Ấp Dọn ngày trước nghèo nhất xã, giờ cuộc sống đổi thay. Xóm thôn trù phú, 80% số hộ trong thôn có nhà kiên cố cao tầng, các tuyến đường được bê-tông hóa...
Chùa ấp Dọn là nơi đồng chíNguyễn Lương Bằng tổ chức, tuyên truyền cho tá điền trong ấp sau mỗi buổi làm đồng và in báo Công nông |
Trong những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi tìm về thăm ấp Dọn, nay là thôn Kinh Dương, xã Thái Dương (Bình Giang). Năm 1932-1933, sau khi vượt ngục, đồng chí Nguyễn Lương Bằng (bí danh Sao Đỏ), đã về đây hoạt động và xây dựng cơ sở cách mạng.
Ấp Dọn nằm cuối xã Thái Dương giáp huyện Thanh Miện và huyện Ân Thi (Hưng Yên) với khoảng 70 hộ dân gốc gác đủ các nơi: Thái Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên... Sở dĩ được gọi là ấp bởi thời Pháp một chủ đất là Ba Tịnh đã về đây khoanh vùng cấy lúa, chiêu mộ tá điền từ khắp nơi đến làm mướn.
Trong cuốn sách nói về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng do con gái ông tặng UBND xã Thái Dương có viết: tháng 5-1931, mật thám Pháp ở Thượng Hải đã bắt được Nguyễn Lương Bằng. Dùng cực hình tra tấn nhưng không khai thác được gì, chúng giam giữ đồng chí tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Năm 1932, thực dân Pháp giải đồng chí Nguyễn Lương Bằng về Hải Dương xét xử. Tòa án thực dân kết án đồng chí phát lưu chung thân và đưa về lại nhà tù Hỏa Lò. Đêm Nô-en năm 1932, tại nhà thương Phủ Doãn, Nguyễn Lương Bằng và một số đồng chí khác đã vượt ngục thành công. Thoát khỏi lao tù, bị mất liên lạc với tổ chức Đảng, đồng chí về ấp Dọn xây dựng cơ sở cách mạng. Được sự đùm bọc của nhân dân, đồng chí đã tự mình viết bài, in báo Công nông, tuyên truyền cách mạng.
Những dòng viết về thời gian hoạt động của đồng chí Sao Đỏ ở ấp Dọn chỉ ngắn ngủi như vậy song về đây mới thấy hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Sao Đỏ vẫn in đậm trong lòng nhân dân. Đưa chúng tôi vào một ngôi nhà nằm trong xóm, đồng chí Đặng Văn Thường, Bí thư Đảng ủy xã Thái Dương giới thiệu đây là mảnh đất cũ của gia đình cụ Tư Hợi, nơi cụ Bằng ở trong những ngày về hoạt động. Ngày đó chính cụ Tư Hợi là người được cụ Bằng nhờ lên chợ Sặt mua giúp giấy mực để in báo Công nông. Giờ gia đình cụ Tư Hợi không còn ai sinh sống ở đây, mảnh đất được giao cho một hộ dân khác trong ấp. Ngày đó, mặc dù ở nhà cụ Tư Hợi song nơi cụ Bằng hoạt động cách mạng là chùa ấp Dọn ngoài cánh đồng.
