Hiệp ước dẫn độ giữa Anh và chính quyền Hong Kong được ký ngày 5.11.1997, cho phép dẫn độ nghi phạm bị cáo buộc tội giết người, hỗ trợ hoặc xúi giục tự sát, tấn công gây thương tích, bắt cóc, buôn bán ma túy và một vài tội danh khác.
Bắc Kinh chưa bình luận về thông tin trên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân trước đó khẳng định nước này sẽ "hành động kiên quyết với hành vi can thiệp công việc nội bộ". "Chúng tôi kêu gọi Anh không tiếp tục sai lầm để tránh tổn hại thêm quan hệ Trung - Anh", ông Vương nói.
Quan hệ Anh - Trung Quốc đang trở nên căng thẳng vì vấn đề luật an ninh Hong Kong và cách Bắc Kinh xử lý dịch Covid-19. Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần trước tuyên bố cấm Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia mạng 5G tại nước này, động thái bị Bắc Kinh cáo buộc "tiếp tay" cho Mỹ.
Giới chức Anh nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật an ninh Hong Kong, cảnh báo nguy cơ suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cuối tuần qua còn nêu sáng kiến mở rộng cấp hộ chiếu hải ngoại cho người trẻ Hong Kong, những người sinh sau năm 1997, thời điểm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong khẳng định luật an ninh mới chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng nhỏ, trong khi quyền lợi, tự do của người Hong Kong cũng như lợi ích các nhà đầu tư nước ngoài vẫn được bảo đảm. Tuy nhiên, Mỹ chỉ trích luật này, gọi đây là sự hủy hoại tự chủ, tự do của Hong Kong và làm suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".
Mỹ, Canada và Australia đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong khi New Zealand đang xem xét các phương án hành động.
Theo VnExpress