Vợ chồng cụ Triệu sinh được ba người con trai và một người con gái.
Minh họa: Phùng Bản
Lúc còn sống, cụ luôn hãnh diện với xóm làng vì nhà có phúc lớn, vừa phá được cái nạn “tam nam bất phú”, vừa tự hào bởi truyền thống của dòng họ là “đa đinh”, đố ai dám “bắt nạt”. Trước khi mất, cụ đã để lại di chúc phân chia đất đai rạch ròi cho ba người con trai, tạo thành cái thế chân kiềng vững chãi, anh em kề sát vai sát cánh đỡ đần lẫn nhau.
Không ngờ sau khi cụ Triệu nằm xuống thì tai họa liên tiếp ập đến gia đình. Đầu tiên là người con trai út đang khỏe mạnh bỗng bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường. Chị con dâu út vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho chồng nhưng hai chị dâu liền kề đều tìm cách từ chối. Bà cụ Triệu bèn đưa mấy chỉ vàng dành dụm phòng thân và số tiền phúng viếng cụ ông còn dư cho chị con dâu út mượn tạm. Hai chị dâu biết chuyện cứ bóng gió yêu cầu cô em dâu phải trả cả lãi. Gạt nước mắt chăm chồng nhưng chồng cũng không qua khỏi, lo liệu hậu sự cho chồng xong xuôi, chị dâu út bèn cầm "sổ đỏ" đi vay ngân hàng để trả cái khoản nợ mẹ chồng cho vay vì các chị dâu cứ ngấm nguýt, tị nạnh. Thằng con trai lớn của chị uất lắm, nó cứ lục bục chửi vu vơ: “Đ. mẹ! Một giọt nước lã bây giờ còn hơn cả ao máu đào”. Chị van lạy nó: “Im đi! Người ta nghe thấy thì khổ lắm con ơi”. Nó vằng lên: “Mẹ việc gì phải sợ, cứ như thế chả trách người ta chèn ép cho là phải”.
Nhân ngày giỗ đầu cụ Triệu, cô con dâu cả lên tiếng phân công việc nuôi mẹ. Anh con trai thứ hai bày tỏ quan điểm rõ ràng: “Tiền phúng viếng của ông, bà ăn đến chết cũng không hết, việc gì phải phân với chia”. Cô con gái út của cụ trợn mắt hỏi anh trai: “Anh chui ra từ lỗ nẻ à?”. “Không phải việc của cô. Con gái đi lấy chồng thì an phận nhà chồng, đừng có lên mặt dạy đời”. Chị dâu út thẽ thọt: “Em thì đứt gánh giữa đường nên các anh, các chị góp bao nhiêu em xin góp một nửa”. Ai cũng tưởng bà cụ Triệu già cả, nặng tai nên không nghe thấy gì. Nào ngờ bà cụ ngồi trong buồng đấm ngực thùm thụp: “Ối giời cao đất dày ơi! Các anh các chị không phải góp tiền nuôi tôi đâu, để tôi chết đi cho rảnh nợ”. Cả nhà hoảng quá, xúm lại dỗ dành bà cụ. Nhưng từ bận đó, bà cụ Triệu cứ âu sầu, ít nói hẳn.
Vừa rồi, vợ chồng người con trai thứ hai của cụ Triệu tổ chức cưới vợ cho con trai. Nhà có thêm người nên bố mẹ con cái bàn tính phá cái nhà ngói ba gian để xây ngôi nhà hai tầng kiên cố. Nghe tin, chị con dâu út của cụ năn nỉ vợ chồng anh hai làm móng lùi vào mấy chục phân để con đường rộng rãi một chút vì nhà chị nằm ở phía trong: “Sau này cháu bác ăn nên làm ra, mua được cái ô tô thì đi được vào tận sân”. Chị dâu giãy nảy lên: “Không được, tấc đất tấc vàng, tự dưng chả ai cho không ai cái gì bao giờ”. Anh chồng thì tỉnh bơ, lạnh lùng: “Anh em kiến giả nhất phận, thím thông cảm”. Chị dâu út vẫn van nài: “Em xin hai bác nghĩ lại, hai bác lấy bao nhiêu tiền thì em trả, chứ làm nhà kiên cố lên rồi thì sau này muốn cũng không thay đổi được”. Chị dâu cương quyết: “Tôi chả bao giờ muốn thay đổi. Bố mẹ chia cho ai được bao nhiêu thì người ấy hưởng”. Chị dâu út uất nghẹn, nghĩ phận mình đàn bà góa càng bất lực. Khối nơi, người ta chẳng có quan hệ ruột thịt, máu mủ mà vẫn tự nguyện hiến đất mở rộng đường nông thôn mới. Càng nghĩ chị càng tủi, ao ước thoát khỏi cái “vũng trâu đầm” này thì tốt biết mấy.
Đi làm về, giữa buổi trưa nắng chang chang, không thể đi xe máy vào nhà được vì con ngõ nhỏ ngổn ngang gạch vữa, chị dâu út của cụ Triệu dựng xe, vứt gạch gọn vào một đống để lấy đường đi. Nhỡ tay, một viên gạch vỡ ra làm đôi khiến chị dâu thứ hai đứng chống nạnh hất hàm với chồng như khiêu khích: “Ra mà xem người ta làm vỡ hết gạch nhà mình rồi kia kìa”. Anh chồng chưa cần xem xét tình hình, chạy ra giơ nắm đấm đấm vào mặt em dâu: “Đ. mẹ mày! Mày dám phá gạch nhà ông à. To gan nhỉ”. Em dâu tím mặt lại sau cú đấm trời giáng của người anh chồng: “Mẹ đẻ ra tôi thì chết rồi. Chỉ còn mẹ chồng tôi đang ở trong nhà kia kìa. Anh muốn làm gì thì đi vào đây, đi vào đây”. May mà mấy người thợ xây nhảy vội xuống can, nếu không chị dâu út lại ăn vài cú đấm nữa. Chị dâu cả rền rĩ: “Không còn ra thể thống gì nữa. Đầu hai thứ tóc rồi mà còn đánh cãi chửi nhau giữa đường giữa chợ”
Cả xóm xôn xao chuyện nhà cụ Triệu. Từ hôm đó, bà cụ xấu hổ không dám ra khỏi nhà. Đứa con trai của chị dâu út thì làm đơn nộp công an xã, kiến nghị về việc bác ruột hành hung mẹ nó. Sự việc chưa biết sẽ được giải quyết thế nào, nhưng nhiều người bàn tán xong đều tặc lưỡi: “Thôi thì, xa thơm... Ở gần như thế có ngày mất hết cả tình nghĩa”.
NAM HỒNG