Đình Nại Thượng ở xã Đại Đức (Kim Thành) khá đặc biệt khi thờ tới 7 vị thành hoàng là anh em trong cùng gia đình họ Hoàng.
Tế thành hoàng trong ngày hội truyền thống ở đình Nại Thượng (ảnh tư liệu)
Di sản quý
Đình Nại Thượng xưa thuộc thôn Thượng, đến năm Khải Định 9 (1924), thôn Thượng chuyển thành xã Nại Thượng, thuộc tổng Nại Xuyên, huyện Kim Thành. Nay đình thuộc thôn Nguyễn Bạo.
Theo ngọc phả, sắc phong còn lưu lại, ở trang Nại Xuyên, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương xưa, có gia đình họ Hoàng, huý là Nghiêu, vợ là Lê Thị Phương, vốn dòng dõi thi lễ, giàu có, đức độ, lấy nghề dạy học, bốc thuốc cứu giúp người nghèo khó. Họ sinh được 7 người con, trong đó có 5 người con trai là Uy Công, Thượng Công, Đức Công, Cao Công, Độ Công và 2 người con gái là Thiện Hộ và Thiện Bộ. Lớn lên, cả 7 anh em đều thông minh, văn võ song toàn nổi tiếng trong vùng.
Sắc phong cho bảy vị thành hoàng
Thời gian đó, nước ta có giặc Tô Định, nhà Hán dẫn 5 vạn binh lính đến xâm lược, gây ra bao đau thương tang tóc. Trước cảnh nước mất, nhà tan, hai Bà Trưng Trắc - Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát, Sơn Tây (nay là xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). 7 anh em họ Hoàng liền chiêu mộ nam nữ hương binh tại bản trang được hơn nghìn người đến yết kiến Hai Bà, bày tỏ mong muốn gia nhập cuộc khởi nghĩa chống giặc. Hai Bà thấy 7 anh em đối đáp trôi chảy, có tài văn võ, thao lược liền chiêu nạp, phong cho 5 người con trai chức Tiền đạo đô chỉ huy sứ tướng quân, 2 người con gái là Nội thị. 7 anh em cùng cầm quân phân thành các đạo, tiến thẳng đến đồn Tô Định, đánh một trận lớn khiến cho quân giặc đại bại.
Đất nước thái bình, 7 anh em họ Hoàng được phong hưởng thực ấp ở trang Nại Xuyên. Về bản trang, thấy nhân dân còn nghèo khổ, 7 anh em bèn xuất tiền mua ruộng giúp nhân dân mở mang cày cấy.
Được 3 năm, tướng giặc Mã Viện nhà Hán lại tiếp tục mang quân đến xâm lược. Trưng Vương lo lắng xuống chiếu triệu 7 anh em mang quân đến giúp. Sau nhiều trận chiến đấu, lực lượng ngày càng mỏng dần, quân ta bị địch bao vây, 7 anh em khi chèo thuyền đến sông Ngọ Dương thì bỗng nhiên hóa (mất). Nhân dân trang Nại Xuyên nghe tin vô cùng thương tiếc đã lập miếu thờ 7 anh em, tôn làm thành hoàng.
Đến đời vua Lê Đại Hành, niên hiệu Thiên Phúc khảo cứu bách thần thấy 7 anh em họ Hoàng có công với triều Trưng Nữ Vương, lại có linh ứng với bản triều, nên được ban sắc phong với thần hiệu Đương cảnh Thành hoàng linh ứng Đại vương, cho trang Nại Xuyên đón sắc chỉ về thờ. Các triều vua sau này đều có sắc phong cho 7 anh em.
Theo truyền ngôn, đình Nại Thượng nguyên là một ngôi miếu nhỏ. Hoà bình lập lại (1954), nhân dân địa phương xây dựng tạm 2 gian nhà nhỏ để làm nơi thờ các vị thành hoàng của làng. Đến năm 1998, bằng sự đóng góp của nhân dân và các nhà hảo tâm, đình Nại Thượng được khôi phục lại trên nền cũ.
Hiện đình còn lưu giữ một số cổ vật như 3 tấm bia đá có niên đại hàng trăm năm.
Nhiều tục lệ độc đáo
Ông Ngô Quý Cải, thành viên Ban Quản lý di tích cho biết lễ hội đình Nại Thượng là một trong những lễ hội lớn trong vùng và có nhiều tục lệ độc đáo. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, hằng năm, làng thường có 4 dịp tế lễ (tính theo âm lịch) là: 11 tháng giêng; 1 tháng 4; 15 tháng 11 và 25 tháng 12, trong đó dịp tế lễ 15 tháng 11 là lớn nhất. Làng có 4 giáp: Lý Nhân, Tân Giáp, Trung Hoà và Cựu Dân, mỗi giáp đều được giao ruộng công cấy lúa, nuôi lợn để chuẩn bị lễ vật dâng cúng. Chiều 14.11, dân làng tổ chức rước kiệu của Uy Công (người anh cả) từ đình đến đống Đền Chào tế lễ. Đoàn rước kiệu của đình làng Ngọ Dương, làng Đính, làng Nái, làng Kim Định trong tổng Đại Xuyên cũng rước đến đình Nại Thượng với ý nghĩa giao hảo giữa các địa phương.
Khuôn viên đình Nại Thượng
Sáng 15, các giáp rước lợn sống, bánh giầy, bánh chưng ra bến nước trước cửa đình. Sau đó đến phần thi mổ lợn nhanh nhất. Ngoài tục thi mổ lợn, tại đây còn diễn ra tục thi làm bánh giầy cũng khá hấp dẫn. Lễ hội hiện nay diễn ra trong ngày 14 và 15.11.
Với những giá trị lịch sử, đình Nại Thượng đã được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2005.
NHẬT HỮU