Từ mảnh đất cũ của cụ Tư Hợi ra chùa ấp Dọn vài trăm mét. Ngôi chùa khá nhỏ nằm trên một khoảng đất rộng chừng 5 sào ngoài cánh đồng. Phía trước chùa là sông Cửu An phân giới hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Trong chùa có bố trí điện thờ Phật, ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Bí thư Thường cho biết: đây là nơi đồng chí Nguyễn Lương Bằng từng tổ chức nói chuyện, tuyên truyền cho tá điền trong ấp mỗi buổi làm đồng, cũng là nơi đồng chí in báo Công nông. Đồng chí được bà con hết lòng che chở và giúp đỡ thoát khỏi những cuộc lùng sục, bắt bớ của mật thám Pháp. Bà Thuận năm nay đã ngoài 80 tuổi, vợ ông Tạ Văn Hài, một tá điền thời đồng chí Nguyễn Lương Bằng hoạt động ở ấp Dọn cho biết: “Khi còn sống, chồng tôi có kể rất nhiều chuyện về hoạt động cách mạng của cụ Nguyễn Lương Bằng. Sau khi trốn ngục, cụ về đây xin vào làm tá điền trong ấp để lấy cơ sở hoạt động. Mỗi lúc cùng tá điền nghỉ ngơi tại chùa ấp Dọn, cụ Bằng lại tranh thủ tuyên truyền cách mạng. Một lần ông Hài, ông Phiếm đang đánh rơm ở sân kho thì thấy cụ Bằng bị mật thám đuổi chạy đến. Mọi người bèn giấu cụ vào đống rơm rồi đánh rơm phủ lên. Mật thám tới ngó nghiêng, tra hỏi, lùng sục khắp nơi một hồi không thấy gì liền chửi bới bỏ đi". Chỉ tay ra cánh đồng bên cạnh, bà kể tiếp: lần khác ông nhà tôi cùng 9 tá điền đang cày bừa tại cánh đồng Đống đôi nghè rẫy kia thì thấy cụ Bằng bị mật thám đuổi chạy đến. Trước tình thế nguy ngập, ông nhà tôi liền đưa ngay con trâu mình đang bừa cho cụ Bằng rồi vớ lấy cái cuốc ra phát bờ. Mật thám đuổi đến chỉ thấy một đám nông dân đang cày bừa giữa đồng không mông quạnh.
Sau khi cụ Bằng bị bắt, giặc Pháp đã san bằng chùa ấp Dọn. Từ sự nhận thức cách mạng được đồng chí Nguyễn Lương Bằng giác ngộ, người dân ấp Dọn cùng nhân dân xã Thái Dương đã sớm có các hoạt động đấu tranh từ tự phát tới có tổ chức. Tháng 8-1945, đội tự vệ thôn khoảng 20 người đã cùng nhân dân trong huyện vùng lên phá kho, đánh đắm thuyền trên sông Cửu An cướp thóc giặc. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ấp Dọn là nơi tạm lánh, căn cứ của các cơ quan, đơn vị tỉnh bạn Hưng Yên, từng là nơi diễn ra 2 trận chống càn quyết liệt. Cũng tại nơi đây ngày 28-7 năm Quý Tỵ 1953, giặc Pháp đã ném xuống 25 quả bom làm chết 41 người. Giờ ngày 28-7 được lấy là ngày giỗ trận của cả làng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hàng trăm con em trong xã đã lên đường tòng quân. Xã Thái Dương có 11 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 166 liệt sĩ, 49 thương binh, hàng chục gia đình có công nuôi giấu cán bộ.
Ấp Dọn ngày trước nghèo nhất xã, giờ cuộc sống đổi thay. Xóm thôn trù phú, 80% số hộ trong thôn có nhà kiên cố cao tầng; đường làng, đường ra đồng được bê-tông hóa. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm xấp xỉ 10 triệu đồng. Chính quyền, nhân dân đoàn kết một lòng, đồng tâm, đồng sức xây dựng quê hương. Năm 2006, ấp được công nhận danh hiệu làng văn hóa. Nhìn làng xóm cũng đủ thấy cuộc sống ấm no đã gõ cửa đất này. Ông Tạ Văn Thỉnh 74 tuổi, thủ nhang chùa ấp Dọn nói: “Có được những điều đó là nhờ công ơn của Đảng, Nhà nước. Để ghi nhớ những tháng năm hoạt động tại đây của cụ Bằng, nhân dân trong thôn đã quyên góp tiền xây dựng lại ngôi chùa đã bị Pháp đốt phá. Tuy ngôi chùa không lớn song nó là tấm lòng của nhân dân trong ấp với Đảng, với cách mạng. Giờ đây bà con ấp Dọn chỉ mong chùa sớm được công nhận là di tích lịch sử cách mạng”.
NGUYÊN DÃ