[Audio] Ít quan tâm sức khỏe sinh sản của lao động công nghiệp, nhiều hệ lụy

11/04/2023 15:30

Dù được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản nhưng nếu không biết chọn lọc, người lao động dễ gặp rủi ro.

00:00


Công đoàn Công ty TNHH Meiko Towada Việt Nam phát tờ rơi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho công nhân, người lao động

 Ảnh: DIỆU THÚY

Mặc dù hiện nay công nhân, người lao động được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhưng nếu không biết chọn lọc và không được sự quan tâm của doanh nghiệp thì dễ gặp phải những rủi ro. 

Mù mờ

Mặc dù nửa năm đã trôi qua nhưng chị Lù Thị Th. quê ở huyện Tam Đường (Lai Châu) vẫn chưa hết ám ảnh sau đợt phá thai lần đầu. Năm nay chị Th. 19 tuổi, về Hải Dương làm việc trong một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) được 2 năm. Chị Th. và bạn trai cùng xuống Hải Dương làm việc, do bất cẩn nên có thai ngoài ý muốn. “Tôi sợ gia đình biết nên giấu đi phá thai tại một phòng khám tư ở phố Nguyễn Trãi (TP Hải Dương). Lẽ ra sau khi phá thai tôi không được làm việc nặng nhọc, bảo đảm dinh dưỡng và không quan hệ ngay nhưng do thiếu kiến thức nên tôi không làm theo lời dặn của bác sĩ. Kết quả, tôi bị ra máu quá nhiều phải đi cấp cứu sau 2 ngày phá thai”.

Nhiều năm làm công tác truyền thông về sức khỏe sinh sản cho công nhân, người lao động, không ít cán bộ của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, dù hiện nay kiến thức về sức khỏe sinh sản phổ biến nhưng để công nhân, lao động lựa chọn được thông tin tốt lại chưa nhiều. Họ ngại đến các trung tâm chuyên chăm sóc sức khỏe sinh sản kiểm tra định kỳ. Không ít người tin vào "bác sĩ Google” mua thuốc về tự chữa bệnh khiến tiền mất tật mang. Nhiều công nhân, lao động cũng chưa coi trọng sức khỏe sinh sản, nhiều khi vì ngại nên họ ít chia sẻ với người thân, không chủ động khám chuyên khoa định kỳ nên khi phát hiện bệnh đã nặng và khó điều trị. 

Lao động là người dân tộc thiểu số xuống các doanh nghiệp của Hải Dương làm việc vẫn còn thiếu nhiều thông tin về sức khỏe sinh sản. Họ thường không sử dụng các biện pháp tránh thai khoa học, an toàn, thậm chí dùng một số loại thuốc lá để chữa bệnh dẫn đến viêm nhiễm nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản. Chị Nguyễn Thị Than, công nhân Công ty TNHH TRIX Việt Nam ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) thừa nhận ít quan tâm tìm hiểu kiến thức sức khỏe sinh sản. “Công ty cũng tổ chức tuyên truyền về kiến thức sức khỏe sinh sản nhưng thời gian học ít quá nên học trước quên sau”, chị Than chia sẻ. 

Cần bù đắp

Hải Dương hiện có hơn 350.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Lao động trong độ tuổi sinh đẻ làm việc tại doanh nghiệp cũng chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng hơn 80%. Vì vậy việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động có ý nghĩa lớn để nâng cao phúc lợi đoàn viên, giúp doanh nghiệp có nguồn nhân lực tốt phục vụ sản xuất, kinh doanh. 

Chị Hà Thị Thu Hà, Trưởng Ban CNB (chuyên phụ trách chính sách tiền lương và phúc lợi của người lao động), Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thời trang YODY (TP Hải Dương) cho biết doanh nghiệp có hơn 3.000 lao động thì có đến 85% là nữ nên chăm lo sức khỏe sinh sản cho chị em được quan tâm. Các kiến thức về sức khỏe sinh sản được cung cấp thường xuyên qua tổ nữ công. Những chị em trong độ tuổi sinh đẻ ngoài được hưởng các chế độ theo quy định, doanh nghiệp còn trang bị đồng phục riêng để phù hợp với thai kỳ. Nhận thấy việc chăm sóc sức khỏe sinh sản không chỉ có ý nghĩa với phụ nữ mà cả nam giới nên doanh nghiệp đang có ý tưởng phối hợp với một trung tâm lập đường dây nóng, tư vấn các vấn đề về tình yêu, kiến thức giới tính, sức khỏe cho công nhân mọi lúc, mọi nơi, qua đó giúp họ có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe.

Lao động khỏe, doanh nghiệp cũng được lợi. Đây là nhận định của chị Nguyễn Thị Hằng, phụ trách nữ công của Công ty CP May Tiến An ở xã Liên Hồng (TP Hải Dương). Theo chị Hằng, không chỉ tuân thủ lịch khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, doanh nghiệp còn quan tâm chia sẻ và hỗ trợ công nhân, lao động về cuộc sống hôn nhân và gia đình, trong đó có các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. “Không ít chị em bị ảnh hưởng bởi định kiến của gia đình, dòng họ bắt sinh con thứ ba trong khi thu nhập chưa cao, sức khỏe có hạn. Những trường hợp này, chúng tôi với các chị em cùng tổ thường xuyên tìm hiểu và khuyên nhủ, thậm chí đến tận nhà để vận động gia đình”, chị Hằng nói.


Tỷ lệ lao động trong độ tuổi sinh đẻ đang làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh rất lớn nên cần thiết trang bị kiến thức sức khỏe sinh sản. Ảnh minh họa

Hiện nay, kinh phí cho công tác tuyên truyền về dân số nói chung và sức khỏe sinh sản cho công nhân, người lao động nói riêng của tỉnh khá hạn hẹp. Một số mô hình như “Góc thân thiện” của Tỉnh đoàn Hải Dương hay Câu lạc bộ  “Công nhân, lao động với sức khỏe sinh sản” do Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam thực hiện, xây dựng thí điểm tại một số doanh nghiệp đã lâu nay hoạt động cũng dần mờ nhạt.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản có ý nghĩa không nhỏ đối với đời sống công nhân, người lao động, vì thế cần sự quan tâm của doanh nghiệp và tổ chức công đoàn. Các hoạt động truyền thông, trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cần được tổ chức thường xuyên. Những mô hình về chăm sóc sức khỏe sinh sản có ý nghĩa như trên cần thay đổi phương thức hoạt động, tránh lập ra rồi để đó, chết yểu trong khi người lao động vẫn lơ mơ về kiến thức sức khỏe sinh sản. 

BẢO ANH

>>> Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản cho học sinh, sinh viên
>>> Hệ luỵ từ việc thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản
>>> Bảo đảm thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ trong đại dịch

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Ít quan tâm sức khỏe sinh sản của lao động công nghiệp, nhiều hệ lụy