[Audio] Bức xúc dự án chậm tiến độ

24/07/2023 11:00

Hải Dương hiện có nhiều dự án sử dụng đất do nhà đầu tư chậm triển khai, gây ra nhiều hệ lụy

00:00


Dự án xây dựng bến xe khách phía tây TP Hải Dương của Công ty TNHH Xây dựng Việt Thanh mới chỉ được san lấp một phần và xây dựng lán tạm sau nhiều năm doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Những dự án có sử dụng đất do doanh nghiệp đầu tư chậm triển khai không chỉ gây lãng phí tài nguyên, cản đường phát triển mà còn ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Dương. 

Chậm triển khai

Dự án xây dựng bến xe khách phía tây TP Hải Dương của Công ty TNHH Xây dựng Việt Thanh được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 11.2009. Trải qua 3 lần điều chỉnh, thay đổi vào tháng 12.2009, tháng 8.2014 và tháng 1.2015, đến tháng 12.2017, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tháng 11.2019, UBND tỉnh tiếp tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư gần 91 tỷ đồng, sử dụng hơn 16.000m2 đất ở phường Tứ Minh để triển khai xây dựng. 

Mục tiêu dự án trên là đầu tư xây dựng bến xe khách loại 2, kinh doanh ô tô, xe máy, xăng dầu, xây dựng kinh doanh khách sạn, dịch vụ ăn uống và cho thuê văn phòng. UBND tỉnh yêu cầu trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư, doanh nghiệp phải đưa dự án vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay đã gần 3 năm nhưng dự án mới chỉ được san lấp mặt bằng, xây dựng lán tạm. Bà Vũ Thị Khung, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Tân Minh, phường Tứ Minh cho biết vị trí thực hiện dự án ở cửa ngõ thành phố. Phần lớn diện tích để hoang hóa, gây mất mỹ quan đô thị, trong khi đó quỹ đất dành cho công trình phúc lợi xã hội tại khu rất eo hẹp. “Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị việc doanh nghiệp chậm triển khai dự án, sử dụng không hiệu quả nguồn lực đất đai song tình hình thực tế vẫn chưa chuyển biến”, bà Khung thông tin.

Tương tự, tháng 10.2016, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tuấn Long được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án kinh doanh dịch vụ và nuôi thủy sản với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ đồng. Để triển khai dự án, năm 2017, tỉnh đã thu hồi và cho công ty thuê hơn 66.000m2 đất ở 2 xã Ngũ Phúc, Kim Đính (Kim Thành) với thời hạn cho thuê đất 25 năm. Theo kế hoạch, đến tháng 6.2018, dự án phải hoàn thành và đi vào hoạt động. Nhưng hiện tại, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Một người dân ở xã Kim Đính thắc mắc không hiểu vì nguyên nhân gì mà dự án im lìm trong thời gian dài. Thời gian trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chủ đầu tư có lý do khách quan để trì hoãn nhưng giờ dịch bệnh đã được kiểm soát, dự án vẫn chưa khởi động được.

Trên đây là 2 trong số 72 dự án chậm tiến độ được Sở Kế hoạch và Đầu tư “chỉ mặt, điểm tên” khi thực hiện rà soát, kiểm tra 91 dự án đầu tư có sử dụng đất ngoài khu công nghiệp trong tháng 3 vừa qua. Sự chậm trễ trong triển khai thực hiện dự án đầu tư của doanh nghiệp gây ra nhiều hệ lụy. Ngoài những tác động tiêu cực đến kinh tế, dự án chậm tiến độ cũng có thể trở thành điểm bức xúc trong xã hội.


Được giao đất từ năm 2017 nhưng đến nay dự án của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tuấn Long vẫn là khu đất trống

Phân loại, kiểm tra để xử lý nghiêm

Thực trạng nhiều dự án chậm tiến độ diễn ra từ lâu, thậm chí có dự án kéo dài dai dẳng khiến dư luận bức xúc, bất bình. Nếu không có phương án xử lý phù hợp, hiệu quả thì những dự án mang kỳ vọng phát triển sẽ thành hòn đá tảng ngáng đường. Trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình triển khai thực tế, đối chiếu theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý đối với từng nhóm dự án chậm tiến độ.

Với các dự án chưa được bàn giao đất chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan, gặp vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai hay ảnh hưởng của dịch Covid-19, cơ quan tham mưu đề nghị cho phép các nhà đầu tư lập hồ sơ điều chỉnh tiến độ thực hiện, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án trước khi trình UBND tỉnh xem xét chấp thuận theo quy định. Các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan khi nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính, chưa tích cực thực hiện các thủ tục đất đai, ngoài các biện pháp xử lý trên, yêu cầu doanh nghiệp có cam kết bằng văn bản phải tự chấm dứt hoạt động dự án trong trường hợp không bảo đảm tiến độ. Những dự án đã được bàn giao đất nhưng chậm triển khai đầu tư cần xem xét mốc thời gian giao đất để có căn cứ, cơ sở xử lý. Dự án bàn giao đất trước ngày 1.1.2019 song nhà đầu tư để hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên, làm xấu môi trường đầu tư của tỉnh cần thanh tra toàn diện, xem xét thu hồi đất. Các dự án giao đất sau ngày 1.1.2019, chưa triển khai thực hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thay đổi quy hoạch, đề nghị cho phép nhà đầu tư điều chỉnh tiến độ thực hiện, giao cấp huyện hướng dẫn, giới thiệu địa điểm mới để di chuyển dự án…

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu phương án xử lý theo hướng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp với các dự án chậm tiến độ do yếu tố khách quan. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quyết liệt, dứt khoát xử lý những dự án chậm triển khai vì lỗi chủ quan, đã được gia hạn tiến độ nhiều lần.

Tháng 5.2023, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư trong nước, nước ngoài ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định. Từ đó xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp. Sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh sẽ là "liều thuốc" thúc đẩy hay xử lý các dự án chậm tiến độ.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Bức xúc dự án chậm tiến độ