Thời gian qua, ngành ngân hàng Hải Dương đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
7 thập kỷ qua, ngành ngân hàng đã và đang khẳng định được vị thế, vai trò ngày càng quan trọng trên cả phương diện quản lý nhà nước, kinh doanh tiền tệ
Ngược thời gian 70 năm trước, ngày 6.5.1951, tại Hang Bòng thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, chính thức khai sinh ngành ngân hàng Việt Nam.
Lịch sử vẻ vang
Đây là sự kiện trọng đại, mở đầu cho một thời kỳ lịch sử vẻ vang trong quá trình phát triển nền tiền tệ độc lập và hoạt động ngân hàng Việt Nam. Người đầu tiên được giao trọng trách đứng đầu ngành ngân hàng thời điểm đó là cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, người con của quê hương Hải Dương, người đã đặt nền móng, đóng góp công lao rất to lớn đối với sự nghiệp của ngành mà lịch sử còn mãi ghi công.
Chỉ ít ngày sau khi Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập, tháng 6.1951, Ngân hàng Hải Dương cũng chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Khởi điểm là một Đại lý Ngân hàng với 9 cán bộ, cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ và kinh nghiệm hoạt động ngân hàng còn hạn chế. Với nhiệt tình cách mạng cao, vừa học vừa làm, Đại lý Ngân hàng Hải Dương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó như quản lý việc phát hành giấy bạc, tổ chức lưu thông tiền tệ, quản lý Kho bạc Nhà nước, huy động vốn để cho vay phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa, đấu tranh tiền tệ với địch…
Trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với toàn ngành, Ngân hàng Hải Dương vừa cung cấp nguồn tài chính vừa cung cấp sức người cho kháng chiến, kiến quốc, xây dựng hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia độc lập. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, 104 cán bộ Ngân hàng Hải Dương đã lên đường nhập ngũ. Dù ở trên mặt trận nào, trong hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ Ngân hàng Hải Dương cũng vững vàng, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh để góp phần vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hỗ trợ ngành ngân hàng nước bạn Campuchia.
Ngay sau khi đất nước thống nhất, ngành ngân hàng lại đảm nhận trọng trách cung cấp nguồn vốn cho việc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Bước vào thời kỳ đổi mới, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, cùng với ngân hàng cả nước, ngành ngân hàng Hải Dương lại là lực lượng đi đầu trong ổn định kinh tế vĩ mô, đáp ứng có hiệu quả các nhu cầu vốn kiến thiết, đưa nước ta thoát khỏi tàn phá của chiến tranh và vượt qua cuộc khủng hoảng lạm phát phi mã.
Cùng Hải Dương phát triển
Trước yêu cầu mới của sự phát triển, tháng 5.1990, hai pháp lệnh về ngân hàng ra đời, chuyển cơ chế hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ 1cấp sang 2 cấp. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng và thực thi nhiệm vụ của một ngân hàng trung ương, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng, thanh toán ngoại hối và dịch vụ ngân hàng trong khuôn khổ pháp luật. Tháng 10.1998, Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành. Đây là hành lang pháp lý quan trọng mở đường cho sự phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam trong tiến trình đổi mới.
Bước sang những năm đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng quyết liệt công cụ chính sách tiền tệ để giải quyết khó khăn và đạt kết quả nổi bật trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, mặt bằng lãi suất giảm mạnh, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối được tăng cường; tín dụng tập trung chủ yếu vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trước tác động của đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân để cùng đồng hành vượt qua khó khăn…
Nhìn lại chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, ngành ngân hàng nói chung và ngành ngân hàng Hải Dương nói riêng có những bước phát triển toàn diện, vượt bậc, đã và đang khẳng định được vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của mình trên cả phương diện quản lý nhà nước, kinh doanh tiền tệ.
Trong công tác quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương đã chủ động, tích cực tham mưu và phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều hội nghị, văn bản để triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm đúng chủ trương, phù hợp tình hình thực tiễn. Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường giám sát từ xa, bảo đảm an toàn hệ thống. Đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua việc tinh gọn bộ máy, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, công khai quy trình, thủ tục…
Trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, với 100 đầu mối của các tổ chức tín dụng, đa dạng về loại hình, mở rộng về quy mô, bao phủ khắp các địa bàn trong tỉnh. Cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, hiện đại, nhiều tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Nếu như năm 1960, nguồn vốn huy động mới đạt 2 triệu đồng; năm 2010 đã đạt hơn 20.000 tỷ đồng; đến ngày 31.12.2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 138.886 tỷ đồng. Giai đoạn 2010 - 2020, nguồn vốn huy động tăng trưởng bình quân 21,3%/năm. Dư nợ tín dụng cũng không ngừng tăng lên. Đến ngày 31.12.2020, tổng dư nợ đạt 90.322 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với cuối năm 2010. Ngành ngân hàng Hải Dương đã thực sự khơi thông dòng vốn, huy động được một lượng lớn tiền nhàn rỗi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Tập trung tín dụng vào những ngành, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao; những đề án, dự án, công trình trọng điểm, giảm nghèo theo chủ trương của các kỳ Đại hội Đảng các cấp và chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh.
Nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tiềm năng, thế mạnh của địa phương được khai thác, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tích cực trên cơ sở phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế và dịch vụ gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Các dự án, công trình trọng điểm được hoàn thiện và đi vào hoạt động, đã làm thay đổi diện mạo của tỉnh như Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch, khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (Ecoriver), các khu công nghiệp: Đại An, Tân Trường, Nam Sách... Đây là những minh chứng cụ thể cho sự đóng góp của đồng vốn ngân hàng với sự phát triển kinh tế của địa phương.
Ngành ngân hàng luôn đồng hành hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất
Chủ động thích ứng
Nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, từ năm 2014, ngành ngân hàng Hải Dương đã đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Hàng nghìn khách hàng được tiếp cận nguồn vốn với nhiều chính sách ưu đãi. Nhiều khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh được xem xét tháo gỡ. Trước tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã đồng hành hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.
Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngành ngân hàng Hải Dương cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ, cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích, tiên tiến. Người dân có thể lựa chọn các phương thức thanh toán điện tử qua nhiều kênh như internet, thiết bị di động, quét QR Code… Đặc biệt, từ tháng 3.2021, công nghệ định danh điện tử eKYC đã được triển khai, khách hàng theo đó không cần làm thủ tục trực tiếp như quy trình hiện tại.
Để có bước tiến xa hơn, thời gian qua ngành ngân hàng Hải Dương đã tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, đề án củng cố và phát triển hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, đa số các tổ chức tín dụng trong tỉnh hoạt động lành mạnh, hiệu quả. Năng lực quản trị, điều hành được nâng lên, nợ xấu luôn được kiểm soát dưới 2% tổng dư nợ tín dụng.
Song hành với hoạt động kinh doanh tiền tệ, tín dụng ngân hàng, ngoại hối và vàng, ngành ngân hàng Hải Dương tích cực xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể ngày càng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, giai đoạn 2010 - 2020, mỗi năm ngành ngân hàng Hải Dương đã hỗ trợ, ủng hộ khoảng 20 tỷ đồng.
Với kết quả qua các thời kỳ, ngành ngân hàng Hải Dương đã vinh dự đón nhận 63 huân chương các loại, các hạng; 104 cờ thi đua và 1.652 bằng khen của các cấp, ngành trao tặng; 221 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, ngành... Những thành tích mà ngành ngân hàng Hải Dương đạt được là nhờ sự quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, ngành, sự ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân.
HÀ KIÊN