Nhờ đẩy mạnh hợp tác phát triển, nhiều nông sản của Hải Dương, đặc biệt là quả vải đã có mặt ở thị trường khó tính bậc nhất thế giới là Nhật Bản.
Đại diện Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) khảo sát, đánh giá chất lượng vùng vải thiều tại huyện Thanh Hà
Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Dù vậy, nhiều nông sản của Hải Dương vẫn đang được xuất khẩu sang thị trường này với sản lượng ngày càng tăng.
Xuất khẩu vải tăng
Đầu tháng 6, với sự kết nối của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và tham quan, khảo sát vùng vải thiều tại huyện Thanh Hà. Đây là lần đầu tiên Tập đoàn Aeon có buổi làm việc trực tiếp tại tỉnh về vấn đề tiêu thụ nông sản. Chuyến công tác này hướng tới mục tiêu tăng sản lượng vải của Hải Dương xuất sang Nhật Bản ngay trong năm nay.
Ông Koji Tanihara, đại diện doanh nghiệp của Nhật Bản cho biết đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam. Đoàn đã phối hợp các đơn vị truyền thông quảng bá tới người dân Nhật Bản về hình ảnh, quy trình sản xuất vải thiều. Trước mắt đoàn sẽ khảo sát, thông qua Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ để đưa vải thiều Thanh Hà vào hệ thống Trung tâm Thương mại Aeon Việt Nam.
Năm 2022, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Hải Dương, Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam đã xuất khẩu hơn 23,1 tấn quả vải tươi sang thị trường Nhật Bản và bán tại 350 cửa hàng của Tập đoàn AEON tại Nhật Bản. Đặc biệt, trong sự kiện Tuần hàng Việt Nam tổ chức định kỳ hằng năm tại các siêu thị của AEON (Nhật Bản), quả vải tươi của tỉnh Hải Dương được người tiêu dùng Nhật Bản rất ưa thích và đánh giá rất cao về hương vị. Năm nay, đơn vị có kế hoạch tiếp tục xuất khẩu 25,7 tấn vải tươi của Hải Dương sang thị trường này. Thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn xây dựng kế hoạch liên kết, hợp tác để phân phối, xuất khẩu, tiêu thụ quả vải Hải Dương lâu dài. Ngoài vải tươi, doanh nghiệp còn nghiên cứu để đầu tư công nghệ cấp đông, chế biến nhằm tiêu thụ quanh năm…
Để chinh phục thị trường Nhật Bản và nhiều nước khác, ngành nông nghiệp và người sản xuất đã cùng xây dựng và thực hiện quy trình sản xuất sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào thị trường nhiều nước trên thế giới. Tất cả những hộ kinh doanh vật tư, thuốc bảo vệ thực vật trước mỗi vụ đều được tập huấn và sẽ trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho các hộ trực tiếp sản xuất về cách sử dụng thuốc, thời gian cách ly… để bảo đảm yêu cầu của các nước nhập khẩu. Cuối cùng, doanh nghiệp sẽ lấy mẫu để kiểm tra trước khi thu mua và xuất khẩu sang thị trường các nước.
Năm 2023, Hải Dương duy trì 41 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 500ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha. Ngoài ra, có gần 4.000 ha trồng vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và BasicGAP với sản lượng khoảng 27.000 tấn.
Năm 2023, Tập đoàn Aeon có kế hoạch thu mua 25,7 tấn vải tươi của Hải Dương sang thị trường Nhật Bản. Trong ảnh: Công ty CP Ameii Việt Nam chuẩn bị vải thiều để xuất khẩu sang Nhật Bản
Hợp tác phát triển
Hải Dương là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp với đa dạng sản phẩm, sản lượng cao, chất lượng tốt. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ. Hiện nay, nông sản Hải Dương được tiêu thụ trong nước, một số ít sản phẩm như vải thiều, cà rốt, ớt, chuối, lợn sữa cấp đông… đã được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước, trong đó có Nhật Bản.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng với hàng nhập khẩu khá khắt khe. Đối với hàng nông, lâm, thủy sản phải bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và đòi hỏi phải được sản xuất, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn GAP, HACCP hay JAS - Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật. Trong những năm qua, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương sang Nhật Bản ngày càng phát triển. Các nhóm, sản phẩm chủ yếu xuất sang thị trường này là sắt thép các loại, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm từ cao su, các sản phẩm bằng giấy, thức ăn gia súc, nông sản... Năm 2022, tổng trị giá hàng hóa của Hải Dương xuất khẩu vào thị trường này đạt trên 850 triệu USD.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 2 cơ sở đóng gói và 55 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với diện tích 622 ha. Trong đó có 42 mã vải, diện tích 492 ha, sản lượng trên 3.300 tấn; cà rốt là 13 mã với diện tích 130 ha, sản lượng 7.800 tấn. Năm 2023, sản lượng vải xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 100 tấn; sản lượng cà rốt xuất khẩu đạt 5.000 tấn. Ngoài ra, còn một số lượng nhỏ rau, củ, quả khác xuất khẩu sang thị trường này.
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết 2023 là tròn 50 năm Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Để đánh dấu chặng đường này, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cam kết tăng sản lượng thu mua nông sản của Hải Dương, đặc biệt là quả vải thiều. Ngoài ra, hằng năm, các đoàn chuyên gia của Nhật Bản cũng thường xuyên tới hỗ trợ ngành nông nghiệp và nông dân trong tỉnh để hoàn thiện quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, Hải Dương cũng thường xuyên có các đoàn công tác tới Nhật Bản với mục đích tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng và cơ hội hợp tác, đầu tư giữa Hải Dương với các địa phương, các nhà đầu tư tại đây. Đây là cơ hội cho ngành nông nghiệp tiếp tục thay đổi theo hướng tăng sản lượng, chất lượng để ngày càng có nhiều nông sản xuất khẩu vào Nhật Bản và thị trường các nước khác trên thế giới, góp phần nâng cao giá trị nông sản của Hải Dương.
TRẦN HIỀN