Mệt mỏi với mâm cỗ 14 món, chị Tâm, 41 tuổi, quyết định ăn Tết kiểu "chuyên đề", tức là mỗi bữa chỉ nấu một món như bún, phở.
Trước đây, người phụ nữ dành hầu hết 5 ngày Tết để nấu nướng, dọn dẹp nên "vô cùng ngán ngẩm". Ngoài ra, do vợ chồng chị đều có nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa nên từ Tết năm ngoái, chị thay đổi cách ăn uống, mỗi ngày một món, theo kiểu chuyên đề.
Từ 28 đến mùng 5 Tết, chị Tâm lên thực đơn lần lượt theo ngày, ví dụ ngày nem rán, ngày ăn lẩu, bún chả đến bún riêu, phở... Tất cả đều chuẩn bị từ sáng sớm, ăn trong ngày, bên cạnh cơm trắng hoặc bánh chưng là hai món cố định. Với mỗi món, chị cố gắng thêm rau củ quả để bảo đảm đầy đủ dưỡng chất hơn.
Theo người phụ nữ, cách chế biến này tiết kiệm thời gian, công sức, hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể. "Ví dụ, bữa nào ăn nem rán, tôi cuốn nem luôn từ sáng hoặc tối hôm trước với số lượng nhiều để hôm sau ăn cả ngày. Hay món lẩu thập cẩm, tôi chỉ cần chuẩn bị một nồi nước dùng, thịt, rau có sẵn", chị nói, thêm rằng nhờ cách ăn trên, gia đình chị có thêm thời gian du xuân, đỡ stress.
Tương tự, gia đình anh Nhật, 36 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng áp dụng cách thức này được 3 năm nay. Bố mẹ anh mắc bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao, còn hai con nhỏ bị béo phì độ 2, do đó gia đình thống nhất sẽ ăn Tết theo kiểu "tối giản", mỗi ngày chỉ tiêu thụ một món, bún, phở, lẩu, hoặc món cuốn.
"Ăn Tết kiểu này hạn chế tinh bột, chất béo, đạm, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa có nhiều thời gian để vui chơi", anh Nhật nói, thêm rằng việc nấu đồ cúng cũng đơn giản, không cầu kỳ, "quan trọng là ở lòng thành từ tâm mình".
Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng, cho biết cách ăn này về cơ bản cũng giống việc bạn nấu các món ăn như ngày thường, là điều được khuyến khích.
Thực tế, truyền thống của người Việt, ngày Tết là phải "mâm cao cỗ đầy" với nhiều món ăn giàu đạm, chất béo, muối, đường. Bánh chưng, xôi, thịt đông, giò chả, thịt kho hay bánh kẹo, mứt Tết... cộng với nhiều loại đồ uống có cồn như rượu bia hay các loại nước ngọt, nước có gas tạo nên một thực đơn mất cân bằng về dinh dưỡng.
"Sử dụng dài ngày những món ăn này, không chỉ gây áp lực cho đường tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, cân nặng, vóc dáng, đặc biệt nguy hiểm với những người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch", bác sĩ cho hay.
Thay đổi khẩu vị hằng ngày cũng giúp chống ngấy, tạo cảm giác ngon miệng hơn. Người nội trợ cũng không phải tất bật vào bếp chuẩn bị, thay vào đó sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình, từ đó tinh thần vui vẻ hơn.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng nếu mỗi bữa chỉ nấu một món số lượng nhiều, hoặc cả ngày ăn một món, sẽ khó bảo đảm sự đa dạng thực phẩm, đủ các chất sinh năng lượng. Vì vậy, mỗi gia đình nên tính toán lượng calo trong các thành phần món ăn, dưỡng chất cần thiết trong món ăn để hài hòa. Ví dụ, mỗi bữa ăn nên bảo đảm có rau xanh, protein từ thịt, cá, trứng, tinh bột gồm cơm, nếp... và hoa quả theo mùa.
Cụ thể, chất bột đường cần bổ sung 50-60%, nên lựa chọn từ các thực phẩm rau củ quả, ngoài ra là bánh mì nâu, gạo lứt, khoai... với số lượng được khuyến cáo.
Nhóm chất đạm từ thực vật và động vật khoảng 13-20% tổng năng lượng, được khuyến nghị "hơi thiên về đạm thực vật, chứ không phải tẩy chay hết đạm động vật". Chất béo có nguồn gốc động vật như mỡ (mỡ thịt, mỡ cá) và chất béo có nguồn gốc thực vật như dầu (dầu có trong các loại hạt, loại quả). Ví dụ, nếu chỉ ăn một món phở, bạn nên thêm nhiều rau để đảm bảo lượng rau xanh tối thiểu một bát mỗi bữa.
"Nếu ăn lẩu nhiều rau, nhiều thịt thì lượng tinh bột bạn có thể bổ sung bằng ngô, khoai, sao cho cân đối", bác sĩ Hùng khuyên.
Một số cách ăn lành mạnh khác là ăn đúng bữa, hạn chế bánh, kẹo, nước ngọt, đặc biệt rượu bia. Uống quá nhiều bia rượu sẽ ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe, mất an toàn khi tham gia giao thông, tăng nguy cơ đối với các bệnh tim mạch, gout, tăng huyết áp, đái tháo đường.
TB (theo VnExpress)