Gia đình

Ân hận vì không kịp báo hiếu

Theo VnExpress 29/08/2023 08:37

Có lần Yến Nhi chạy xe theo sau một người từ quận 3 đến Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) chỉ vì người này mặc áo và đi xe giống bố, dù thực tế ông đã qua đời.

"Tôi cứ tưởng thời gian sẽ làm nguôi ngoai tất cả, nhưng càng sống tôi càng tiếc nuối vì đã bỏ lỡ những khoảnh khắc có bố trên đời", Nguyễn Yến Nhi (28 tuổi, hiện sống ở Hà Nội), người mất bố 8 năm trước, nói.

Bố Nhi đột ngột ra đi vì đột quỵ để lại những hiểu lầm chưa hóa giải. Vì thế, khi ông còn sống, dẫu trong lòng luôn thương bố, Yến Nhi ít tiếp xúc, trò chuyện.

Cô tự nhủ chăm chỉ kiếm tiền rồi đến một ngày báo đáp bố mẹ cũng không muộn. Yến Nhi lập kế hoạch đưa bố mẹ đi đây đó, tưởng tượng cảnh mặc váy cưới và được ông nắm tay dắt vào lễ đường.

"Nhưng rồi tôi đã bỏ lỡ thời khắc cuối cùng, lỡ cả một đời báo đáp, lỡ cả những lời yêu thương muốn bày tỏ, lỡ cơ hội giới thiệu ông với thông gia tương lai", Yến Nhi nói.

Điều đứa con áy náy là khi bố còn sống, cô vẫn tính trẻ con nên chưa biết cách bày tỏ yêu thương. Khi lập gia đình, có con, trải nghiệm cuộc đời nhiều hơn, Nhi mới hiểu sự cô đơn của người lớn tuổi, ân hận vì tạo khoảng cách với bố, tiếc vì những năm cuối đời của bố không tận dụng thời gian bên ông.

Năm ngoái, khi làm đám cưới, Nhi lồng ảnh bố và bà ngoại vào bông hoa cưới, để cảm nhận những người thân yêu nhất vẫn bên mình trong khoảnh khắc trọng đại.

368016116-1682393802263052-831-1469-7371-1692761954.jpg
Yến Nhi luôn day dứt, tiếc nuối khi nghĩ đến người cha quá cố

Anh Quốc Cường (37 tuổi, ở Hà Nội) nói cả đời sẽ không hết ăn năn khi chưa kịp báo hiếu thì mẹ qua đời. Anh xa nhà khi học đại học. Tốt nghiệp, Cường lao vào công việc ở thành phố để khẳng định bản thân. Anh phấn đấu mua nhà, mua xe, lúc lấy vợ sinh con lại quay cuồng với gánh nặng cơm áo.

"Nhà cách Hà Nội chưa đầy 200 km nhưng có khi cả năm tôi mới về vài lần dịp giỗ Tết. Nhưng về cũng đi chơi với bạn bè, thăm người nọ người kia, chẳng mấy khi ngồi ăn cơm cùng bố mẹ", Cường kể.

Trong thâm tâm, người con nghĩ "cha mẹ vẫn ở đó đợi mình". Anh tự nhủ khi nào tiền đủ nhiều, thời gian thoải mái sẽ đưa bố mẹ đi du lịch đây đó, cùng họ thưởng thức những món ngon.

Hai năm trước, mẹ anh Cường phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối, thời gian còn lại chỉ tính bằng ngày. Người con hối hả thực hiện những điều mình ấp ủ trong đầu. Nhưng sức mẹ như đèn dầu trước gió, đi lại khó khăn nên mọi kế hoạch phải hủy bỏ. Lúc đó, anh xin nghỉ việc tạm thời, ở nhà thức đêm bóp chân, xoa người cho bà. "Rờ người mẹ chỉ còn là nắm xương, bao nỗi ăn năn như gặm nhấm tôi", anh Cường kể. Hơn một tháng sau khi biết bệnh, người mẹ ra đi.

Hồi mẹ mới mất, anh Cường gần như không ngủ vì cứ nhắm mắt lại thấy cảnh bà đau đớn, gầy rộc. "Tôi thấy mình bất hiếu nhưng thời gian chẳng có giá như cho mình xóa đi làm lại", anh nói.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM khẳng định mọi người đều có cảm giác tiếc nuối khi cha mẹ qua đời. Tùy mức độ gắn bó, nhận thức, hành động của mỗi người trong quá trình sống chung mà tiếc nuối nhiều hay ít.

Khảo sát của VnExpress với hơn 300 độc giả, 70% cho biết luôn day dứt khi chưa kịp báo hiếu cha mẹ, chỉ 30% không tiếc nuối vì luôn đáp ứng mong đợi của người thân khi họ còn sống.

Trong bài viết khoa học "Đạo hiếu trong gia đình Việt Nam hiện nay" của tác giả Hoàng Thúc Lân, đăng trên tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, người Việt Nam luôn coi trọng và tiếp thu chữ hiếu trong giáo dục nhân cách cho con người; coi đạo hiếu là đường hướng và phương châm ứng xử nhân văn của con cháu đối với cha mẹ và cũng là các chuẩn mực, thước đo giá trị đạo đức của con người.

Báo cáo nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam 2020, của Hội đồng Anh cũng nhận định người trẻ Việt vô cùng gắn bó với gia đình. Cuộc khảo sát trên toàn quốc cho thấy 75% người trẻ cho biết gia đình là yếu tố căn bản định hình nên con người họ.

''Lòng hiếu thảo vẫn là một giá trị thiết yếu đối với giới trẻ Việt Nam và họ đề cao sự kính trọng đối với cha mẹ'', báo cáo cho biết.

z4554128948965-45ebdee6213d88a-8273-7327-1692761954.jpg
Yến Nhi lồng ảnh bố và bà vào bông hoa cưới hồi năm ngoái, để thấy có những người thân yêu bên cạnh

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh từng chứng kiến nhiều người vì ân hận khi cha mẹ qua đời nên buồn chán, bất cần, tìm đến chất kích thích hoặc những điều tiêu cực khác. Với trường hợp này, chuyên gia cho rằng thay vì sống trong dày vò, mỗi người nên sống tốt cho hiện tại. "Nếu không kịp báo hiếu cha mà còn mẹ thì hãy lo báo đáp mẹ, dựa trên điều kiện thời gian, không gian, tài chính của mình", bà nói.

"Những tâm nguyện của cha mẹ hiện tại nên cố gắng đáp ứng nhanh chóng trong khả năng. Thường xuyên hỏi thăm, trò chuyện, chia sẻ, hay tặng những món quà nhỏ thiết thực để cha mẹ cảm nhận được quan tâm, yêu thương của con cái dành cho mình", bà Minh nói.

Vài tháng sau khi mẹ mất, anh Cường dần lấy lại cân bằng, nhưng nghĩ đến bà anh vẫn luôn đau đớn và tiếc nuối. "Nay tôi đưa vợ con về nhà thường xuyên hơn để thắp hương cho mẹ và ăn cơm cùng bố", anh nói.

Bây giờ, Yến Nhi đã là chủ hai cửa hàng ăn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đủ tiền để báo đáp bố như ước muốn, nhưng ông không còn. "Ngày chúng ta không còn bố mẹ, thành công tuyệt vời cách mấy, trong lòng luôn khuyết", cô nói.

Rút kinh nghiệm từ mình, Yến Nhi khuyên những ai còn cha mẹ nếu có khúc mắc với họ nên tìm cách tháo gỡ, đừng chờ đợi vì thời điểm đúng nhất, kịp thời nhất là ngay lúc này.

"Tôi gặp ai cũng nài nỉ họ đừng để sau này hối tiếc, hãy biết ơn, trân trọng và nhanh chóng làm ngay những gì có thể với bố mẹ", Yến Nhi cho hay.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ân hận vì không kịp báo hiếu
    ss