Sau AirPods Pro thế hệ 2, dòng máy tính bảng iPad dự kiến được Apple gia công tại Việt Nam từ giữa tháng 6.
Apple chuẩn bị dời một phần dây chuyền sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam, nguyên nhân đến từ chính sách phong tỏa tại Thượng Hải khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong nhiều tháng.
BYD, một trong những đối tác lắp ráp iPad lớn đã xây dựng dây chuyền tại Việt Nam để gia công thiết bị. Vào tháng 1, nguồn tin của Nikkei cho biết Apple cân nhắc dời một số dây chuyền sản xuất iPad ra khỏi Trung Quốc, tuy nhiên dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát tại Việt Nam khiến kế hoạch chậm trễ.
Nhà máy iPad đặt tại Phú Thọ
Tháng 12.2021, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Phú Thọ đã cấp giấy phép xây dựng số 33/GPXD cho Công ty TNHH BYD Việt Nam, triển khai dự án Nhà máy điện tử BYD Việt Nam giai đoạn I tại Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.
Apple chuẩn bị lắp ráp iPad tại nhà máy đặt ở Việt Nam
Theo kế hoạch đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào tháng 9/2021, dự án bao gồm 2 giai đoạn. Nhà máy BYD Việt Nam giai đoạn I gồm nhà xưởng diện tích 200.000 m2, công suất mỗi năm gồm 4.325.069 tablet và 50 triệu sản phẩm lăng kính quang học.
Tổng vốn đầu tư dự án là 6.231 tỷ đồng, tương đương 270 triệu USD. Nhà máy giai đoạn I của BYD dự kiến sản xuất hàng loạt từ tháng 6 năm nay.
Vào tháng 3, Ban Quản lý các KCN đã phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương và Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam tổ chức diễn đàn trao đổi, cung cấp thông tin về chính sách, quy trình tuyển dụng lao động của công ty.
Nỗ lực khôi phục chuỗi cung ứng
iPad trở thành dòng thiết bị quan trọng thứ 2 của Apple được gia công tại Việt Nam, sau AirPods từ năm 2020. Đây là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Táo khuyết, cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam với công ty. Năm ngoái, hãng bán 58 triệu iPad trên toàn cầu, phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc.
Trước đó, nhà phân tích Ming-Chi Kuo từ TF International Securities cho biết mẫu tai nghe không dây AirPods Pro thế hệ 2 sẽ được sản xuất đại trà tại Việt Nam từ nửa cuối năm nay, nguyên nhân cũng do chính sách phong tỏa tại Trung Quốc khiến dây chuyền sản xuất gián đoạn trong nhiều tuần.
Để bảo vệ chuỗi cung ứng khỏi gián đoạn, Apple yêu cầu đối tác tăng sản lượng các linh kiện như bảng mạch, thành phần cơ học và điện tử. Những linh kiện trên phần lớn sản xuất tại Thượng Hải, thành phố chịu ảnh hưởng bởi quy định phong tỏa của chính quyền địa phương.
Công ty xe điện BYD đã sản xuất nhiều thiết bị cho Apple từ năm 2020
Apple cũng đề nghị nhà cung ứng đảm bảo nguồn cung một số loại chip, bao gồm mạch điều khiển năng lượng cho các mẫu iPhone 14. Trong khi đó, những nhà máy ngoài vùng phong tỏa được yêu cầu tăng cường sản xuất, dự trữ linh kiện dành cho các thiết bị quan trọng như iPhone, iPad, AirPods và MacBook. Lượng linh kiện đủ để bù đắp sản lượng thiếu hụt tại nhà máy ở các vùng nguy cơ cao.
"Ví dụ, nhà cung ứng linh kiện X chiếm 40% tỷ lệ linh kiện của Apple tại tỉnh Giang Tô, khu vực có nguy cơ đứt chuỗi cung ứng cao. Trong khi đó, 60% còn lại dành cho nhà cung ứng Y tại thành phố khác.
Apple muốn công ty Y sản xuất thêm linh kiện bù cho 40% của công ty X trong những tháng tới, đề phòng trường hợp dây chuyền sản xuất tại Giang Tô phải ngừng hoạt động thêm lần nữa", một nguồn tin thân cận cho biết.
Khó khăn của đối tác
Theo Nikkei, việc nhà cung ứng chấp nhận sản xuất thêm linh kiện cho Apple có thể gây rủi ro lớn trong bối cảnh nhu cầu mua thiết bị điện tử giảm, lạm phát và chi phí vận hành tăng. Nếu Apple không sử dụng lượng linh kiện bổ sung, các nhà cung ứng sẽ chịu cảnh hàng tồn chất đống.
Theo đại diện một chuỗi cung ứng, đối tác có thể chấp nhận yêu cầu sản xuất thêm của Apple nhưng sẽ không tăng sản lượng quá nhiều. Mặt khác, Táo khuyết đang hỗ trợ các nhà cung ứng để giảm rủi ro, thậm chí gánh thêm chi phí hậu cần vận tải đường bộ, hàng không để đảm bảo nguyên liệu sản xuất đến đúng hẹn.
Trước iPad, Apple đã lên kế hoạch sản xuất AirPods Pro thế hệ 2 tại Việt Nam từ nửa cuối năm nay
Từ đầu tháng 5, chuỗi cung ứng tại Giang Tô và Thượng Hải đã khôi phục một số dây chuyền sản xuất. Dù vậy, cần ít nhất vài tháng để sản lượng đạt mức bình thường. Từ ngày 1/6, chính quyền Thượng Hải dỡ bỏ tất cả hạn chế "vô lý" giúp các doanh nghiệp trở lại hoạt động ổn định.
Ivan Lam, nhà phân tích của Counterpoint Research cho biết phải đến nửa cuối tháng 6, cuộc sống tại các vùng phong tỏa mới quay lại bình thường do chính quyền địa phương không muốn mở cửa quá nhanh.
"Chúng tôi vẫn dự đoán các công ty đa quốc gia lớn như Apple sẽ chịu tác động. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến thị trường xe hơi, máy tính cá nhân và các hãng smartphone Android nhỏ có thể nghiêm trọng hơn khi chuỗi cung ứng vẫn quá phụ thuộc vào Trung Quốc, khó tìm ra giải pháp thay thế vào lúc này", Lam cho biết.
Theo Zing