90 năm - Những chặng đường vẻ vang của Đảng: Bài 2: Đảng lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp

02/01/2020 07:33

Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền với ba cao trào cách mạng có ý nghĩa to lớn, đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

>> Bài 1: Đảng ra đời, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền


Quân và dân Hải Dương vào tiếp quản thị xã tháng 10.1954

Bằng đường lối cách mạng đúng đắn và tài thao lược của mình, với khối đại đoàn kết dân tộc và ý chí đấu tranh quật cường, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại những kẻ thù sừng sỏ nhất của thế kỷ XX mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng

Trong những năm 1945-1946, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân, bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6.1.1946); xây dựng và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên (ngày 9.11.1946). Đảng chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của nhân dân, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ với sự ủng hộ và chi viện của cả nước. Đảng kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng Tháng Tám; đồng thời thực hành sách lược khôn khéo, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo. Đảng đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trên phạm vi cả nước.

Thành công nổi bật của hơn một năm xây dựng chính quyền non trẻ là đã tăng cường được sức mạnh của cách mạng để có thể tự bảo vệ khi chưa có sự giúp đỡ trực tiếp từ bên ngoài.

Tại Hải Dương, sau tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng bộ tỉnh có nhiều biện pháp tích cực để củng cố, kiện toàn bộ máy chính quyền cách mạng lâm thời các cấp. Đảng bộ Hải Dương mở cuộc vận động tăng gia sản xuất, vận động nhân dân cấy tái giá, trồng rau ngắn ngày khắc phục nhanh nạn đói; củng cố sửa chữa đê điều phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp chính quyền, mặt trận, các đoàn thể vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt. Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh kiềm chế có hiệu quả những hành động phá hoại của quân Tưởng và tay sai, góp phần ổn định tình hình, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Chiến thắng giặc Pháp xâm lược

Tháng 12.1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Bằng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp giành thắng lợi mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta.

Trong kháng chiến chống Pháp, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng đối với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối kháng chiến của Trung ương vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Đảng bộ đã lãnh đạo thông qua hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân thống nhất từ trên xuống dưới, lấy LLVT làm trụ cột của cuộc kháng chiến, phát huy tinh thần yêu nước, tổ chức được các tầng lớp nhân dân đoàn kết, đồng lòng đứng lên cứu nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Hải Dương đã anh dũng chiến đấu. Với tinh thần "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc", quần chúng nhân dân đã không tiếc công, tiếc của dồn sức cho cuộc chiến đấu. Trên các tuyến đường giao thông quan trọng như đường 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hằng ngày có hàng vạn người cùng với bộ đội phá cầu, cuốc đường chặn đường tiếp viện của địch. Cùng việc tổ chức và lãnh đạo quần chúng tham gia phục vụ chiến dịch, Tỉnh ủy Hải Dương còn phát động LLVT đánh địch bằng nhiều hình thức.

Quân và dân Hải Dương đã đánh 13.681 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 38.733 tên địch, bắt và gọi hàng 27.805 tên, thu 8.011 khẩu súng các loại và hàng triệu viên đạn; phá hủy 121 đầu máy, 912 toa xe lửa, 762 xe quân sự, 25 ca nô, tàu chiến của địch. Nhiều trận đánh đã đi vào lịch sử như trận đánh ca nô giặc trên sông Văn Úc; các đợt tổng công kích dọc 2 tuyến đường 5, đường sắt từ Kim Thành đến Cẩm Giàng... Những chiến thắng của quân và dân Hải Dương đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Với thành tích đó, Đảng bộ và nhiều chiến sĩ, nhân dân Hải Dương đã được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; được Chính phủ tặng 21 Huân chương Quân công, 3 Huân chương Kháng chiến, 207 Huân chương Chiến công và 120.700 Huân chương các loại; 119 đồng chí được công nhận là chiến sĩ thi đua các cấp và anh hùng LLVT tiêu biểu.

Thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên CNXH, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.         

HD (tổng hợp)

------------------------------------

Bài 3: Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc


(0) Bình luận
90 năm - Những chặng đường vẻ vang của Đảng: Bài 2: Đảng lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp