[Audio] Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục

11/08/2023 15:59

Sáng 11.8, các đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo Hải Dương.

00:00


Đồng chí Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu tại hội nghị đối thoại

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, một số sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng hơn 1.100 cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục và đào tạo tham dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng nhấn mạnh, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của cấp uỷ, chính quyền các địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ngành giáo dục và đào tạo Hải Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật, đạt được những thành tích rất đáng trân trọng. Ngành đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp; tích cực đổi mới công tác quản lý, tạo được sự thống nhất và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong việc quan tâm, đầu tư phát triển giáo dục, tạo cơ chế thuận lợi, hành lang pháp lý để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa phương…

Tuy nhiên, ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức như chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học chưa thật vững chắc, chưa đồng đều. Cơ sở vật chất trường, lớp, phương tiện, thiết bị dạy học vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ chi đầu tư phát triển, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn thấp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ kỳ vọng cuộc tiếp xúc, đối thoại sẽ nêu rõ được những vấn đề cấp thiết, quan trọng, khó khăn, vướng mắc của ngành giáo dục và đào tạo để các cấp, các ngành thẳng thắn nhìn nhận, tìm biện pháp tháo gỡ, giải quyết theo đúng phạm vi, thẩm quyền. Qua đó, giúp cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng như cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các cơ quan chức năng có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển của đất nước…

Đổi mới nhưng còn nhiều khó khăn


Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt thực trạng về giáo dục và đào tạo gắn với thực hiện Nghị quyết số 29

Báo cáo tóm tắt thực trạng về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cho biết những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết số 29 với các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, đề án triển khai giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; kết hợp dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Giai đoạn 2013-2023, tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế tạo chuyển biến trong phát triển giáo dục và đào tạo cả về quy mô và chất lượng, tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Hải Dương liên tục là một trong trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chất lượng học sinh giỏi... Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì và nâng cao sau từng năm; giáo dục đại học và giáo dục nghề đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh Hải Dương, vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện theo hướng tinh giản nội dung; phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo được đổi mới căn bản, bảo đảm trung thực, khách quan. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được quan tâm phát triển, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc được đầu tư cơ bản đáp ứng được Chương trình giáo dục phổ thông mới.


Hơn 1.100 đại biểu dự hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương và cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo

Tuy nhiên, công tác phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo gắn với thực hiện Nghị quyết 29 cũng gặp nhiều khó khăn. Vai trò quản lý nhà nước, sự phối hợp của các ngành trong tham mưu xây dựng, quy hoạch, dự báo sự phát triển số lượng học sinh, áp lực về cơ sở vật chất, trường, lớp còn nhiều hạn chế. Nhiều trường học hiện không đủ diện tích theo quy định hoặc không còn khả năng mở rộng khuôn viên tại chỗ, nhất là những trường trong khu vực đô thị, khu vực đông dân cư không còn quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường. Chất lượng giáo dục toàn diện ở một số cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục tư thục còn thấp, chưa được đánh giá đúng thực chất. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại địa phương, trường học. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều. Công tác tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn. Tỷ lệ giáo viên/lớp thấp hơn so với định mức tối đa của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cùng với chủ trương tinh giản biên chế dẫn đến các cơ sở giáo dục không bảo đảm đủ số lượng người làm việc theo quy mô lớp. Hải Dương vẫn chưa thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không có dự án đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp bằng nguồn vốn của nước ngoài. Công tác xã hội hoá gặp khó khăn do vướng quy định...

Hải Dương đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm phát triển giáo dục và đào tạo trong thời gian tới. Tỉnh quyết tâm tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Xây dựng nền giáo dục mở có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo. Huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo...


Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Ngọc Thành trả lời ý kiến, kiến nghị của các đại biểu

Quan tâm 4 nhóm vấn đề chính

Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh thu hút 178 lượt ý kiến, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo thuộc 4 nhóm vấn đề chính gồm: cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giải pháp nâng cao chất lượng, thu hút đội ngũ giáo viên giỏi về công tác tại tỉnh; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, các vấn đề về đạo đức, an toàn của học sinh, sinh viên và về dạy thêm, học thêm; những khó khăn, vướng mắc và giải pháp đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Tại buổi đối thoại, 31 đại biểu đăng ký phát biểu. Do nhiều đại biểu có các ý kiến, kiến nghị trùng lặp nên có 16 đại biểu phát biểu hơn 30 nội dung thuộc 4 nhóm vấn đề trên. Trong đó, nhóm vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giải pháp nâng cao chất lượng, thu hút đội ngũ giáo viên giỏi về công tác tại tỉnh Hải Dương.


Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Hồng Diên trả lời các ý kiến, kiến nghị xung quanh việc đầu tư kinh phí cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo

Nhiều đại biểu băn khoăn về mục tiêu tinh giải biên chế ngành giáo dục và đào tạo mà UBND tỉnh đã có kế hoạch cho giai đoạn 2022-2026 là giảm ít nhất 5% số biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% số biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Việc cắt giảm biên chế sẽ gây ra nhiều khó khăn cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì thực tế số giáo viên do tỉnh giao đang thấp hơn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề nghị tỉnh có chính sách đặc thù đối với ngành giáo dục và đào tạo trong tinh giản biên chế, cho hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với các đơn vị có thu, không tinh giản bằng cách cắt biên chế cơ học.

Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết trong tổng số biên chế viên chức sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì biên chế ngành giáo dục và đào tạo chiếm trên 86%. Do vậy, để bảo đảm giảm 10% số biên chế sự nghiệp trong giai đoạn 2022-2026 của tỉnh theo mục tiêu của Trung ương đề ra thì ngành giáo dục và đào tạo vẫn phải thực hiện giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách mới hoàn thành kế hoạch tinh giản biên chế trong giai đoạn này. Năm 2023, các trường thực hiện tinh giản theo kế hoạch. Từ năm 2024 trở đi các cơ sở giáo dục công lập vẫn phải giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước bảo đảm theo lộ trình trên, nhưng không cắt giảm cơ học mà gắn với việc chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp (không phải ngân sách nhà nước cấp) trên cơ sở xây dựng Đề án tự chủ về tài chính do Sở Tài chính hướng dẫn và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Có 19 ý kiến của các tập thể, cá nhân đề nghị tỉnh cần có chính sách thu hút nhân tài về tỉnh (sinh viên sư phạm xuất sắc, giỏi...) thông qua cơ chế tuyển dụng và các chính sách ưu đãi khác cho đội ngũ giáo viên.


Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kỳ Vũ Văn Sáng đề nghị tỉnh tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho cán bộ, giáo viên bằng hình thức xét tuyển

Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết Trung ương và tỉnh Hải Dương đã có các quy định về chính sách thu hút nhân tài. Ngày 11.7.2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ đi đào tạo sau đại học, thưởng phong học hàm, tặng danh hiệu đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh gồm: giáo viên có thành tích bồi dưỡng học sinh đạt giải nhất các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, giải chính thức các kỳ thi học sinh giỏi khu vực, quốc tế; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định… Trong các năm 2020 và 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức xét tuyển theo những chính sách này để tuyển dụng giáo viên chuyên cho Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi. Riêng các cơ sở giáo dục khác chưa thực hiện được vì không có nguồn tuyển đủ tiêu chuẩn theo quy định. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành chuyên môn đề xuất, tham mưu xây dựng chính sách đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên thuộc tỉnh, nhất là giáo viên cấp mầm non, tiểu học để thu hút nguồn tuyển, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đội ngũ giáo viên, giảm thiểu tình trạng giáo viên bỏ nghề do thu nhập thấp...

Không ít đại biểu kiến nghị Nhà nước tăng lương cho đội ngũ giáo viên các cấp. Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11.11.2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, quy định từ ngày 1.7.2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1.800.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức tăng 20,8% so với quy định hiện hành (1.490.000 đồng). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%; giáo viên mầm non đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Bộ cũng đang dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, với 8 mức phụ cấp từ 25-100%.


Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương Nguyễn Thị Hường đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh trong tỉnh học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Nhiều đại biểu đề nghị tỉnh cho biết trong thời gian tới sẽ có giải pháp gì trong việc triển khai có hiệu quả nguồn vốn đã được Trung ương phân bổ, cân đối, bố trí ngân sách địa phương và lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và yêu cầu của Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 25.6.2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết đối với kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương. Hằng năm, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tập trung các nguồn lực ưu tiên bố trí kinh phí cho Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND cấp huyện để thực hiện mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu. Đối với việc tham mưu xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030’, UBND tỉnh đã giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định. Tuy nhiên, đến nay, đề án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo sớm báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Trên cơ sở đề án được phê duyệt, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương, tập trung các nguồn lực tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất trường học và yêu cầu của Thông tư số 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Giàng Phạm Thị Oanh nêu băn khoăn về quỹ đất dành cho giáo dục

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến, kiến nghị khác của các đại biểu liên quan đến việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nghề; quỹ đất phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo; học phí; hỗ trợ giáo viên đi học nâng cao trình độ; thi nâng ngạch cho giáo viên; lựa chọn sách giáo khoa mới; công tác phân luồng; dự báo thị trường lao động, nhu cầu việc làm… đã được lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh giải đáp.

Giải quyết ngay một số vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh

Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo đã kiến nghị khá đầy đủ những vấn đề mà xã hội rất quan tâm hiện nay. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự yêu nghề, mong muốn sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Hải Dương ngày càng phát triển.


Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thực trả lời ý kiến, kiến nghị

Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã cơ bản trả lời bám sát những ý kiến, kiến nghị các đại biểu đã nêu. Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị và trả lời bằng văn bản; đề xuất giải pháp giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ thông tin ngày 10.8.2023, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định về việc xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư xã hội hoá một số lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Theo đó, tỉnh miễn toàn bộ tiền thuê đất khi các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vào giáo dục. Điều đó một lần nữa khẳng định Hải Dương luôn quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo.

Đối với một số nhóm vấn đề mà các đại biểu kiến nghị tại buổi đối thoại thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, nếu đã có quy định cần phải thực hiện ngay. Quan tâm chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh đi học nghề; thi nâng ngạch, xếp hạng cho giáo viên; nâng cao chất lượng giáo viên thông qua đào tạo. Các địa phương phải hướng dẫn cơ sở đăng ký nhu cầu để các sở, ngành tổ chức đào tạo bồi dưỡng…


Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lương Văn Việt trả lời nhiều nội dung các đại biểu quan tâm

Hải Dương hiện có trên 2,1 triệu người. Mỗi năm, bình quân toàn tỉnh có khoảng 30.000 người đến độ tuổi lao động. Nhu cầu lao động hằng năm rất lớn. Việc dự báo thị trường lao động rất quan trọng song các cơ quan của tỉnh làm chưa tốt việc này. Giao các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội phải có dự báo hằng năm, thường kỳ, đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, càng chi tiết càng tốt cho từng lĩnh vực ngành nghề. Mặc khác, tìm hiểu, đăng tải cả thông tin về khả năng đáp ứng vị trí việc làm, công tác tuyển dụng của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Có như vậy, các cơ sở giáo dục mới có định hướng chính xác trong công tác đào tạo. Các cơ quan nhà nước cần tổ chức gặp gỡ với các doanh nghiệp có nhu cầu lao động lớn và các đơn vị giáo dục để thực hiện nhiệm vụ này.

Thu nhập của giáo viên hiện nay còn thấp, nhất là với giáo viên mầm non. Bên cạnh những chính sách của Trung ương, các sở, ngành cần tham mưu cho tỉnh ban hành những chính sách đãi ngộ riêng nhưng phải phù hợp với khả năng của địa phương.

Hải Dương không thiếu quỹ đất dành cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo và luôn khuyến khích thu hút xã hội hoá đầu tư cho sự nghiệp này. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư vẫn chưa biết. Do đó, cần công khai toàn bộ quỹ đất mà tỉnh thu hút vào các lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo để đưa lên Cổng Thông tin điện tử tỉnh.


Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Trí Quang trả lời các vấn đề liên quan đến giáo dục nghề nghiệp

Đối với một số nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương giải quyết như tinh giản biên chế, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, lựa chọn sách giáo khoa mới…, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ giao các sở, ngành liên quan kịp thời kiến nghị với cấp trên.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao các cơ quan liên quan phải sớm trả lời, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu nêu tại cuộc đối thoại, hoàn thành báo cáo trước ngày 31.12 tới. Giao Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Văn phòng Tỉnh uỷ thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, báo cáo định kỳ.

TIẾN MẠNH - THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục