Gắn với bề dày 215 năm lịch sử hình thành và phát triển, Thành Đông xưa-TP Hải Dương nay có nhiều điểm độc đáo, thú vị còn ít người biết.
1- Đô thị Hải Dương xưa là Thành Đông. Do đó từ "đông" được dùng để chỉ nhiều địa danh trong thành phố. Chẳng hạn đình Đông Kiều bây giờ vẫn còn ở phố Minh Khai, chùa Đông Đống (tọa lạc ở một chỗ cao về phía đông), nhưng dân gian thường gọi chệch đi là chùa Ông Đống. Bây giờ chùa này có tên mới là chùa Thiên Phúc. Cùng với lý do như thế, phố Quang Trung đoạn có trụ sở của UBND phường bây giờ từng gọi là phố Đông Giang (giang là sông, vì phía đông phố có đoạn sông "chết" do sông Thái Bình đổi dòng, bây giờ là hồ Bạch Đằng). Sau từ "giang" phạm húy (có lẽ trùng với tên Trịnh Giang) nên đổi thành Đông Giàng. Đoạn phố tiếp theo phố Đông Giàng đến tiếp giáp với phố Nguyễn Du bây giờ có tên là phố Đông Thị. Ngã tư tiếp đó gọi là ngã tư Đông Thị. Đây là trung tâm của Thành Đông lúc bấy giờ. Ở đó có nhiều hiệu sách lớn là Trịnh Văn, Chi Lan, Thanh Niên, Trần Thanh Thảo... Có cả một rạp tuồng ở giữa phố.
2- Thành Đông xưa cũng có nhiều tên phố đặt theo phường hội như Hà Nội. Chẳng hạn như phố Hàng Giày (nay là phố Sơn Hòa), tiếp theo là Hàng Bạc, rồi Hàng Đồng (nay là Xuân Đài). Tiếp nữa là Hàng Lọng (phố Tuy An). Còn phố Tuy Hòa xưa có tên là phố Kho Bạc...
3- Thành Đông xưa nằm cạnh ngã ba sông (tức sông Thái Bình và sông Sặt) nên từng có một cảng nhỏ trên sông Sặt ở đoạn phố Tam Giang bây giờ có tên là Bến Bè. Hồi đó, nơi này quanh năm có thuyền ngược xuôi, nhất là các bè chở gỗ từ miền ngược về.
Trước đây, trên sông Sặt đoạn phố Tam Giang từng có một bến cảng nhỏ gọi là Bến Bè
4- Sông Sặt có tên vậy vì xưa có nhiều cây sặt. Con sông này là đường giao thông huyết mạch giữa Thành Đông với thị trấn Sặt. Thêm nữa mùa hạ nước triều lên, con sông như một "máy điều hòa nhiệt độ" của tự nhiên, làm mát mẻ cho phía nam thành phố. Vì thế thời Pháp thuộc, các công sở của họ đều nằm dọc theo sông Sặt như nhà Công Chính (nay là khu nhà làm việc của Tỉnh ủy). Sở Giao thông bây giờ có kiến trúc vào loại đẹp nhất thành phố cũng là trụ sở của người Pháp xưa xây dựng ven bờ sông này.
5- Thành Đông xưa phần lớn là nhà ngói 1 tầng. Đến thời Pháp thuộc, nhân dân mới làm nhà 2 tầng và phần lớn theo kiến trúc Pháp như ở Hà Nội. Dù đến nay người dân đã xây lại cho tiện nghi hơn nhưng rải rác vẫn sót lại những ngôi nhà có kiến trúc cổ đó.
6- Bây giờ cây bóng mát trong thành phố đa dạng nhưng xưa kia Thành Đông chỉ trồng nhiều cây bàng và lác đác vài cây long não, hoa sữa.
7- Thành Đông đã từng có sân bay ngay trong thành phố. Đó chính là đại lộ Hồng Quang bây giờ. Sân bay này kéo dài từ Quảng trường Độc Lập đến sân ga, dài khoảng trên dưới 500 m. Nhưng sân bay Thành Đông chỉ dùng cho các máy bay nhỏ lên xuống.
8- Hải Dương từng bố trí nam nữ học ở trường riêng như ở Hà Nội, cụ thể trường Tô Hiệu bây giờ là trường nam tiểu học, trường Võ Thị Sáu bây giờ là trường nữ tiểu học. Mãi những năm 40 thế kỷ trước mới có trường trung học. Đông Hải là trường trung học tư thục đầu tiên của Thành Đông, do nhà giáo Nguyễn Sinh Anh làm hiệu trưởng. Tiếp đó là trường trung học công lập Nguyễn Bỉnh Khiêm do nhà giáo Nguyên Văn Dần làm hiệu trưởng. Cuối thập niên 50 của thế kỷ trước Thành Đông mới có trường cấp 3 đầu tiên là Trường PTTH Hồng Quang do nhà giáo Trần Hữu Hùng làm hiệu trưởng, nhưng khi ấy là của cả khu Tả Ngạn nên có cả học sinh của Thái Bình, Hưng Yên, Kiến An đến học.
Bởi các lý do trên, Thành Đông tuy nhỏ và thành lập sau nhưng ở thế kỷ trước đã được xếp vào đô thị thứ tư ở miền Bắc, chỉ sau Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.
NGUYỄN VĂN KHANG