Anh ấy là người Hải Dương

07/02/2021 12:33

Dịp Tết Quý Sửu 1973 có nhiều sự kiện đặc biệt. Mùng 1 Tết trùng với ngày thành lập Đảng 3.2. Trước đó, ngày 27.1.1973, tức 25 tháng chạp Nhâm Tý 1972 diễn ra lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.


Cựu chiến binh, đại tá Phạm Nguyên Dân (thứ hai từ phải sang) kể chuyện chiến trường Tết Quý Sửu 1973

Đánh giặc lấn chiếm

Cũng như các địa phương khác ở miền Bắc, thị xã (nay là thành phố) Hải Dương những ngày đón Tết Quý Sửu năm ấy rất vui vẻ. Bà con dân phố nô nức đi mua bức tranh Tết của họa sĩ Tạ Thúc Bình, có hình cháu bé ngồi trên lưng trâu giơ cành tre buộc dây pháo tép nổ tưng bừng, bên dưới là dòng chữ: "Năm Trâu đốt pháo mừng Xuân/ Bắc Nam thắng lợi, quân dân nức lòng"…

Nhưng cũng thời điểm ấy, ở miền Nam, đối phương vi phạm hiệp định, nổ súng lấn chiếm đất của ta ở khắp nơi. Những người con của tỉnh Đông, trong đó có binh nhất Phạm Nguyên Dân, chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam (nay là đại tá, cựu chiến binh, nguyên Phó Trưởng Phòng Quản lý môi trường, Cục Khoa học-Công nghệ-Môi trường, Bộ Quốc phòng, đang sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã phải chiến đấu để tự vệ và buộc đối phương nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Paris.

Anh Phạm Nguyên Dân xuất thân thành phần công nhân, sinh đúng ngày kỷ niệm tròn 6 năm Toàn quốc kháng chiến (19.12.1952). Tháng 4.1970, vừa mới 17 tuổi rưỡi, anh đã “ra đi từ mái… ngói nghèo” số 12 phố Minh Khai (TP Hải Dương). Rồi cuối năm ấy, trở thành chiến sĩ liên lạc kiêm thống kê quân khí Đại đội 4 hỏa lực, thuộc Tiểu đoàn 1 (Ba Gia) lừng danh của Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5, nơi “khúc ruột miền Trung”. 

Đúng vào ngày ký kết Hiệp định Paris, Trung đoàn Ba Gia từ điểm dừng chân Suối Chí (nay là điểm du lịch ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) hành quân xuống đồng bằng làm nhiệm vụ mới. Thấy binh nhất Nguyễn Quốc Bảo mang chiếc bàn đế súng cối 82 ra khoe: “Có hiệp định chấm dứt chiến tranh rồi. Tao đã cọ rửa cái này bằng xà phòng. Chắc chắn là không bao giờ phải đặt nó xuống đất nữa đâu!”, anh Dân bỗng linh cảm thấy điều gì đó bất ổn. Ý nghĩ của anh trùng với lời nhắc nhở của Chính trị viên Nguyễn Hữu Phảng (quê Bắc Ninh): “Không được lạc quan tếu! Chúng ta phải cảnh giác đề phòng địch phá hoại hiệp định!”…

Tối hôm ấy, Đại đội 4 chốt tại một xóm nhỏ phía nam Núi Đất, gần ngã ba Thạch Trụ, nơi giao cắt quốc lộ 1 và quốc lộ 105 (nay là đường 24 từ Thạch Trụ đi huyện lỵ Ba Tơ).  

Đúng như ta dự đoán. 8 giờ ngày 28.1.1973 (ngày Hiệp định Paris có hiệu lực), pháo địch bắn dồn dập vào khu vực Đại đội 4, dọn đường cho ngụy binh có xe thiết giáp yểm trợ ào ào lấn chiếm đất. Quân ta lên loa kêu gọi chúng dừng lại, nghiêm chỉnh chấp hành hiệp định nhưng không có kết quả. Ta buộc phải nổ súng chặn chúng lại. Quân địch tàn bạo dội pháo, đạn cay và đạn DKZ, làm căn nhà gỗ Đại đội 4 đóng chốt trở thành khối lửa khổng lồ. Anh Dân và đồng đội quyết lao vào nhà để lấy ba lô nhưng không kịp. Anh ứa nước mắt nghĩ đến cuốn nhật ký chiến trường (từ năm 1970) và cái áo quân phục bị mảnh lựu đạn địch làm rách 2 chỗ ở bả vai trái và mạng sườn phải trong trận tiến công cụm phòng ngự Đắk Tô - Tân Cảnh ngày 24.4.1972 (mở màn Chiến dịch Bắc Tây Nguyên), đã được anh nắn nót vá lại để làm kỷ niệm, giờ bị cháy thành tro.

Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”, anh Đồng Văn Thành, quê Yên Thế (Bắc Giang) quản lý Đại đội 4 bị trúng đạn địch, hy sinh. Ban Chỉ huy đại đội chỉ định anh Dân lên thay anh Thành. Anh Dân nghĩ: Mình binh nhất, mới qua 2 năm lính, liệu có đảm đương nổi công việc nặng nề mà người tiền nhiệm hơn anh 17 tuổi, từng qua 7-8 năm chiến trường khu 5 này đã làm rất tốt? Song, anh quyết tâm làm tròn nhiệm vụ để cùng đại đội giữ đất, trả thù cho anh Thành và đồng đội đã ngã xuống.

Đến hơn 17 giờ, cậy thế có xe tăng và pháo yểm trợ, chúng mở đợt tấn công mới. Bọn lấn chiếm đất gào hét, lao tới chỗ Đại đội 4 đang chốt. Cự ly quá gần. Căm thù trút lên nòng súng, Trung đội trưởng Sính hạ lệnh cho khẩu đội cối 82 mm bắn ứng dụng, không dùng bàn đế nữa mà dựng nòng súng gần như vuông góc với mặt đất, khạc lửa diệt địch. Bộ binh ngụy bị bất ngờ, thằng sống đạp thằng chết, chạy thục mạng. Đến lúc nhá nhem tối, chúng phải rút lui...

Sự trùng hợp lý thú

Trung tuần tháng 3.1973, Đại đội 4 cắm chốt giữ đất ở xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), chỗ cây số 8 đường 105. Một hôm, máy bay trực thăng của ta chở Ủy ban Liên hiệp quân sự 4 bên, hạ cánh tại khu vực này để thị sát tình hình thực hiện Hiệp định Paris. Đại đội 4 quán triệt tinh thần trách nhiệm bảo đảm an toàn sự vụ. Hạ sĩ Phạm Nguyên Dân rất háo hức chứng kiến sự kiện đặc biệt này “để đến ngày toàn thắng, đất nước thống nhất, sẽ kể cho bố mẹ và các em của mình nghe!”. 

Anh Dân mặc quần đùi áo lót, chui ra khỏi hầm, nhanh chóng nhập vào đoàn bà con địa phương đi xem máy bay ta. Anh mượn chiếc nón lá của một phụ nữ, đội lên đầu để cải trang. Đến chỗ máy bay đậu, cũng như mọi người, anh Dân được một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam từ cầu thang máy bay bước xuống đưa cho tờ báo Quân đội nhân dân in ngày 8.3.1973 và tờ rơi do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, in bài thơ "Việt Nam máu và hoa" (thơ Xuân 1973) do nhà thơ Tố Hữu - Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng viết ngày 28.1.1973 (trùng với thời điểm Đại đội 4 đánh trả bọn địch lấn chiếm đất). Khi trở về hầm, anh Dân ngấu nghiến đọc không sót chữ nào trong tờ báo và bài thơ, thấm thía những nội dung chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam…

Sau hơn 3 tháng cùng đồng đội chiến đấu, ngăn chặn quân địch lấn chiếm đất, ngày 1.5.1973, anh Dân được kết nạp vào Đảng, sát cánh cùng các đảng viên của Chi bộ Đại đội 4 lãnh đạo đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ, cho đến khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Hòa bình, món quà anh Dân mang từ chiến trường ra, được bố mẹ và các em anh chú ý nhất, chính là tờ báo Quân đội nhân dân ngày 8.3.1973, tờ rơi "Việt Nam máu và hoa" cùng những câu chuyện về chúng.

PHẠM XƯỞNG

(0) Bình luận
Anh ấy là người Hải Dương