Đã 52 năm trôi qua kể từ khi Bobby Moore, đội trưởng tuyển Anh nâng cao tượng Nữ thần vàng trên sân vận động Wembley, cho thế giới biết là “bóng đá đã về nhà”.
Về quê hương nơi nó sinh ra bằng chiến tích vô địch thế giới với những tên tuổi lẫy lừng Gordon Banks, Bobby Moore hay Bobby Charlton, Geoff Hurst...
Nhưng sau đấy là bóng tối của hơn nửa thế kỷ mòn mỏi, chờ đợi để bóng đá Anh một lần nữa bước ra dưới ánh mặt trời.
Đêm nay, người Anh một lần nữa lại gần, không phải Nữ thần vàng, mà là chiếc cúp vô địch thế giới làm từ 5kg vàng 18 carat. Càng vào sâu, đội tuyển Anh thi đấu càng tự tin và... khôn khéo hơn! Thất bại 0-1 trước Bỉ ở lượt cuối vòng bảng hóa ra lại không phải là thảm họa: Anh rơi vào nhánh dễ thở hơn, không phải “đếm xác” các “ông lớn” như Pháp hay Bỉ. Bắt đầu khe khẽ từ vòng bảng, tiếng gầm của Tam sư ngày càng lớn dần, gửi tới đối thủ Croatia của họ trong trận đấu đêm nay trên sân Luzhniki ở Moscow lời cảnh báo mạnh mẽ: họ muốn ở lại Luzhniki thêm một lần nữa, vào đêm 15.7, cho giấc mơ hơn 50 năm trở thành sự thật bằng vàng.
Đối phó với dàn hảo thủ Croatia như Luka Modric hay Ivan Rakitic có khả năng bóp nghẹt các tiền vệ Anh ở khu vực giữa sân, Anh không có thứ vũ khí bí mật nào khác ngoài đòn phép quen thuộc: dàn xếp ghi bàn từ các tình huống cố định. 8 trong số 11 bàn thắng của Anh, chiếm 73%, đến trước trận gặp Croatia đêm nay, là từ các tình huống như vậy!
Và các cầu thủ Croatia chớ có chỉ để mắt đến mỗi Harry Kane! Cách áp dụng lối chơi của bóng bầu dục, với “đoàn tàu tình yêu” gồm các cầu thủ xếp hàng dọc chờ phạt góc, rồi sau đó túa ra để đánh lạc hướng, người ngăn đối thủ di chuyển, khiến cho bất cứ một cầu thủ nào của Anh cũng có thể ghi bàn từ những pha không chiến. Trên hàng công, Raheem Sterling chưa ghi bàn. Nhưng tốc độ của cầu thủ này vẫn là thứ vũ khí lợi hại khiến hàng thủ của Croatia phải hết sức dè chừng, bởi tai họa thường chỉ được nhận biết khi nó đã xảy ra rồi!
Nếu Anh phải chờ đợi hơn 50 năm để thắp lên niềm hy vọng, thì Croatia cũng đã chờ đợi tròn 20 năm để tái lập thành tích mà họ đã có được ở World Cup 1998. Giờ thì ai mà cấm nổi họ nối dài giấc mơ! Họ cũng có thứ vũ khí mà người Anh thông thạo: không chiến, với con chủ bài Mario Mandzukic. Với những tay “chia bài” thượng thặng ở khu vực giữa sân như Luka Modric, “Super Mario” hoàn toàn có thể gieo sầu cho Jordan Pickford, khiến danh tiếng một trong những người giữ thành xuất chúng nhất vòng chung kết của thủ môn này bị tổn hại.
Người Anh hẳn đã hai lần chứng kiến phản ứng của các cầu thủ áo ca rô đỏ trắng trong hai trận gặp Đan Mạch và chủ nhà Nga như thế nào khi bị thủng lưới trước. Những đòn phản kích của Croatia thường nhanh và nguy hiểm chết người, khi đối phương còn đang hân hoan với thắng lợi vừa có được và Croatia, trong cả hai trận đấu đó, mới là người cười cuối cùng.
Dẫu sao thì người Anh cũng còn một điểm tựa để tin vào: trong 4 kỳ World Cup biến thành “EURO Cup” trước đây là các năm 1934, 1966, 1982 và 2006 thì 3 lần người Ý vô địch. Lần còn lại duy nhất năm 1966, người Anh vô địch.
Theo Bongdaplus