Vừa đọc xong tin nhắn thông báo điểm thi thử THPT quốc gia năm nay của con trai, đang ăn cơm ông Hành quay sang mắng Hạnh:
- Chỉ có việc ăn với học mà sao điểm vẫn lẹt đẹt thế hả con?
Bà Hành buông đũa:
- Con nó đi học thêm vừa về, sáng không kịp ăn gì chắc đói lắm. Ông để lúc nào hãy nói…
- Bà lại còn bênh! Thỉnh thoảng tôi mới ngồi cùng ăn với nó, không nói còn đợi lúc nào?
Thằng Hạnh bỏ đũa xuống nói:
- Mẹ cứ để bố nói. Nhưng ai bảo đi học là sướng thì đi mà học, chứ con không tin được câu đó đâu.
Như đã tích tụ từ lâu, được dịp thằng Hạnh kể ra bao nhiêu cái “sướng” khi đi học, nhất là thời kỳ này đang ôn luyện để thi THPT quốc gia nhằm xét tuyển vào đại học. Gương mặt xanh xao, lúc nào cũng thèm ngủ, giọng không còn trong trẻo như cái lúc bước vào tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”, thằng Hạnh vừa nói vừa khóc.
Nó kể từ năm lên lớp 10, học hành bị nhiều áp lực quá. Mẹ còn thương chứ bố nó thì chạy hết cô này đến thầy kia cho học thêm đủ các môn, ngày mấy ca, mấy kíp. Sang cuối lớp 12, học chính khóa đã mệt, học thêm càng tăng lên. Tuy điểm các môn đã đạt trên trung bình nhưng ông Hành vẫn không thấy hài lòng, còn muốn con phải hơn thế nữa…
Nghe con kể, bà Hành xót ruột nói với chồng: Lực học của con mình chỉ đến thế. Nó đã cố gắng học ngày học đêm chứ có lười biếng gì đâu. Ông đừng “già néo đứt dây” rồi lại như cái cháu ở trường nào đó phải nhảy lầu thì khổ cả nhà và mang tiếng ác với xã hội…
Lần này nghe vợ nói thế, ông Hành mới ngồi ngẫm nghĩ. Đúng là ngày xưa mình đi học thoải mái hơn bọn trẻ giờ nhiều mà vẫn qua lớp này, cấp nọ. Cho nên đi chăn trâu có mang vở đi theo mà chả cần phải học, lại còn ngâm nga “ai bảo chăn trâu là khổ/tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”. Còn bây giờ, con cháu học hành khổ thật! Chắc là ông phải xem xét, điều chỉnh lại lịch ôn tập cũng như kỳ vọng vào con. Chứ bắt con cố quá sức khéo lại "mất cả chì lẫn chài" thì khổ.
TRỌNG NGUYỄN