dẫn các em, có ngày phụ huynh đến giúp. Sau một thời gian các bạn đã làm quen được với nhiều việc dù chưa thành thạo. Chị N.T.H., phụ huynh của một trẻ bị tự kỷ cho biết đây là mô hình rất ý nghĩa, tạo được không gian cho các con sinh hoạt nhưng đòi hỏi cha mẹ phải kiên trì, cùng nhau chia sẻ, thấu hiểu mới có thể làm tốt được. Ngôi nhà "Happy S.A.D” chính là mong muốn cộng đồng cùng chia sẻ (Sharing), giáo viên cùng đồng hành (Association), gia đình cùng nỗ lực (Determined efforts) nhằm hướng tới cuộc sống tự lập cho trẻ đặc biệt.

Mong muốn lớn nhất của cha mẹ có con tự kỷ chính là cần có sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng, xã hội. Đến ngôi nhà "Happy S.A.D" không chỉ được thưởng thức những đồ uống ngon mà còn hướng cộng đồng có cái nhìn nhân văn hơn về trẻ tự kỷ. Nước uống, đồ ăn nhẹ ở đây vẫn do người thân, bạn bè của phụ huynh biết hoàn cảnh mà mua ủng hộ. Thế nhưng đích đến cuối cùng chính là tạo ra một môi trường hòa hợp, hình thành thói quen, kỹ năng cần thiết để sau này trẻ tự kỷ có thể sống vui vẻ, hạnh phúc, tự chăm sóc bản thân.

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Rộn rã tiếng cười trong ngôi nhà "Happy S.A.D”