[Audio] Đam mê sưu tầm đồng hồ cổ

09/04/2023 08:52

Những chiếc đồng hồ có tuổi thọ từ vài chục đến cả trăm năm với nhiều kiểu dáng luôn có sức hút riêng đối với những người đam mê.

00:00


Hiện ông Vinh có khoảng 30 chiếc đồng hồ cổ với nhiều loại, kiểu dáng khác nhau 

Ngấm vào máu

Tới nhà ông Ngô Văn Vinh, sinh năm 1964, ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), chúng tôi như lạc vào một thời quá vãng bởi những chiếc đồng hồ cổ độc đáo. Ông Vinh đang sở hữu khoảng 30 chiếc đồng hồ cổ thuộc nhiều loại từ tủ cây, treo tường đến đồng hồ tượng. Mỗi chiếc đồng hồ lại có niên đại, kích thước, kiểu dáng khác nhau, không có chiếc nào giống chiếc nào.

Cha của ông Vinh từng là thợ sửa chữa đồng hồ nên có niềm đam mê đặc biệt với những chiếc đồng hồ cổ. Khi kế cận nghề của cha, ông Vinh cũng mê những món đồ cổ này từ lúc nào không hay. “Nghề đi liền với nghiệp, từ quá trình nghiên cứu, tìm hiểu để sửa chữa, tôi đã mê mẩn những chiếc đồng hồ cổ. Thú chơi này cũng lắm công phu, tôi phải bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc nhưng cũng nhờ đó mà có thêm nhiều bạn bè, anh em cùng chung sở thích”, ông Vinh bảo.

Hơn 30 năm trước, ông Vinh bắt đầu hành trình sưu tầm đồng hồ cổ. Thời điểm đó, quá trình giao thương, thông tin liên lạc không phát triển như bây giờ. Có lúc, ông Vinh phải đi xe máy từ Hải Dương đến Hà Nội để thuyết phục người ta để lại cho chiếc đồng hồ cổ. Dù có tiền nhưng không phải lúc nào người chơi cũng có được chiếc đồng hồ mình yêu thích. Bởi thế, mỗi khi thuyết phục được người đồng ý bán thì cả đêm ông Vinh trằn trọc, không ngủ được vì háo hức, chỉ mong trời nhanh sáng để có thể lên đường “rinh” ngay đồng hồ về nhà vì sợ người bán đổi ý. Có lần, dù đã mua được một chiếc đồng hồ cổ, nhưng vì có một chiếc đồng hồ khác khiến vợ chồng ông cũng mê mẩn không kém trong khi số tiền mang trong người không đủ, vợ chồng ông đã quyết định tháo hết trang sức có trên người để đổi lấy chiếc đồng hồ này.


Những chiếc đồng hồ cổ không chỉ là công cụ đếm thời gian mà còn là tác phẩm nghệ thuật để bài trí, sắp xếp trong ngôi nhà

Ông Chu Văn Quỳnh, sinh năm 1969, ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đã có khoảng 15 năm sưu tầm đồng hồ. Ông Quỳnh cho biết: “Tôi mê đồng hồ cổ từ thời thanh niên nhưng phải đến khi có đủ điều kiện kinh tế mới có thể theo đuổi và duy trì thú chơi này. Nghe tin ở đâu có đồng hồ cổ là tôi tìm đến để mua, có những lúc mất ăn, mất ngủ để tìm cách làm quen với người sở hữu và thuyết phục họ”.

Kể về hành trình tìm kiếm, sưu tầm, ông Quỳnh nhớ mãi về việc từng nhiều lần đến tận nhà thuyết phục một người ở Hà Nội bán lại chiếc đồng hồ cổ. Đến lần thứ 7, thấy ông Quỳnh kiên trì, thực sự yêu thích nên cuối cùng người này đã đồng ý. Trong bộ sưu tập, ông Quỳnh thích nhất chiếc đồng hồ tượng được sản xuất từ thế kỷ XIX mà ông đã bỏ khoảng 7 cây vàng để mua hơn chục năm về trước. 

Chứa đựng nhiều giá trị

Sưu tầm đồng hồ cổ đòi hỏi người chơi phải có sự hiểu biết về nguồn gốc xuất xứ, chất liệu, âm thanh của từng dòng đồng hồ. Đồng hồ cổ không đơn thuần là món đồ để cho ta biết thời gian, mà nó còn là một tác phẩm nghệ thuật lưu lại những nét đẹp từ quá khứ, có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử. Đồng hồ cổ gồm nhiều loại như: tủ, treo tường, đồng hồ tượng và đồng hồ đeo tay. Nhưng những người đam mê thường thích sưu tầm đồng hồ tủ và treo tường vì chúng có thể bài trí, sắp xếp trong không gian ngôi nhà như một tác phẩm nghệ thuật. Ở Việt Nam, dòng đồng hồ cổ có tiếng được nhiều người săn lùng đến từ hãng Odo của Pháp bởi đồng hồ của hãng này vừa đẹp, vừa bền.


Chiếc đồng hồ tượng mà ông Quỳnh thích nhất trong bộ sưu tập

Theo ông Vinh, người chơi đồng hồ phải đầu tư chi phí, thời gian để nuôi dưỡng đam mê. Trong bộ sưu tập của ông hiện nay, chiếc thấp nhất có giá hơn 20 triệu đồng, chiếc cao nhất hơn 400 triệu đồng. Ngoài am hiểu về nguồn gốc xuất xứ, kỹ thuật sản xuất, chất liệu, người chơi còn cần hiểu và cảm thụ âm thanh của từng dòng đồng hồ. Thời khắc điểm chuông của mỗi chiếc đồng hồ cũng khác nhau, có chiếc 15 phút hoặc 30 phút đổ chuông một lần, có chiếc điểm theo giờ. Bản nhạc của nhiều dòng đồng hồ thường là bài Westminster (giai điệu này được chọn cho tháp đồng hồ Big Ben ở London, Anh) nhưng mỗi chiếc lại cho những âm thanh trầm, bổng khác nhau.

Với ông Vinh, niềm vui là hằng ngày được nghe tiếng chuông đồng hồ ngân nga. Theo ông Vinh, hiện đồng hồ cổ lưu hành chủ yếu được sản xuất từ thế kỷ XIX, XX có nguồn gốc từ Pháp, Đức, Italia… Những chiếc đồng hồ này đã không còn sản xuất, có những chiếc được sản xuất với số lượng hạn chế nên càng trở nên hiếm hoi khi có nhiều người chơi. Điều này khiến cho đồng hồ cổ luôn có giá trị và tăng dần theo thời gian.

Giữa sự phát triển của công nghệ hiện đại, những chiếc đồng hồ pin, đồng hồ điện tử được sản xuất với nhiều đặc điểm, tính năng ưu việt, thế nhưng đồng hồ cổ vẫn lưu giữ được những giá trị riêng. Dù guồng quay của cuộc sống bận rộn, ông Quỳnh vẫn dành thời gian để ngồi tĩnh lặng, lắng nghe tiếng chuông đổ ngân vang. Theo ông Quỳnh, điều này vừa giúp ông thư thái tinh thần, tạm quên đi những lo âu, mệt mỏi, áp lực của cuộc sống.

 HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Đam mê sưu tầm đồng hồ cổ