Y tế - Sức khỏe

Gian nan đồng hành cùng trẻ tự kỷ

HẢI HÀ 06/06/2024 11:00

Trong hành trình chiến đấu với chứng tự kỷ của con, nhiều bậc cha mẹ tưởng như gục ngã, nhưng chính sự tiến bộ của con đã tiếp thêm động lực để họ vượt qua.

mot-tiet-day-hoc-ngon-ngu-cho-tre-tai-khoa-tam-than-kinh-phuc-hoi-chuc-nang-y-hoc-co-truyen-benh-vien-nhi-hai-duong-.jpg
Một tiết dạy học ngôn ngữ cho trẻ tại Khoa Tâm thần kinh – Phục hồi chức năng – Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi Hải Dương)

Trường hợp gia đình chị P.T.L. ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng, Hải Dương) là một minh chứng. Con trai chị L. chào đời như bao đứa trẻ khác, không có gì bất thường. Khi được 18 tháng tuổi, cháu có biểu hiện gọi không nghe, không giao tiếp bằng mắt, đi kiễng chân, nói những câu vu vơ... Thời gian đầu, chị cứ nghĩ con chỉ chậm nói thông thường, nhưng đến khi được 30 tháng tuổi vẫn không thấy con có tiến triển, vợ chồng chị quyết định đưa con đến Bệnh viện Nhi Hải Dương khám. Bác sĩ kết luận cháu bị rối loạn phổ tự kỷ. Quá sốc, chị L. quyết định nghỉ việc ở nhà để tập trung điều trị cho con.

Chị L. chia sẻ: "Em đang cho con học song song 2 chương trình, vừa học ở trường vừa theo học can thiệp ở bệnh viện để được các y, bác sĩ hỗ trợ, hướng dẫn nhằm giúp con có thể hòa nhập và theo kịp các bạn cùng trang lứa".

Trong hành trình chiến đấu với chứng tự kỷ của con, chị L. nhiều khi bất lực. Tuy nhiên, sau gần 1 năm điều trị can thiệp tại Khoa Tâm thần kinh – Phục hồi chức năng – Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi Hải Dương), cháu đã có những tiến triển nhất định. Từ việc chưa biết phát âm thì nay cháu có thể nói được từ đơn và hiểu ý của người lớn; cháu cũng bắt đầu có sự giao tiếp bằng mắt tốt hơn…

“Để được như vậy, tôi đã cắn răng chịu đựng, tuyệt đối không nổi nóng, thay vào đó yêu thương con nhiều hơn, kiên định đồng hành cùng con để từng bước thay đổi”, chị L. nói.

Cùng cảnh ngộ trên, chị V.T.H. ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) có con trai hơn 3 tuổi bị chậm nói, gọi lúc phản xạ, lúc không. Khi 2 tuổi thấy con đi hay kiễng chân, chưa nói được từ nào chị mới đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị rối loạn phổ tự kỷ, dính thắng lưỡi độ III. Cháu đã được làm thủ thuật gây mê, sau đó được giới thiệu về Bệnh viện Nhi Hải Dương điều trị. Sau 8 tháng điều trị đến nay, con chị H. đã nói được những từ dài, hiểu ý tương tác của mọi người.

Chị H. chia sẻ: “Rất may tôi đưa con đi khám kịp thời, tận dụng được thời gian vàng trong điều trị tự kỷ. Theo lời khuyên của bác sĩ, từ chỗ không biết gì về chứng tự kỷ, tôi đã bắt đầu phải học các kỹ năng, phương pháp chăm sóc và trị liệu cho con. Đó là quá trình cực kỳ gian nan, nhiều khi tưởng như muốn bỏ cuộc. Nhưng rất may, nhìn con tiến bộ từng ngày, tôi lại thêm cố gắng. Giờ đây con đã nói được cả câu, đi học ngoan hơn rất nhiều, biết chơi với bạn”.

Theo chị Nguyễn Thị Nga, Điều dưỡng trưởng Khoa Tâm thần kinh – Phục hồi chức năng – Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi Hải Dương), mỗi trẻ mắc chứng tự kỷ có biểu hiện bệnh theo từng thể nặng nhẹ khác nhau. Có trẻ không thích vận động, hay khóc lóc, có trẻ lại suốt ngày nhảy lên, đâm đầu vào tường, có trẻ đụng tí là đánh bạn, có trẻ thâm trầm không chịu nói... Khó khăn của các em là sự hoà nhập và chia sẻ của cộng đồng. Khó khăn của các giáo viên là nhiều bố mẹ còn chưa hiểu con, chưa hiểu về bệnh của con nên vô tình đã tạo áp lực cho chính trẻ và lên cả giáo viên. Vì thế, dạy trẻ mắc chứng tự kỷ đòi hỏi có sự kiên nhẫn rất lớn và kỹ năng dạy, yêu trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiệp, Phó Trưởng khoa trên cho biết trẻ mắc bệnh tự kỷ ngày càng có xu hướng gia tăng rõ rệt. Khi mới thành lập năm 2011, khoa chỉ có vài chục bệnh nhân nhưng vài năm trở lại đây có thời điểm bị quá tải, mỗi ngày có tới hơn 100 bệnh nhân đến can thiệp. Mỗi năm khoa can thiệp cho hơn 1.000 bệnh nhi, trong đó 2/3 là trẻ chậm nói và rối loạn phát triển, tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển tâm thần. Hiện khoa luôn duy trì khoảng 70 – 90 bệnh nhân.

Cơ hội vàng của trẻ mắc chứng tự kỷ là phát hiện sớm và trị liệu vào giai đoạn trẻ trước 36 tháng tuổi. Đây là giai đoạn tối ưu để trẻ học tập và cải thiện khả năng phát triển ở các lĩnh vực, nếu để muộn hơn, việc can thiệp sẽ rất khó. Hiện nhận thức về chứng tự kỷ đã phổ biến trong cộng đồng, nếu trước đây rất nhiều trường hợp đến bệnh viện muộn, khi đã có biểu hiện nặng thì gần đây, nhiều cha mẹ đã sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường của con, đưa trẻ đi khám từ khi mới 17-18 tháng tuổi.

Bác sĩ Tiệp khuyến cáo, khi cha mẹ phát hiện trẻ có các biểu hiện như: 9 tháng chưa bập bẹ, 12 tháng không biết chỉ ngón tay hoặc không có những cử chỉ điệu bộ giao tiếp phù hợp, 16 tháng không nói từ đơn, 24 tháng không nói từ đôi hoặc nói chưa rõ; trẻ bị mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội đã có ở bất kì lứa tuổi nào. Khi có những dấu hiệu trên người nhà cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

HẢI HÀ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan đồng hành cùng trẻ tự kỷ
    ss