Giá vật tư nông nghiệp tăng trong thời gian dài đã khiến cho nông dân Hải Dương gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất.
Giá vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất
Giá neo ở mức cao
Theo các chủ đại lý vật tư nông nghiệp, do ảnh hưởng của thị trường thế giới, giá nguyên liệu đầu vào bị đẩy lên và giá cước vận chuyển tăng theo chi phí xăng dầu nên liên tục từ năm 2020 đến năm 2022, giá phân bón tăng mạnh. Có thời điểm một bao phân Urê trọng lượng 50 kg tới tay nông dân có giá gần 1 triệu đồng. Sang năm 2023, giá phân bón có phần “hạ nhiệt” tuy nhiên chủ yếu là phân đạm, còn những mặt hàng khác như lân, kali vẫn ở mức cao. Ngoài ra, các sản phẩm thuộc nhóm thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ duy trì đà tăng.
Theo chủ một số đại lý phân bón trên địa bàn tỉnh, hiện nay phân Urê có giá từ 500.000-550.000 đồng/bao 50 kg tùy loại. Mức giá này dù đã hạ nhiều so với năm ngoái, tuy nhiên nếu so với thời kỳ giá phân bón ổn định thì vẫn tăng khoảng 150.000-170.000 đồng/bao. Tương tự, phân lân có giá khoảng 240.000-250.000 đồng/bao 50 kg, tăng 100.000-110.000 đồng/bao so với năm 2019, kali có giá từ 650.000-880.000 đồng/bao tùy loại, tăng từ 220.000-230.000 đồng/bao. Giá thuốc trừ cỏ trung bình của nhiều nhà sản xuất ở mức 22.000-25.000 đồng/ lọ 100ml, thuốc trừ sâu ở mức 18.000-20.000 đồng/gói từ 3-5 g, tăng từ 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Anh Nguyễn Quang Mạnh, chủ một đại lý phân bón ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) cho biết: “Hiện nay, đại lý phải thanh toán tiền ngay mới được lấy hàng trong khi lại phải bán nợ cho nhiều nông dân trong thời gian dài, khi giá phân bón cao, nhiều người còn nợ gối vụ khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”.
Còn theo ông Mạc Văn Mạo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Liên Mạc (Thanh Hà), giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ở mức cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của bà con nông dân. Xã Liên Mạc có khoảng 500 ha trồng ổi, là địa phương có diện tích ổi lớn nhất huyện Thanh Hà. Tháng 4, tháng 5 là thời điểm nông dân trong xã bắt đầu cắt tỉa, bón thúc cho cây ổi. Ông Nguyễn Duy Chính ở xã Liên Mạc có gần 1 ha trồng ổi. Ông Chính cho biết: “Trước đây, giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ổn định, mỗi năm tôi bỏ ra từ 25-30 triệu đồng cho chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thì hiện nay chi phí này là khoảng 45 triệu đồng/năm”.
Ông Mạc Văn Bẩy ở xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) có gần 1 ha ruộng cấy lúa, thời điểm này đang ở giai đoạn cây lúa cần được bón thúc. Theo tính toán của ông Bẩy, chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 50% giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp nên việc giá phân bón tăng cao tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất. Vụ đông vừa qua, tính trung bình mỗi sào hành của gia đình ông thu về khoảng 15 triệu đồng, nhưng chỉ tính riêng chi phí vật tư nông nghiệp đã lên tới 6-7 triệu đồng/sào, tăng 2-3 triệu đồng/sào so với trước đây.
Sử dụng hợp lý
Nông dân cần căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay toàn tỉnh có 54.446 ha lúa và 8.707 ha rau màu. Lúa trà xuân sớm đang thời kỳ cuối đẻ nhánh, trà xuân muộn đang đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ. Nông dân trong tỉnh đang tập trung bón thúc cho những diện tích lúa xuân muộn, chuẩn bị bón thúc đợt 2 cho trà xuân sớm. Theo anh Trần Trung Âu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật luôn chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản xuất nông sản. Chi phí này còn thay đổi tùy vào vụ mùa sản xuất và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai của từng địa phương. Khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao sẽ làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp có nhiều biến động, nông dân cần theo dõi tình hình thời tiết, chăm sóc và bón phân, phun thuốc theo từng giai đoạn phù hợp để bảo đảm lúa, rau màu, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Nông dân cần căn cứ tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất và sử dụng theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chủng loại, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng thời vụ, thời tiết và đúng phương pháp). Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để vừa giảm chi phí sản xuất đồng thời giúp bảo vệ đất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Vật tư nông nghiệp “sốt" giá thường kéo theo những hệ lụy trên thị trường là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng có thể gia tăng. Vì vậy, nhằm bảo đảm ổn định thị trường, chất lượng vật tư nông nghiệp, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tích cực phối hợp, tổ chức các cuộc kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, chi cục đã thực hiện và phối hợp tổ chức 7 cuộc kiểm tra đối với 137 cơ sở. Qua kiểm tra đã phát hiện 10 tổ chức, cá nhân vi phạm với các lỗi chủ yếu là: buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật không đạt tiêu chuẩn chất lượng… Qua đó đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nộp về ngân sách nhà nước gần 62 triệu đồng, tước 1 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong thời hạn 2 tháng.
Thời gian tới, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; phối hợp kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
HUYỀN TRANG