Anh Nhuận vượt qua lầm lỗi

15/10/2022 12:00

Từng vướng vào vòng lao lý, khi hoàn lương được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh Nguyễn Năng Nhuận (ở xã Đoàn Kết, Thanh Miện) đã quyết chí vượt qua mặc cảm, làm kinh tế và tạo việc làm cho người khác.


Xưởng mộc của anh Nguyễn Năng Nhuận đang tạo việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập từ 10-12 triệu đồng/người/tháng

Mãn hạn tù với hai bàn tay trắng, anh Nguyễn Năng Nhuận (sinh năm 1985, ở thôn Từ Xá, xã Đoàn Kết, Thanh Miện) trở về quê hương quyết tâm làm lại từ đầu, nỗ lực phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Quá khứ đen tối

Cùng Công an xã Đoàn Kết, chúng tôi đến thăm xưởng mộc của anh Nguyễn Năng Nhuận ở thôn Bùi Xá. Đây là xưởng sản xuất thứ hai của anh sau khi mãn hạn tù trở về. Có lẽ vì vẫn mặc cảm với quá khứ nên anh có chút ngại ngùng khi gặp người lạ và nhắc lại chuyện cũ. Được sự giới thiệu và động viên của lực lượng công an, anh Nhuận dần cởi mở hơn. 

Năm 2013, trong một cuộc vui cùng bạn bè, anh Nhuận tham gia đánh bài ăn tiền. Khi cuộc "sát phạt" của cả nhóm chuẩn bị đến hồi kết thì bất ngờ lực lượng công an ập vào bắt giữ. Anh Nhuận bị toà tuyên án 18 tháng tù cho hưởng án treo. Nhờ sự động viên của chính quyền địa phương và lực lượng công an, anh Nhuận đã cố gắng cải tạo tốt và nhanh chóng chấp hành xong bản án. 

Mãn hạn tù treo, anh Nhuận tiếp tục đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Thế nhưng vào đầu năm 2018, một lần nữa anh Nhuận lại vấp ngã vào đúng "vết xe đổ" năm xưa khi sa vào cuộc vui "đỏ đen". Lần này, anh Nhuận bị toà tuyên phạt 3 tháng tù giam về tội đánh bạc. "Chỉ vì bồng bột, ham vui mà tôi đánh mất tất cả. Bao nhiêu nỗ lực, cố gắng trong thời gian hoàn lương trước đó bỗng chốc tan thành mây khói. Ngồi sau khung sắt, tôi càng hối hận về những việc mình đã làm. Cứ nghĩ đến cảnh bố mẹ già yếu nơi quê nhà mong mỏi chờ tin con khiến tôi không khỏi chạnh lòng", anh Nhuận chia sẻ.

Những cú vấp ngã khiến anh Nhuận gần như suy sụp và buông xuôi tất cả. Trong đầu anh lúc đó chỉ nghĩ cuộc đời mình coi như chấm hết bởi ai có thể chấp nhận được người tù tội. Rất may là anh luôn nhận được sự giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương nên đã dần xóa đi mặc cảm. Để chuộc lại lỗi lầm và phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, anh Nhuận tự lên mạng xã hội học cách làm hương kết hợp với đi thăm một số cơ sở sản xuất tiêu biểu để học hỏi. Khi đã tích luỹ đủ kinh nghiệm, đầu năm 2019, anh quyết định mở xưởng sản xuất hương. Ngoài số tiền tích góp được, anh Nhuận còn được chính quyền địa phương giúp đỡ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Chỉ trong 3 tháng, xưởng sản xuất hương rộng hơn 300 m2 đã hình thành với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng.


UBND xã Đoàn Kết trao giấy khen cho anh Nguyễn Năng Nhuận vì có thành tích tiêu biểu trong xây dựng, duy trì mô hình tự quản về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh trật tự năm 2021

Vượt khó khởi nghiệp

Ngày đầu mới khởi nghiệp, anh Nhuận gặp muôn vàn khó khăn bởi công nhân mới đào tạo nên tỷ lệ hương làm ra không đạt yêu cầu chiếm đến 50%. Có ngày, lượng hương làm hỏng lên đến cả tấn, chất đống đầy một góc xưởng. Không từ bỏ, anh Nhuận và mọi người vẫn tiếp tục vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Sau nửa tháng nỗ lực, mẫu mã và chất lượng hương tại xưởng sản xuất của anh Nhuận đã dần được cải thiện. Không còn bị hao hụt, sản lượng hương làm ra cứ thế tăng nhanh trong những ngày kế tiếp. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, anh Nhuận đã liên kết với một doanh nghiệp lớn ở Hưng Yên chuyên xuất khẩu hương sang Ấn Độ.

Có nguồn tiêu thụ ổn định, xưởng sản xuất của anh Nhuận ngày càng làm ăn phát đạt, quy mô sản xuất liên tục mở rộng so với trước. Từ 10 công nhân ban đầu, sau 1 năm đi vào hoạt động, xưởng đã tạo việc làm ổn định cho 40 lao động địa phương với mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi tháng anh Nhuận xuất sang thị trường Ấn Độ 60 tấn hương thô với giá từ 18.000-20.000 đồng/kg. Có thời điểm một ngày xưởng của anh xuất đến 5 tấn hương thô. Việc làm ăn thuận lợi đã giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định khoảng 40 triệu đồng/tháng.

