An cư lạc nghiệp nhờ nguồn vốn chính sách

21/03/2022 15:45

Số tiền được vay phù hợp nhu cầu, mức lãi suất thấp là những lợi ích thiết thực từ chương trình tín dụng chính sách về nhà ở xã hội. Nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp hàng trăm gia đình ổn định mái ấm.

Nguồn vốn chính sách ưu đãi theo chương trình nhà ở xã hội đã giúp người dân thu nhập thấp hiện thực giấc mơ an cư lạc nghiệp

Niềm vui nhà mới

Đã gần 2 năm từ khi xây dựng xong căn nhà mới nhưng niềm vui tân gia đối với gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Ứng Mộ, xã An Đức (Ninh Giang) vẫn như mới ngày hôm qua. Hơn 10 năm sinh hoạt trong căn nhà cấp 4 với những mảng tường mốc meo vì ngấm nước, nay cả gia đình chị Liên đã có căn nhà mới khang trang, vững chắc.

Chị Liên chia sẻ: “Chồng tôi là giáo viên âm nhạc tại Trường THCS An Đức, tôi là nhân viên tại thư viện Trường Tiểu học Hồng Đức nên kinh tế không được dư dả. Nếu không có nguồn vốn vay chính sách theo chương trình nhà ở xã hội, có lẽ cả gia đình tôi chẳng dám mơ sẽ xây nhà mới”.

Với tổng chi phí xây dựng hơn 600 triệu, 67% chi phí đó vay từ nguốn vốn tín dụng chính sách, vợ chồng chị Liên đã xây dựng căn nhà mới 1 tầng trên phần diện tích hơn 100 m2 của gia đình.

 Niềm vui an cư đó cũng đến với gia đình chị Lương Thị Kim Anh ở thôn Cao Ngô, xã Liên Hòa (Kim Thành). Cuối năm 2021, căn nhà mới 1 tầng rộng hơn 100 m2 của gia đình chị Kim Anh đã được khánh thành.

“Xây dựng từ năm 1983 nên căn nhà cấp 4 cũ của gia đình tôi xuống cấp lắm, khi trời mưa, nước ngấm tường nhỏ tong tong xuống nền nhà”, chị Kim Anh chia sẻ.

 Nhu cầu sinh hoạt của gia đình cộng ưu đãi từ nguồn vốn vay chính sách trở thành động lực giúp vợ chồng chị Kim Anh xây dựng căn nhà mới. “Ngay khi được thông tin về gói vay theo chương trình nhà ở xã hội, vợ chồng tôi đã làm thủ tục vay. Có thêm kinh phí xây nhà mới, lãi suất lại thấp nên gần như giải tỏa áp lực trả nợ sau khi xây nhà xong”, chị Kim Anh nói. Nay 4 thành viên gia đình chị đã có mái ấm mới. Vợ chồng chị yên tâm mỗi khi mưa đến, các cháu có góc học tập riêng.

Là một công nhân làm việc tại khu công nghiệp Đại An với mức lương trung bình 5,5 triệu đồng mỗi tháng, đã có lúc chị Lê Thị Hanh (sinh năm 1981) trú tại phường Tứ Minh (TP Hải Dương) nghĩ sẽ chẳng khi nào có được căn nhà của riêng mình. Tháng 12.2021 chị đã làm thủ tục để vay vốn theo chương trình nhà ở xã hội. Với số tiền 250 triệu đồng được vay, căn nhà mới rộng chừng 60 m2 vừa hoàn thành đã biến giấc mơ của chị thành hiện thực.

“2 mẹ con tôi đã thực sự có một mái ấm, thoát cảnh nhà trọ tạm bợ, nay đây mai đó như trước”, chị Hanh nói.

Đẩy mạnh giải ngân

Chương trình tín dụng chính sách ưu đãi để mua, thuê, mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở bắt đầu được giải ngân từ cuối năm 2018. Từ đó đến nay đã có 344 lượt khách hàng vay vốn với tổng doanh số cho vay 146 tỷ đồng. Đến ngày 21.3, tổng dư nợ của chương trình đạt 126 tỷ đồng với 320 khách hàng vay vốn. 300 khách hàng vay để xây nhà mới, sửa chữa nhà ở với dư nợ 119,5 tỷ đồng, 20 khách hàng còn lại sử dụng vay để mua nhà ở xã hội, dư nợ 6,5 tỷ đồng.

Với lãi suất hiện tại ở mức 4,8%/năm và thời gian vay lên đến 25 năm, mỗi tháng khách hàng sẽ chi trả khoảng 3,6 triệu đồng cả tiền gốc và lãi đối với khoản vay 500 triệu đồng. Đây là mức chi trả phù hợp với đại đa số người dân có thu nhập thấp khi vay tiền để xây, sửa nhà.

Theo quy định của chương trình này, khi trả nợ khách hàng sẽ lập tài khoản tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Một số người dân chưa hiểu đã nghĩ rằng vừa phải trả tiền vay lại vừa phải nộp tiền gửi tiết kiệm nên hình thành tâm lý e ngại. Trao đổi với đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh, được biết bản chất đây là số tiền gửi tiết kiệm và lãi suất tiết kiệm bằng đúng số tiền phải trả cho khoản vay và lãi suất của chương trình. Thay vì trả tiền gốc, lãi hằng tháng, khách hàng sẽ gửi đúng số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm, ngân hàng sẽ trích nợ sau một khoảng thời gian theo quy định. Do đó việc này không gây ảnh hưởng tới bất kỳ khách hàng nào vay vốn.

Ngày 30.1 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó đối với tín dụng chính sách, nghị quyết xác định nhóm 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh, gồm cho vay theo chương trình nhà ở xã hội; giải quyết việc làm; cho học sinh, sinh viên vay để mua thiết bị học tập trực tuyến; cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi vay; cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay khi phải ngừng hoạt động để phòng chống dịch.

Ông Vũ Tuấn Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: “Tới đây, đơn vị sẽ được phân bổ nguồn vốn theo nghị quyết này. Đây sẽ là cơ hội để các đối tượng chính sách đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn, từ đó hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp. Về phía ngân hàng, chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các phòng giao dịch trực thuộc tăng cường phối hợp các sở, ngành, địa phương để rà soát, thẩm định, bảo đảm nguồn vốn đến đúng người thụ hưởng. Ngay sau khi được giao chỉ tiêu kế hoạch, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai giải ngân nhanh chóng, kịp thời”.

ĐỖ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An cư lạc nghiệp nhờ nguồn vốn chính sách