Ngày 17/1, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024.
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương có đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tỉnh Hải Dương cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, năm 2023 đi qua với biết bao khó khăn, thách thức, nhưng cũng là năm để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Toàn ngành đã đặt quyết tâm cao, nỗ lực vượt khó, triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu trọng yếu trên lĩnh vực an sinh xã hội.
Theo đó, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục tăng, đặc biệt tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế phát triển bền vững.
Cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó khoảng 1,83 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 1,42% mục tiêu đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương); 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đặc biệt, có hơn 93,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ) và là chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Công tác chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, có hiệu quả, Đề án 06 tạo đột phá trong quản lý; thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp, được người dân, xã hội đánh giá cao; bộ thủ tục hành chính được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015) chỉ còn 25 thủ tục.
Đặc biệt, đến nay 100% số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (12.851 cơ sở) trên toàn quốc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân, vừa rút ngắn thời gian, thủ tục khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ, vừa giúp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng, làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm: đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để liên thông, chia sẻ, phục vụ quản lý của ngành và cải cách thủ tục hành chính.
Triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm...
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái biểu dương tập thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích đáng ghi nhận nêu trên, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bảo đảm an sinh cho nhân dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đóng góp nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.
Đây là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội năm 2023, góp phần đổi mới cách tiếp cận chính sách xã hội như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu kết luận tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII: phát triển xã hội “từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội”; khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Dự báo trong năm 2024, nền kinh tế - xã hội sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tập trung triển khai 8 nhóm giải pháp trọng tâm.
Ngành bảo hiểm xã hội bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các mục tiêu, kế hoạch trong Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 38/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai trong toàn ngành.
Nắm bắt, đánh giá các vướng mắc trong thực tiễn triển khai, từ đó, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp. Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm...
Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trao tặng Huân chương Lao động hạng ba cho 2 cá nhân thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, gồm: ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bà Nguyễn Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2017 - 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” cho ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
PV - NHẬT ANH (Theo báo Nhân dân)