Về xã An Lâm, huyện Nam Sách (Hải Dương) sẽ mang lại cho mọi người cảm nhận về một vùng quê an lành, đầy sức sống.
An Lâm là 1 trong 2 xã (cùng với xã Nam Tân) của huyện Nam Sách đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Xã có diện tích tự nhiên hơn 616 ha, gồm 6 thôn, 2.455 hộ và hơn 8.200 nhân khẩu. Từ quốc lộ 37 đi vào xã, ấn tượng với mọi người là cảnh quan khác biệt với sự sáng, xanh, sạch và đẹp.
Con đường trục chính xã rộng 4 làn xe, trải nhựa thẳng tắp. Hai bên đường có những cây long não phảng phất mùi thơm mỗi khi có gió về. Nhà dân cao tầng hai bên đường càng tô thêm điểm nhấn về một làng quê giàu đẹp, không khác nào một khu phố. Giờ đây, nhiều người về An Lâm còn trầm trồ vì những nơi công cộng phục vụ trực tiếp đời sống người dân như nhà lớp học, trạm y tế, nhà văn hoá khang trang, sạch đẹp.
Từng đường làng, ngõ xóm tại An Lâm cũng mạng lại cho khách đến thăm những bất ngờ. Các con đường sạch sẽ không có rác thải, chỉ lác đác những chiếc lá rụng chưa kịp được dọn. Tất cả các con đường trong các thôn đã được mở rộng và kiên cố hoá, có hệ thống đèn chiếu sáng. Xã An Lâm cũng có nhiều đường hoa đẹp được chăm sóc tỉ mỉ bởi bàn tay các hội viên nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên...
Cảnh quan đẹp, đường làng xanh, sạch là do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Lâm đã quyết tâm thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện uỷ Nam Sách về phân loại, thu gom, xử lý rác sinh hoạt tại nguồn.
Cách đây gần 2 năm, xã An Lâm bắt đầu thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn. Đến nay, việc phân loại đã đi vào nền nếp và có thay đổi lớn trong nhận thức người dân. 100% chất thải rắn phát sinh trên địa bàn được thu gom, vận chuyển và xử lý. Những cánh đồng hoa mẫu đơn đỏ thắm ngày càng nhiều nhờ dưỡng chất từ những ụ phân ủ từ rác sinh hoạt hữu cơ được dùng để chăm bón. "Biến rác thành hoa", người dân An Lâm đã cùng người dân huyện Nam Sách làm cho làng quê trở nên sạch đẹp, văn minh.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, người dân An Lâm vẫn giữ được những nét truyền thống xưa để đời sống tinh thần thêm phong phú, tình cảm con người càng thêm gắn kết. Các thôn ở đây vẫn còn giữ nguyên vẹn tục lệ truyền thống tổ chức các trò chơi dân gian dịp đầu xuân. Cứ mùng 1, mùng 2 Tết, các thôn bắt đầu tổ chức kéo co, bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố... Phần thưởng chẳng đáng là bao nhưng người già, trẻ nhỏ đều tham gia, cười vui khắp sân làng.
Hè đến, cứ buổi chiều về, tại các nhà văn hoá thôn lại nhộn nhịp trẻ con đá bóng, người lớn tập thể dục. Buổi tối ở An Lâm càng nhộn nhịp, đông vui với các câu lạc bộ dân vũ, nhóm nhảy của chị em.
Cuộc sống ở An Lâm cứ bình yên, hiền hoà như thế. Từ lâu, xã An Lâm không có tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài, không có công dân phạm tội từ nghiêm trọng trở lên và cũng không có điểm, tụ điểm phức tạp về hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội.
Trò chuyện về hành trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và đưa xã An Lâm thực sự trở thành một nơi đáng sống, ông Khúc Văn Hướng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã An Lâm khẳng định: "Đích đến cuối cùng của mọi nhiệm vụ là nâng cao đời sống người dân. Trong đó, xã không chỉ nỗ lực phấn đấu các mục tiêu kinh tế, chính trị mà quan trọng hơn cả là đời sống văn hoá, tinh thần để người dân An Lâm vừa đủ ấm no, vừa đầy hạnh phúc".
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã An Lâm trên 70 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng cao, phát triển cả rồng trọt, chăn nuôi. Trên địa bàn xã có 12 doanh nghiệp và hơn 43 cơ sở cá thể đầu tư và phát triển lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt hiệu quả, góp phần lớn vào tỷ trọng kinh tế địa phương. Trong những năm qua, do có sự tập trung đầu tư phát triển sản xuất, thu nhập của người dân được nâng cao. Số hộ nghèo đa chiều của xã chỉ còn 0,61%.
Xã An Lâm có 3 trường học đều được quan tâm về cơ sở vật chất, đầu tư đầy đủ và cải tạo nâng cấp toàn bộ hệ thống phòng học cho 3 trường đạt chuẩn quốc gia. Trường Tiểu học và Trường THCS An Lâm luôn trong top đầu toàn huyện về chất lượng giáo dục.
6 thôn ở An Lâm đều có nhà văn hóa, sân thể thao. Từ cuối năm 2021 đến nay, xã đầu tư 7,7 tỷ đồng xây 3 nhà văn hóa cho các thôn Bạch Đa, An Lương và Hoàng Dương. Sân thể thao và công trình phụ trợ trị giá hàng tỷ đồng cũng được xây dựng nhờ nguồn vốn xã hội hoá. Cùng với nhiều thiết chế văn hoá khác, nhu cầu sinh hoạt, hội họp và các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao của nhân dân ở An Lâm được đáp ứng tốt. Nhận xét về những kết quả xã An Lâm đạt được, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Vương Xuân Thủy cho biết: "An Lâm là xã nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu của huyện, là nơi đời sống người dân được quan tâm toàn diện, không ngừng nâng cao cả về vật chất, tinh thần. Đây cũng là xã dẫn đầu nhiều nhiệm vụ, phong trào trong toàn huyện Nam Sách".
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, An Lâm đang trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, an lành, đáng sống.
Nội dung: PHONG TUYẾT
Ảnh, clip: THÀNH CHUNG, PHÙNG BẢN
Đồ họa: TUẤN ANH