Để chủ động trong đầu tư kinh doanh, sử dụng đồng vốn hiệu quả, Công ty CP Quản lý các bến xe khách Hải Dương mong sớm được thoái vốn Nhà nước, song hiện tiến độ vẫn "giậm chân tại chỗ".
Công ty CP Quản lý các bến xe khách Hải Dương hiện nắm giữ nhiều vị trí đất "vàng"
Tiền thân của Công ty CP Quản lý các bến xe khách Hải Dương là Ban Quản lý các bến xe khách Hải Dương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giao thông vận tải. Năm 2018, đơn vị tiến hành cổ phần hóa, thoái 51% vốn Nhà nước, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp cổ phần. Hiện tại, vốn điều lệ của công ty gần 35 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 49% vốn. Doanh nghiệp đang vận hành, kinh doanh 8 bến xe khách là Hải Dương, Hải Tân, Hải Tân 2, Thanh Hà, Ninh Giang, Bến Trại, Chí Linh và Nam Sách với tổng diện tích mặt bằng sử dụng khoảng 70.000 m2. Các bến xe đều nằm ở vị trí thuận lợi, phù hợp với hoạt động vận tải hành khách.
Sau khi cổ phần hóa, việc kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc hơn. Không tính thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công ty làm ăn có lãi nên mức đãi ngộ cho cán bộ, công nhân, người lao động cao hơn 20% so với thời kỳ trước. Vì thế, cán bộ, công nhân viên phấn khởi, có nguyện vọng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh vận tải gián đoạn, có thời điểm phải ngừng hoạt động nên doanh nghiệp bị thua lỗ. Riêng năm 2021, công ty bị lỗ hơn 4,3 tỷ đồng. Khi tỉnh bắt đầu thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, doanh nghiệp có nhu cầu thoái 49% vốn Nhà nước còn lại để chủ động đổi mới đầu tư, bắt nhịp nhanh với tình hình mới.
Theo lãnh đạo công ty, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân viên cũng như ý kiến của thành viên Hội đồng quản trị, doanh nghiệp mong muốn được thoái hết vốn Nhà nước trong năm 2022. Việc thoái vốn sẽ tạo điều kiện nâng cao năng lực tài chính, đổi mới hoạt động quản trị để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời khi tự chủ về nguồn vốn, công ty sẽ thuận lợi trong đầu tư hạ tầng, dễ dàng nắm bắt cơ hội kinh doanh để phục hồi sau dịch Covid-19. Ngoài ra, khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng đầu tư ở lĩnh vực khác cũng sẽ thuận lợi hơn. Vì vậy, tháng 11.2021 doanh nghiệp đã có văn bản gửi Sở Tài chính đề nghị được thoái hết phần vốn Nhà nước đang nắm giữ trong năm 2022. Mặc dù vậy, đến đầu tháng 7 năm nay, doanh nghiệp vẫn chờ đợi vì chưa nhận được phản hồi về lộ trình thoái vốn của cơ quan chức năng. "Tháng 7.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2021/TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở tiêu chí phân loại được quy định tại quyết định này, doanh nghiệp đủ điều kiện để thoái vốn. Vì thế, công ty mong sớm được thoái vốn theo chủ trương chung để chủ động bắt nhịp, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh", đại diện thành viên Hội đồng quản trị công ty nói.
Đến ngày 11.7, Hải Dương vẫn chưa ban hành kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, nên chưa có căn cứ để xây dựng phương án thoái vốn cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước, trong đó có Công ty CP Quản lý các bến xe khách Hải Dương. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc thoái vốn nhà nước là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Song lộ trình thực hiện, việc xây dựng phương án thoái vốn phải thận trọng, chính xác nhằm tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Trong đó xác định giá trị doanh nghiệp chính xác, khách quan là cơ sở bảo đảm thoái vốn đúng quy định. Do vậy, việc sẵn sàng thoái vốn của doanh nghiệp là chưa đủ mà còn căn cứ vào nhiều yếu tố. Mặt khác, Công ty CP Quản lý các bến xe khách Hải Dương hiện nắm giữ nhiều vị trí đất "vàng" trong tỉnh. Vì thế việc thoái vốn của công ty phải được tính toán, cân nhắc phù hợp để vừa bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, vừa không gây lãng phí tài sản của Nhà nước.
PV