Viêm da cơ địa không phải là bệnh gây nguy hiểm tính mạng song nó đang trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người.
Bác sĩ Hoàng Thị Lan tư vấn điều trị viêm da cơ địa cho người bệnh
Bệnh gây viêm da, bong, tấy đỏ da, lột da, ngứa ngáy, lở loét… nhất là vào ban đêm và khi thời tiết thay đổi lại càng hành hạ người bệnh nhiều hơn.
Con trai lớn của chị Nguyễn Thị Nhung ở TP Hải Dương bị viêm da cơ địa với những nốt mẩn ngứa khắp người, thậm chí các nốt bị bật máu do cháu gãi. “Con đi học luôn phải ngồi một mình một góc, không được chơi cùng bạn bè bởi nhiều phụ huynh có ý kiến với cô giáo không cho các cháu chơi với con", chị Nhung buồn bã cho biết.
Cháu Hoàng Đức Dũng, con chị Trương Thị Huế (Kinh Môn) bị viêm da cơ địa từ khi mới 3 tháng tuổi đến nay đã hơn 5năm. Da Dũng sần sùi, một số người không muốn lại gần khiến cháu gần như bị cách ly.
Không chỉ xuất hiện phổ biến ở trẻ em mà nhiều người lớn cũng mắc bệnh này. Anh Phạm Văn Minh (30 tuổi) ở TPHải Dương bị bệnh viêm da cơ địa cách đây 5 năm. Lúc đầu anh bị ngứa ở vùng thắt lưng, sau đó lan sang vùng ngực và hai cánh tay. Mùa đông ngứa hơn mùa hè, trên da nổi những mụn nhỏ li ti, da sần sùi, đỏ tía.
Năm 2017, Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh đã khám, điều trị cho gần 30.000 lượt bệnh nhân mắc các bệnh về da, trong đó khoảng 20% là người bị bệnh viêm da cơ địa. Bác sĩ Hoàng Thị Lan, người trực tiếp khám và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân ở đây cho biết biểu hiện lâm sàng của viêm da cơ địa rất đa dạng. Ban đầu có thể chỉ là các đám khô da mất sắc tố hoặc cấp tính với triệu chứng rất nặng như đỏ da toàn thân, các đám ban đỏ hình tròn, bị bong trợt da, trên bề mặt có các mụn nước, vảy xuất tiết nhiều dịch viêm và xung quanh bị phù nề. Người bệnh thường rất ngứa, cảm giác rát bỏng, nhất là về đêm, gây mất ngủ.
Trẻ sơ sinh bị bệnh viêm da cơ địa (hay thường gọi là chàm sơ sinh) thường xuất hiện ở mặt (hai gò má, cằm) tạo thành hình cánh bướm. Ở trẻ lớn hoặc người trưởng thành, bệnh diễn biến kéo dài, tổn thương da thường khu trú ở nếp gấp của các chi hoặc bàn tay. Do ngứa nên người bệnh gãi nhiều dễ làm cho da bị trầy xước, nhiễm khuẩn gây mưng mủ, khi lành bệnh có thể để lại sẹo. Nếu không được chăm sóc và xử lý kịp thời sẽ làm cho bệnh ngày càng trầm trọng.
Tuy viêm da cơ địa không lây qua tiếp xúc nhưng lại luôn ám ảnh người bệnh và gia đình. Để đề phòng bệnh khởi phát và chuyển biến xấu, người bị bệnh cần vệ sinh làn da sạch sẽ, không nên dùng các loại nước hoa, mỹ phẩm bừa bãi, tùy tiện; hạn chế tiếp xúc hóa chất, khói bụi, khói thuốc, phấn hoa và các dị nguyên gây dị ứng khác. Tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột, nên tắm rửa bằng nước ấm, mặc đủ ấm. Khi trời trở lạnh, ẩm, khô hanh, giữ ẩm da sẽ giúp ngăn ngừa khô rát da. Bệnh nhân viêm da cơ địa không nên ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc các loại thực phẩm lạ và nên sử dụng vitamin D theo đơn thuốc của bác sĩ, ăn uống bảo đảm dinh dưỡng, tăng cường tập luyện thể thao.
HẢI ĐƯỜNG