bia.jpg

Những chàng trai, cô gái Hải Dương góp sức làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nay đã là những bậc cao niên chân chậm, mắt mờ. Họ đã sống gần trọn thế kỷ nhưng ký ức và những kỷ niệm về một thời hào hùng mãi vẹn nguyên.

Ông Cao Xuân Dớn, 91 tuổi, ở phố Phạm Sư Mệnh (TP Hải Dương) kể lại phút giây sinh tử khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ
tieu-de-1.png

Năm nay 94 tuổi, bà Hồ Thị Thảo, 94 tuổi ở thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Tuy (Bình Giang) vẫn còn nhớ những ngày tháng làm nhiệm vụ tải đạn, tải gạo… phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên. Ngày đó, khi vừa tròn 16 tuổi, bà Thảo xung phong xin gia nhập Đoàn thanh niên xung phong Trung ương và được biên chế tại Đội 40, huyện Mai Sơn (Sơn La). Nhiệm vụ của bà Thảo cùng Đội thanh niên xung phong 40 là vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí cho chiến trường Điện Biên Phủ; dọn đường, lấp hố bom khi địch ném bom bắn phá.

nhom-anh-1(1).png

Tháng 3/1954, khi quân ta đánh mạnh thì địch cũng tập trung ném bom dữ dội ở các tuyến đường mà xe, pháo, bộ đội, dân công hỏa tuyến thường qua lại. Khu vực huyện Mai Sơn là một trong những địa bàn bị địch đánh phá ác liệt nhất nhưng với tinh thần quả cảm, bà Thảo và các thanh niên xung phong, các đơn vị bộ đội đã bám trụ kiên cường đưa vũ khí, lương thực vào sâu trong chiến trường; quyết tâm bảo vệ tuyến đường 13 (nay là quốc lộ 37) được thông suốt. “Khi ấy, thanh niên xung phong chúng tôi làm bất cứ việc gì được Đảng giao, từ vận tải đến vận chuyển lương thực, bảo đảm giao thông. Có những ngày trời mưa mù, đường trơn trượt, dốc cao, bên trên địch ném bom, ở dưới chúng tôi vẫn gùi lương thực, vũ khí men theo đường rừng để vào sâu bên trong. Vất vả, khó khăn nhưng ai nấy đều hăng say với tinh thần “tất cả vì tiền tuyến”, bà Thảo nhớ lại.

Ngày 22/2/1954, khi vừa tròn 21 tuổi, chàng trai trẻ Cao Xuân Dớn (nay ông Dớn 91 tuổi, ở phố Phạm Sư Mệnh, TP Hải Dương) từ biệt làng quê lên đường tham gia đội thanh niên xung phong. Ông được biên chế vào đơn vị C295, Đội thanh niên xung phong 34 với nhiệm vụ rà phá bom mìn, bảo đảm giao thông thông suốt ở khu vực cầu Tà Vài, xã Chiềng Hặc (Sơn La) - một điểm giao thông huyết mạch để đến chiến trường Điện Biên. Dưới làn mưa bom, lửa đạn ông Dớn cùng đồng đội vẫn hiên ngang, dũng cảm làm nhiệm vụ, bảo đảm mạch máu giao thông tới tuyến đầu.

ba-thao-ong-don-3-(1).jpg
ba-thao-ong-don-2-(1).jpg

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Dớn nhớ nhất lần làm nhiệm vụ vào cuối tháng 3/1954, ông cùng 5 đồng đội được giao nhiệm vụ phá giải bom trên quốc đường 41 (nay là quốc lộ 6) thuộc địa bàn xã Chiềng Hặc. Đội của ông được đơn vị tổ chức ăn liên hoan, sau đó làm lễ truy điệu sống. Dưới là cờ đỏ sao vàng, ông cùng đồng đội đọc lời thề thiêng liêng một lòng trung thành với Tổ quốc. Khi cả tốp làm nhiệm vụ được khoảng 15 phút thì địch ném bom dữ dội. Hôm đó, 2 đồng đội đã anh dũng hi sinh còn ông Dớn bị thương ở đầu.

