Áp lực tăng giá điện

18/02/2023 10:00

Việc Chính phủ quyết định tăng khung giá bán lẻ điện bình quân được đánh giá sẽ tạo thêm khó khăn, áp lực cho cả doanh nghiệp và người dân.


Để giảm sản lượng điện tiêu thụ hằng tháng, Công ty CP Điện tổng hợp Forward Electric sử dụng nhiều thiết bị tiết kiệm điện


Chính phủ vừa quyết định tăng khung giá bán lẻ điện bình quân. Đây là thông tin được nhiều người quan tâm bởi giá điện là một trong nhiều yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân.

"Bão táp" chưa qua, khó khăn lại tới

Vừa trải qua quãng thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19, sắp tới đây doanh nghiệp, người dân có thể phải đối mặt với khó khăn mới do tăng giá điện.

Công ty TNHH Tân Phát Tape ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) là đơn vị chuyên sản xuất bao bì ni lông, băng dính với dây chuyền sản xuất chủ yếu sử dụng điện. Theo thống kê của doanh nghiệp này, trung bình mỗi tháng đơn vị tiêu thụ gần 70.000 kWh, tương đương khoảng 140 triệu đồng tiền điện, tăng khoảng 40% so với thời điểm quý II.2022. Trong khi doanh nghiệp đang bị giảm khá nhiều đơn hàng, nhất là các đơn hàng xuất ra nước ngoài do các đối tác vẫn bị ảnh hưởng nặng nề sau dịch. Hơn nữa, theo quy định các doanh nghiệp phải tăng lương cho người lao động khiến cho doanh nghiệp này càng thêm gánh nặng. “Doanh nghiệp vừa hồi phục được chút ít sau 2 năm ảnh hưởng do dịch thì liên tiếp gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng, tăng lương cho người lao động. Giờ nếu tiếp tục tăng giá điện sẽ tạo thêm áp lực cho đơn vị”, ông Phạm Ngọc Ninh, Phó Giám đốc công ty nói.

Cùng chung áp lực nếu điện tăng giá, Công ty CP Điện tổng hợp Forward Electric (ở thị trấn Gia Lộc) cũng đang xoay xở với "bài toán" bảo đảm lợi nhuận trong thời buổi vật giá leo thang. Đơn vị chuyên sản xuất tủ điện công nghiệp, tủ điện dân dụng, các tủ điều khiển sử dụng trong các nhà máy, doanh nghiệp. Vì vậy, hệ thống thiết bị sản xuất của đơn vị chủ yếu sử dụng điện như máy cắt, máy hàn, buồng sơn, buồng sấy tự động và hệ thống chiếu sáng tại các nhà xưởng. Hằng tháng, đơn vị dành 30 - 50 triệu đồng để thanh toán tiền điện. Với khung giá bán lẻ mới tăng theo chỉ đạo của Chính phủ thì chắc chắn chi phí này sẽ tăng hơn, ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động của đơn vị. “Giá điện tăng cũng sẽ khiến chi phí tăng, trong khi giá bán sản phẩm đã ở mức cạnh tranh, chúng tôi không thể tùy tiện tăng giá”, ông Ngô Văn Quảng, Giám đốc kinh doanh công ty chia sẻ.

Không chỉ các doanh nghiệp chịu áp lực, người dân cũng cảm thấy lo lắng trước việc giá điện sẽ tăng trong thời gian tới. Gia đình chị Doãn Thị Doan (ở ngõ 55 đường Thanh Bình, TP Hải Dương) mỗi tháng phải trả khoảng 700.000 - 1 triệu đồng tiền điện, những tháng cao điểm tiền điện còn nhiều hơn. Mỗi tháng tiền điện thường chiếm trên 10% tổng chi phí sinh hoạt trong gia đình. “Tôi là công nhân, thu nhập thường không đều. Thời gian vừa qua, giá xăng tăng đã kéo theo nhiều thứ khác tăng giá, tới đây giá điện tăng dù ít hay nhiều thì chắc chắn chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng”, chị Doan nói.

Giá điện tăng sẽ tăng thêm áp lực cho Công ty TNHH Tân Phát Tape


Cần tính toán phương án tăng giá điện hợp lý

Theo quyết định mới, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng); mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung cũ được điều chỉnh gần nhất vào năm 2019, giá tối thiểu tăng 220,03 đồng/kWh (tương đương tăng 13,7%), giá tối đa tăng 537,67 đồng/kWh (tương đương tăng 28,2%).

Thực tế, khung giá bán lẻ điện bình quân là mức sàn và trần để Chính phủ quy định cứng giá bán lẻ điện bình quân. Việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh vào thời điểm này.

Được biết, đã 4 năm nay giá điện không tăng, trong khi đó hơn 1 năm qua, giá than, xăng dầu liên tục tăng mạnh. Theo báo cáo năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị đã và đang bị lỗ rất nặng do giá điện bán ra thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất điện. Vì vậy, việc tăng giá điện sẽ giúp ngành điện bớt khó khăn và các khách hàng sử dụng điện sẽ phải chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện.

Công ty CP Điện tổng hợp Forward Electric đã chủ động sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. Như đối với buồng sơn, buồng sấy tự động, công ty đều đặt chế độ hẹn giờ, sau khi thời gian kết thúc, máy sẽ tự ngắt để giảm thời gian phải chờ của máy, không tiêu hao điện năng. Máy cắt lazer giúp cắt sắt, nhôm nhanh hơn, hiệu quả hơn mà không phải dùng nhiều điện. Doanh nghiệp cũng tranh thủ làm nhiều việc vào giờ thấp điểm để hạn chế tiêu thụ điện…

Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ việc chia sẻ khó khăn với ngành điện khi chi phí sản xuất tăng cao, đồng thời sẽ nâng cao ý thức tiết kiệm điện. “Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành liên quan có thể chia lộ trình tăng giá điện để hạn chế tối đa những ảnh hưởng trong sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp", ông Phạm Ngọc Ninh bày tỏ.

TUẤN LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực tăng giá điện