[Audio] Gỡ khó phát triển du lịch nông thôn

09/04/2023 11:00

Mảnh đất xứ Đông yên bình với nhiều di sản mang giá trị lịch sử to lớn, sản vật đặc sắc là thế mạnh để Hải Dương "đánh thức" tiềm năng du lịch nông thôn.

00:00


 Nhiều vùng quê ở huyện Tứ Kỳ có thể khai thác phát triển du lịch nông thôn

Hải Dương có nhiều vùng đất trù phú, những làng quê yên bình với không ít sản vật đặc sắc có thể khai thác, phát triển du lịch nông thôn. Tuy nhiên, để đánh thức tiềm năng này vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Sẵn tiềm năng

Có dịp về khảo sát tour du lịch đồng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, anh Nguyễn Văn Hùng, đại diện Công ty CP Công nghệ du lịch BestPrice (Hà Nội) khá ấn tượng với vùng sinh thái đặc sắc ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà.

Anh Hùng cho biết so với điểm du lịch xanh nổi tiếng ở làng rau Trà Quế của Hội An (Quảng Nam) thì những vùng bãi ven sông ở Tứ Kỳ hay vườn cây ở Thanh Hà thú vị không kém. Du khách sẽ rất ấn tượng với những vùng trồng ổi, trồng bưởi, trồng rau bạt ngàn, len lỏi giữa những làng quê yên bình và những nghề thủ công truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm. “Hải Dương có sẵn tiềm năng phát triển du lịch thôn quê. Tôi về đây khảo sát để sắp tới đưa một vài đoàn du khách nước ngoài về tham quan, trải nghiệm tại Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kinh Môn. Chắc chắn họ sẽ rất thích”, anh Hùng nói.

Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050” xác định du lịch nông thôn là một trong những tiềm năng, lợi thế để khai thác và phát triển.

Anh Nguyễn Văn Tú, hướng dẫn viên du lịch của Vietfarmtrip (công ty chuyên về trải nghiệm du lịch đồng quê ở Hà Nội) đã lên kế hoạch dẫn đoàn 30 khách Thụy Điển về An Thanh (Tứ Kỳ) trải nghiệm du lịch đồng quê. Anh Tú cho biết khoảng cuối tháng 4 này du khách Thụy Điển về An Thanh câu cáy, bắt cá, cưỡi trâu, làm cỏ lúa, tát nước và trải nghiệm dệt chiếu cói. “Trước đây chúng tôi đã đưa một đoàn khách Đan Mạch về xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) trải nghiệm du lịch nông thôn và họ rất thích. Sau chuyến đi đó, chúng tôi nhận thấy Hải Dương có nhiều vùng quê có thể khai thác được du lịch, thu hút du khách, nhất là khách nước ngoài”, anh Tú khẳng định.


Trang trại trải nghiệm Nam Vũ Farm ở đội 14, thôn Mạc Thủ, xã Liên Mạc (Thanh Hà) đang gặp khó khăn trong chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, du lịch

Nhận thấy tiềm năng của du lịch nông thôn, không ít nơi trong tỉnh mạnh dạn phát triển loại hình này. Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kinh Môn, Thanh Miện… đã sớm xây dựng đề án, kế hoạch khai thác, phát triển du lịch, trong đó tập trung vào các điểm du lịch đồng quê và tâm linh gắn với sản phẩm OCOP. Nhiều doanh nghiệp, HTX cũng bắt đầu chuyển hướng đầu tư, khai thác nông nghiệp gắn với du lịch nhằm tăng thu nhập, tạo sinh kế cho nhiều lao động nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng đa giá trị.

Bà Nguyễn Hoài Thoa, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Hải Dương sở hữu tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Toàn tỉnh hiện có trên 3.000 di tích, trong đó 4 di tích, cụm và quần thể di tích quốc gia đặc biệt, nhiều di tích quốc gia và cấp tỉnh. Các vùng quê cảnh sắc thiên nhiên độc đáo và có nhiều sản vật đặc sắc cũng đang được "đánh thức" để phát triển du lịch. Tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện Quyết định số 922/QĐ của Chính phủ về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Chưa quan tâm hỗ trợ đúng mức

Tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn lớn nên hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân của Hải Dương đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, họ đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.


Điểm du lịch Tiệm Dũng nhà quê ở xã Lạc Long (Kinh Môn) đã thu hút không ít du khách trong nước và nước ngoài

Trang trại trải nghiệm Nam Vũ Farm ở đội 14, thôn Mạc Thủ, xã Liên Mạc (Thanh Hà) dự kiến sẽ khai trương, mở cửa đón khách du lịch từ ngày 10.4 tới nhưng có thể phải lùi lại xa hơn do dự án đang gặp khó khăn về thủ tục xây dựng một số công trình, hạng mục. Chị Lương Thị Cúc, đại diện trang trại này cho biết hiện HTX đã đầu tư số vốn không nhỏ để xây dựng khu trải nghiệm, tham quan, nhưng một số công trình như nhà đón khách, nhà giới thiệu và trưng bày sản phẩm vẫn chưa thực hiện được do hiện nay tỉnh cũng như huyện chưa có hướng dẫn, cơ chế cụ thể cho việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, du lịch. “HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ là 1 trong 5 mô hình được tỉnh chọn tham gia đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025. HTX cũng là đơn vị đi đầu trong xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với khai thác du lịch và dịch vụ. Quyết tâm sẵn có cùng với số vốn đầu tư không nhỏ nên chúng tôi rất mong các cấp chính quyền sớm tháo gỡ khó khăn này”, chị Cúc nói.

Hải Dương đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch nông thôn nhưng chủ yếu tự phát, nhỏ lẻ và thiếu tính liên kết. Tại nhiều điểm du dịch nông thôn, việc đầu tư cơ sở hạ tầng chắp vá do thiếu cơ chế hỗ trợ về đất đai và vốn đầu tư. Các dịch vụ phát triển du lịch nông thôn còn thiếu đồng bộ. Chẳng hạn như tuyến đường vào điểm du lịch Tiệm Dũng nhà quê ở thôn Kim Đậu, xã Lạc Long (Kinh Môn) còn khá nhỏ hẹp, chưa được chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư, mở rộng, khó có thể đón các đoàn khách du lịch nếu đi xe ô tô lớn. Không ít các điểm du lịch còn khó khăn trong kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch...

Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 2,5 triệu lượt khách quốc tế, trong đó 0,75 triệu lượt khách lưu trú; 3,7 triệu lượt khách nội địa, trong đó 1,48 triệu lượt có lưu trú. Để thực hiện mục tiêu này, phát triển du lịch nông thôn cần được quan tâm ưu tiên.

LAN ANH

>>> Đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Gỡ khó phát triển du lịch nông thôn
    ss