[Audio] Gia Lộc tạo đột phá phát triển nông nghiệp

10/06/2023 11:00

Với những giải pháp cụ thể của các cấp chính quyền cùng sự tìm tòi, sáng tạo của người dân, nông nghiệp của Gia Lộc tiếp tục thu được những kết quả khả quan.

00:00


Nông dân Gia Lộc tìm tòi, sáng tạo, đưa nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất. Trong ảnh: Mô hình trồng dưa trong nhà màng của anh Nguyễn Đình Nhuận (ở thôn Lúa, xã Đoàn Thượng) cho lãi 1 tỷ đồng/năm 

Lợi nhuận cao

Trước đây, anh Nguyễn Đình Nhuận (ở thôn Lúa, xã Đoàn Thượng) trồng rau màu theo phương pháp truyền thống. Dù nắm chắc kỹ thuật và thời vụ nhưng do thời tiết bất thuận nên kết quả không được như mong muốn. Năm 2020, gia đình anh đã đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng nhà màng với diện tích 7.000m2. Mỗi năm anh trồng 3 vụ dưa lưới vàng, 1 vụ dưa chuột. "Từ khi làm hệ thống nhà màng, tôi khá yên tâm bởi thời tiết không ảnh hưởng quá nhiều. Với 4 vụ dưa, mỗi năm tôi thu khoảng 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 1 tỷ đồng", anh Nhuận nói.

Những năm qua, nhiều người dân ở Gia Lộc đã thuê đất sản xuất nông nghiệp và mang lại hiệu quả cao. Mỗi năm vào vụ đông, bà Lê Thị Lụa (ở xã Lê Lợi) lại sang xã Đồng Quang thuê từ 35-40 mẫu đất để trồng su hào, cải bắp... "Gia đình tôi có hơn chục mẫu đất. Nếu sản xuất trên diện tích này thì không đủ hàng hóa tiêu thụ, còn nếu đi thu mua thì không chủ động và cũng không biết chất lượng ra sao. Thuê đất giúp tôi vừa tận dụng diện tích đất và lao động nông nhàn của địa phương, đồng thời tạo ra được lượng hàng hóa lớn, thuận tiện cho việc vận chuyển và tiêu thụ", bà Lụa cho biết.  Trong quá trình thuê, gia đình bà còn nhận được nhiều sự giúp đỡ từ phía chính quyền.

Nhiều cơ chế hỗ trợ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lộc đã xây dựng kế hoạch "Quy hoạch và xây dựng vùng hoa, rau quả tập trung theo hướng an toàn tiến tới sạch, ưu tiên các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất phù hợp với kinh tế nông nghiệp ven đô giai đoạn 2021- 2025". Mục tiêu là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, tiến tới sạch, có năng suất, chất lượng, đạt giá trị sản xuất cao. Để kế hoạch đi vào thực tiễn, 100% Đảng ủy các xã, thị trấn ban hành Nghị quyết thực hiện; 15 xã xây dựng kế hoạch triển khai; 14 xã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Các địa phương tổ chức 132 hội nghị, hội nghị lồng ghép tới Đảng bộ xã, chi bộ, các thôn và các đoàn thể.

Với sự vào cuộc đồng bộ, chủ động, sản xuất nông nghiệp của huyện Gia Lộc đã đạt được những kết quả tích cực. 

Huyện đã quy hoạch thêm 6 vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 73 ha tại các xã Thống Kênh, Thống Nhất, Phạm Trấn, Nhật Tân, đạt 100% mục tiêu kế hoạch về số vùng, 81% kế hoạch về diện tích, nâng tổng số vùng rau an toàn của huyện lên 64 vùng. Trong đó có 11 vùng với diện tích 138 ha có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp; 51 vùng rộng 768 ha có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản với các tư thương. Giá trị sản xuất đối với những vùng ký hợp đồng liên kết và bao tiêu nông sản với các siêu thị, doanh nghiệp đạt từ 700 - 800 triệu đồng/ha, cao hơn từ 30-40% so với sản xuất không theo quy trình GAP, đạt mục tiêu kế hoạch.

Từ năm 2021 đến tháng 4.2023, huyện đã xây dựng thêm 31 mô hình nhà màng, nhà lưới với diện tích 99.968 m2, đạt 75,5% kế hoạch, nâng diện tích nhà màng, nhà lưới của huyện lên 220.482 m2. Gia Lộc đã xác định được một số công thức luân canh cây trồng trong nhà màng, nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao như 3 vụ dưa lưới, 1 vụ dưa chuột; đan xen 2 vụ dưa lưới, 2 vụ dưa chuột; 2 vụ cây giống, 1 vụ rau gia vị; nho hạ đen. Giá trị sản xuất cây trồng trong nhà lưới từ 1,8 - 2,5 tỷ/ha/năm, đạt mục tiêu kế hoạch.

Toàn huyện đã quy hoạch được 16 vùng với 161,8 ha sản xuất theo quy trình VietGAP được cấp giấy chứng nhận, đạt 100% kế hoạch số vùng và đạt 67,2% về diện tích. Người dân các vùng sản xuất VietGAP được tập huấn về kỹ thuật, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên môn. Các hộ sản xuất trong vùng đều chấp hành nghiêm quy trình kỹ thuật, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị đặt hàng thu mua và liên kết bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm từ các vùng VietGAP đã tìm được chỗ đứng vững chắc khi được các siêu thị như VinMart, BigC... đặt hàng.

Một trong những nguyên nhân để Gia Lộc sớm đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra đó là sự quan tâm đầu tư cho các vùng sản xuất nông nghiệp. Bằng các nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện và xã, từ năm 2021 đến nay, các địa phương đã mở rộng, cải tạo được 26 tuyến đường nội đồng với chiều dài 10,146 km. Huyện còn hỗ trợ thuê đất, xây dựng vùng VietGAP, GlobalGAP, nhà màng, nhà lưới, tu bổ, nạo vét hệ thống thủy lợi đáp ứng cho nhu cầu tưới, tiêu... với số tiền gần 119 tỷ đồng. 

Với sự quan tâm đó, năm 2022, giá trị sản xuất 1 ha đất trồng trọt, thủy sản của huyện đạt 246 triệu đồng, tăng 28,3 triệu đồng so với năm 2020, vượt 4 triệu đồng/ha mục tiêu đại hội đề ra. 

THANH HÀ

(0) Bình luận
[Audio] Gia Lộc tạo đột phá phát triển nông nghiệp