"Ngày trở về tôi mặc cảm lắm, bởi lúc đó bạn bè đồng trang lứa ai cũng đã có công việc ổn định. Tuy nhiên, nhớ lại những lời động viên của các cán bộ trại giam, tôi đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để vươn lên. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa tin rằng mình có thể thuận lợi khởi nghiệp và nhận được thành quả ngoài mong đợi như vậy", anh Nhuận chia sẻ.

Đầu năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh đã cắt đứt chuỗi cung ứng hương sang thị trường Ấn Độ của xưởng anh Nhuận. Thị trường trong nước cũng khá ảm đạm do ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội. Không có đầu ra nên hương làm ra đến đâu hầu như tồn kho đến đấy. Khó khăn chồng chất khó khăn, anh đành phải cho công nhân tạm nghỉ để phòng dịch và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế. Cũng trong khoảng thời gian này, anh Nhuận nhận thấy nhu cầu sử dụng đồ gỗ tại các gia đình ngày một tăng cao. Do đã có kinh nghiệm làm nghề mộc trong thời gian đi làm thuê trước đây nên anh quyết định mở thêm một xưởng mộc.

Trong năm 2021, anh Nhuận dành ra gần 100 triệu đồng để cải tạo, sửa chữa lại xưởng sản xuất hương. Bên cạnh đó, anh đầu tư 300 triệu đồng để mua sắm máy móc và xây dựng xưởng mộc. Trên tinh thần chia sẻ khó khăn, động viên và khích lệ, chính quyền xã Đoàn Kết đã cho anh Nhuận thuê lại gần 100 m2 đất ở cạnh mặt đường 392C để dựng xưởng. Bằng đôi bàn tay khéo léo cùng sự nỗ lực, kiên trì không ngừng nghỉ của mình, xưởng mộc của anh Nhuận nhanh chóng nhận được những đơn hàng đầu tiên. Đến nay, trung bình mỗi tháng xưởng nhận được từ 3-4 đơn hàng lớn. 

"Xưởng sản xuất hương của tôi vẫn đang trong giai đoạn hoạt động cầm chừng vì chưa thể tìm được đầu ra ổn định nên chỉ còn 4-5 lao động, tùy thời điểm. Còn xưởng mộc hiện vẫn cung cấp cho thị trường mặt hàng nội thất, cầu thang... Tại đây đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với mức lương từ 10-12 triệu đồng/người/tháng. Dịp cuối năm nhiều việc hơn nên tôi thường thuê thêm từ 3-4 lao động thời vụ", anh Nhuận cho biết.

Xây dựng ngôi nhà chung

Không chỉ là địa chỉ tạo việc làm ổn định cho một số công nhân, hai xưởng sản xuất của anh Nhuận còn sẵn sàng dang tay đón nhận và giúp đỡ những người từng lầm lỡ đã hoàn lương, người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội. Đối với từng trường hợp, anh Nhuận đều sắp xếp công việc phù hợp với hoàn cảnh, sức khoẻ. Đã có thời điểm, xưởng sản xuất hương của anh Nhuận nhận 2 người từng có tiền án, tiền sự vào làm việc. Sau khi xưởng phải tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19, các công nhân này đã tìm được việc làm gần nhà. Hiện 2 xưởng sản xuất của anh vẫn có những người đã quá tuổi lao động đang làm việc. 

Theo ông Đinh Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, tìm việc làm sau khi ra tù không phải điều dễ dàng đối với những hoàn cảnh lầm lỡ. Một phần vì họ mặc cảm, một phần do các doanh nghiệp chưa dám trao cơ hội. Tại địa phương, xưởng sản xuất của anh Nhuận đã từng là mái nhà chung của nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Địa phương cũng rất tạo điều kiện để mô hình này phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình anh Nhuận bị trì trệ trong thời gian dài. "Chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc với anh Nhuận để tìm ra giải pháp khôi phục lại xưởng sản xuất hương như trước. Đây là môi trường làm việc phù hợp với những người khuyết tật, người cao tuổi hay người hoàn lương trở về. Bản thân anh Nhuận cũng mong muốn tiếp tục được hỗ trợ về vốn để mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho nhiều hoàn cảnh khó khăn", ông Trọng cho biết.

Mô hình "Tái hoà nhập cộng đồng" do Công an huyện Thanh Miện xây dựng, trong đó anh Nhuận là chủ thể, đã được Bộ Công an đánh giá là mô hình hay, được triển khai bài bản, linh hoạt, đem lại hiệu quả rõ rệt cần được nhân rộng. Bản thân anh Nhuận cũng không ngừng vươn lên phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Anh được chính quyền địa phương, lực lượng công an khen thưởng vì có thành tích tiêu biểu trong xây dựng, duy trì mô hình tự quản về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh trật tự và phát triển kinh tế. "Bản thân tôi cũng từng lầm lỗi nên hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của việc làm sau khi hoàn lương. Để có thể tạo việc làm ổn định cho những hoàn cảnh đặc biệt, tôi mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ chúng tôi mở rộng, duy trì sản xuất và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm", anh Nhuận nói.

ÐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Anh Nhuận vượt qua lầm lỗi