Đến đầu tháng 5/1954, sau khi chữa trị vết thương, ông Dớn trở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, mở đường. Vài ngày sau, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông Dớn sau này được bố trí công tác ở ngành giao thông, xây dựng. Ông Dớn xúc động nhớ lại: “Mỗi ngày địch đánh phá nhiều đợt. Chưa phá xong loạt bom trước, loạt sau lại rải xuống. Bom chồng bom, thi nhau phát nổ, khói lửa ngập trời, đất đá tung tóe, núi rừng rung chuyển. Chỉ trong thời gian ngắn, khu vực cầu Tà Vài đã bị đất đá bao trùm, giao thông ách tắc. Chúng thả rất nhiều loại bom khác nhau, trong đó loại bom bươm bướm rất nguy hiểm bởi tính chất và hoạt tính hóa học, trong khi dụng cụ rà phá của bộ đội ta rất thô sơ chủ yếu là cuốc, xẻng, kìm”.

nhom-anh-2.png
tieu-de-2.png
trich-dan.jpg

Năm nay 92 tuổi, thương binh Nguyễn Văn Mệnh ở thôn Mỹ Hảo, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) vẫn đầy khí thế hào hùng trong chất giọng, phong thái lúc kể chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ. "Hồi đó, tôi ở chiến trường Điện Biên Phủ đào hào, hầm, xây dựng cơ sở nên thường ở trong hầm từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối mới lên. Lúc nào cũng có 2 chiến sĩ cầm súng sẵn sàng trỏ vào trong lô cốt để phòng ngự, khi giặc nhô lên là mình bắn ngay. Nếu mình bỏ một phát thì nó xả ra không biết bao nhiêu là viên đạn", ông Mệnh nhớ lại.

nguyen-van-menh.jpg
Ông Nguyễn Văn Mệnh kể lại những kỷ niệm thời chiến với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng và các đại biểu khi đoàn công tác của tỉnh đến thăm, tặng quà ông Mệnh dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Theo lời kể của ông Mệnh từ thời gian ông trực tiếp chiến đấu ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, 2 tháng ròng ông cùng các đồng đội không được ăn miếng cơm nóng nào, chỉ ăn cơm nắm muối vừng và uống nước mà sống. Trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm đó, người lính luôn thường trực suy nghĩ sẵn sàng hy sinh bất cứ lúc nào và việc đó đã trở thành điều bình thường nơi chiến trường. "Anh em bộ đội ở chiến trường Điện Biên Phủ không nói đến sống chết. Hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ cũng không biết đâu mà lần. Anh em có thể đang ngồi nói chuyện với nhau như này nhưng chốc thì lại hy sinh. Ở chiến trường không có ai sợ chết, ham sống", ông Mệnh kể trong sự tự hào và vẹn nguyên khí thế người lính năm xưa.

"Tôi nhớ nhất những ngày quần nhau với giặc trên đồi A1”. Đó là lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Trọng Khiêm, sinh năm 1931, ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) khi trò chuyện với chúng tôi. Trong gian phòng khách, bức ảnh ông và đồng đội chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được treo ở vị trí trang trọng. Những người đồng đội đã từng “vào sinh ra tử” với ông nay người còn, người mất. Bức ảnh quý như nhắc nhớ về một thời hy sinh gian khổ mà hào hùng. Từ một thanh niên xung phong mở đường phục vụ chiến dịch, ông Khiêm đã tự nguyện viết đơn xin làm chiến sĩ Điện Biên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được biên chế vào Đại đội 317, Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 (khi ấy gọi là Đại đoàn Cao-Bắc-Lạng).

ong-khiem-1.jpg
Ông Nguyễn Trọng Khiêm (đứng thứ 3 từ trái qua phải, hàng đầu) cùng đồng đội chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
ong-khiem-2.jpg
Ông Khiêm cho biết mình may mắn hơn nhiều đồng đội hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vì được sống trong hòa bình, sum vầy cùng con cháu

