An toàn giao thông với công nhân trong các doanh nghiệp

27/04/2010 06:26

Ven các quốc lộ hiện có hàng trăm doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vào đầu giờ làm việc và giờ tan tầm, hàng chục vạn công nhân đổ ra đường khiến lượng người tham gia giao thông tăng đột biến.


Vào giờ tan tầm, công nhân ở các doanh nghiệp ven quốc lộ 5 đoạn qua thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) tràn ra đường, khiến tình hình trật tự an toàn giao thông hết sức phức tạp. Ảnh: An Thái.
Do ý thức tham gia giao thông của một bộ phận công nhân còn hạn chế nên tình hình trật tự an toàn giao thông ở các đoạn đường có doanh nghiệp hoạt động trở nên rất phức tạp và xảy ra nhiều vụ ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT). Đặc biệt, tình trạng trèo, chui qua dải phân cách giữa để sang đường ngày càng phổ biến và luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Tại quốc lộ 5, các dải phân cách giữa đã được dựng lên để hạn chế tình trạng người tham gia giao thông tùy tiện qua đường. Dải phân cách này cao khoảng 1,6 mét. Hầu hết công nhân lao động phải đi một đoạn đường khá xa mới có thể sang đường, khoảng cách này có thể xa hàng km. Do đó, muốn sang đường nhanh, hầu hết công nhân đã chọn cách trèo hoặc chui qua dải phân cách giữa. Đại diện Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 240 cho biết: Ngoài việc trèo qua dải phân cách để qua đường, trên quốc lộ 5 đã có 7 điểm lớn và hàng trăm điểm nhỏ người dân tự phá dỡ dải phân cách để chui qua đường. Việc người dân nói chung và công nhân nói riêng thường xuyên chui, trèo qua dải phân cách đã khiến nhiều lái xe bất ngờ và xảy ra tai nạn. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính riêng trong năm 2009, trên quốc lộ 5 đã xảy ra 7 vụ TNGT, làm 2 người chết tại chỗ và nhiều người khác bị thương do các công nhân băng ngang quốc lộ và trèo qua dải phân cách giữa để sang đường.

Ngoài ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận công nhân còn hạn chế, hạ tầng giao thông hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình hình ùn tắc và TNGT trên quốc lộ qua khu vực có nhiều doanh nghiệp hoạt động trở nên phức tạp. Trên quốc lộ 5, đoạn qua các khu công nghiệp Đại An, Tân Trường và Phúc Điền thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Nguyên nhân là do điểm giao cắt giữa 2 làn đường nằm đối diện cổng ra của các khu công nghiệp nên vào đầu giờ làm việc hoặc giờ tan tầm, khi công nhân cắt ngang đường để ra, vào các nhà máy đã khiến các phương tiện đang lưu thông trên đường ưu tiên phải dừng lại hoặc di chuyển rất chậm. Khu vực ngã ba Tiền Trung giao cắt giữa quốc lộ 5 và quốc lộ 18 cũng xảy ra tình trạng tương tự, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

Công nhân khu công nghiệp Nam Sách giờ tan tầm tham gia giao thông rất đông. Ảnh: Nhân Chính.
Nhiều năm qua, lực lượng cảnh sát giao thông và các doanh nghiệp đã thường xuyên phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và làm chuyển biến ý thức đối với công nhân trong quá trình tham gia giao thông. Gần đây, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) đã chỉ đạo các bộ phận liên quan đưa các hình ảnh trực quan về các vụ TNGT lồng ghép trong quá trình phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ ít ngày sau khi được tuyên truyền, tình trạng vi phạm luật giao thông của công nhân lại tiếp diễn. Ý thức được vấn đề này, một số doanh nghiệp có đông lao động đã chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông để hạn chế tình trạng vi phạm cũng như tai nạn đối với công nhân. Bà Trần Thị Vượng, Phó giám đốc hành chính - nhân sự Công ty TNHH May Tinh Lợi (khu công nghiệp Nam Sách), cho biết: Công ty hiện có 3.600 lao động đang làm việc trên 54 dây chuyền sản xuất. Do nằm sát quốc lộ 37, nên từ khi đi vào hoạt động, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho người lao động luôn được công ty chú trọng. Đối với những trường hợp người lao động điều khiển xe gắn máy không đầy đủ thiết bị an toàn như gương chiếu hậu, không đội mũ bảo hiểm đều được bảo vệ nhắc nhở, tái phạm sẽ không cho vào làm việc. Hằng năm, việc phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền những quy định về giao thông đường bộ được công ty chú trọng và mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ năm 2008 đến nay, công ty đã phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Ba Hàng tổ chức 5 buổi tuyên truyền trực quan và hỏi - đáp về Luật Giao thông đường bộ cho người lao động. Nhờ đó, sau 5 năm hoạt động chỉ xảy ra 3 vụ TNGT đối với người lao động của công ty.  Tại Công ty Mascot trong khu công nghiệp Đại An, hệ thống nhà xưởng của công ty cũng đều được lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn giao thông. Hệ thống loa truyền thanh trong công ty được giao chuyên trách, hằng ngày biên soạn các tài liệu tuyên truyền luật giao thông đến người lao động. Việc làm trên đã nâng cao ý thức chấp hành đối với người lao động khi tham gia giao thông.

Cùng với bảo đảm an toàn lao động, thì an toàn giao thông ngoài khu vực công ty đối với công nhân cũng cần được các doanh nghiệp quan tâm hơn. Các bất cập của hệ thống giao thông cần sớm được khắc phục; đồng thời, công nhân lao động cần tự giác nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, nhằm bảo đảm an toàn cho chính bản thân.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
An toàn giao thông với công nhân trong các doanh nghiệp