Trực tiếp cùng đồng đội chiến đấu giải phóng nhiều khu vực quan trọng ở tỉnh Lai Châu, ông Khiêm cho biết sẽ còn nhớ mãi về những trận đánh ác liệt trên đồi A1 ngày 30/3/1954. Khi ấy, đơn vị của ông là Tiểu đội 2 được lệnh tiến lên, thay thế những đồng đội bị thương, hoặc đã ngã xuống trên chiến hào. Ông và đồng đội chiến đấu giáp lá cà với giặc trên đồi, giành giật nhau từng tấc đất, mét hào. “Trong trận đánh ấy, 5 người cùng quê, cùng nhập ngũ nhưng chỉ duy nhất mình tôi còn sống. Tôi nhìn những người đồng đội hy sinh mà gào khóc. Nhưng nỗi đau ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi cùng các chiến sĩ vượt qua lằn ranh sinh tử, quyết chiến, quyết thắng, bắt kẻ thù cúi đầu trước đồng đội đã ngã xuống” ông Khiêm nghẹn nghèo kể lại.

Ông Nguyễn Trọng Khiêm kể lại phút giây chứng kiến đồng đội hy sinh khi tham gia đánh chiếm đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
nhom-anh-3.jpg
tieu-de-3.png

Những ngày này, người Hải Dương cùng cả nước đang sống trong không khí ngập tràn cảm xúc tự hào về một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang và là cột mốc vàng trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta.

tran-duc-thang-1(1).jpg
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cùng đoàn công tác của tỉnh dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ ngày 21/4
le-van-hieu.jpg
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thăm hỏi, tặng quà ông Đào Văn Thành (sinh năm 1927) ở xã Hiệp Lực (Ninh Giang) là cựu quân nhân tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ
trieu-the-hung.jpg
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng thăm hỏi, tặng quà ông Đặng Quốc Bảo ở thôn 1, xã Thanh Xá (Thanh Hà) là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Hải Dương đã và đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tri ân, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ cha ông đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Trong các ngày 21-22/4, đoàn công tác của tỉnh Hải Dương do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng dẫn đầu đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân người có công tại tỉnh Điện Biên. Tại Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, đoàn thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng anh linh các anh hùng liệt sĩ - những người con ưu tú của đất nước, đã cống hiến sức lực, máu thịt của mình để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đoàn đã đến thăm, tặng quà Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang và tổ chức viếng các nghĩa trang liệt sĩ A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao. Đoàn cũng đến thăm, tặng quà các gia đình quân nhân người Hải Dương trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại tỉnh Điện Biên…

box-1.jpg

Ở trong tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội tổ chức nhiều hoạt động gắn với đợt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã và đang được tổ chức sôi nổi. Những băng-rôn, khẩu hiệu, pano về chiến thắng Điện Biên Phủ được giăng lên khắp con đường, tuyến phố để tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ. Các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, trải nghiêm, mời các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại Điện Biên đến nói chuyện chuyên đề. Các địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh cho các cựu chiến binh là thương binh, các gia đình chính sách có người thân là chiến sĩ Điện Biên…

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương trao quà cho cựu chiến binh Điện Biên Phủ Vũ Đình Ngạc ở xã Tân Việt (Bình Giang)
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương trao quà cho cựu chiến binh Điện Biên Phủ Vũ Đình Ngạc ở xã Tân Việt (Bình Giang)
tranh-hoc-sinh.jpg
Các thế hệ người Hải Dương ôn lại lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ qua những bức tranh của học sinh
tai-hien-keo-phao.jpg
Học sinh Hải Dương tái hiện lại cảnh kéo pháo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tại liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” năm 2024 do Tỉnh đoàn tổ chức

Muôn triệu trái tim các thế hệ người Việt Nam đang hướng về mảnh đất Điện Biên anh hùng. 70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc. Ý nghĩa lịch sử trọng đại và âm hưởng hào hùng của cuộc chiến sẽ còn mãi với thời gian, luôn là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam.

box-2.jpg

Nội dung: PV

Đồ họa, trình bày: PHÙNG BẢN

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ mãi một thời hào hùng của các chàng trai, cô gái Hải Dương