Tài chính - Ngân hàng

7 năm, Kho bạc gửi ngân hàng gần 7,8 triệu tỷ tiền nhàn rỗi

Theo VnExpress 20/11/2023 17:10

Trong gần 7 năm, gần 7,8 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ngân quỹ nhà nước được gửi có kỳ hạn ở ngân hàng thương mại, hưởng lãi 25.100 tỷ đồng.

Thông tin trên được Bộ Tài chính đưa ra trong tờ trình gửi Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 năm 2016 về chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.

Theo đó, từ năm 2017 đến 31/10/2023, số tiền lãi từ khoản ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại là gần 25.100 tỷ đồng. Con số này cao hơn khoảng 18.100 tỷ đồng so với chỉ gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước.

Bộ Tài chính đã sử dụng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương vay hơn 208.000 tỷ đồng; cho ngân sách địa phương tạm ứng hơn 5.600 tỷ đồng. Ngân quỹ nhà nước cũng được mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị giao dịch 7.000 tỷ đồng. Số lãi thu được là 6 tỷ đồng.

Giao dịch tiền mặt tại một ngân hàng. Ảnh: Giang Huy

Giao dịch tiền mặt tại một ngân hàng

Bộ Tài chính cho biết, thông qua việc quản lý hiệu quả ngân quỹ nhà nước, đến 31/10, Bộ Tài chính đã góp hơn 19.078 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Ngân quỹ nhà nước là toàn bộ tiền mặt tại các đơn vị Kho bạc; các khoản tiền của Nhà nước có trên các tài khoản của Kho bạc mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.

Hiện ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng theo các thứ tự ưu tiên như sau: cho ngân sách Nhà nước vay để bù đắp bội chi, trả nợ gốc và tạm ứng cho ngân sách khi nguồn thu chưa tập trung kịp; gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất; và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa đổi quy định để điều chỉnh thứ tự ưu tiên cho các mục đích có tính cấp thiết cao hơn, mức độ an toàn cao hơn.

Cụ thể, ưu tiên trước hết là cho ngân sách trung ương tạm ứng, vay; cho ngân sách địa phương cấp tỉnh tạm ứng, vay. Tiếp đó là cho mua bán lại trái phiếu Chính phủ (có tài sản bảo đảm là trái phiếu Chính phủ) và gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại xếp xuống cuối cùng.

Để tối đa lợi ích từ nguồn tiền nhàn rỗi, Kho bạc Nhà nước thường gửi tiền thanh toán (không kỳ hạn) và có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Đây là nguồn vốn tốt mà nhiều nhà băng mong muốn, song không phải ai cũng được tiếp cận. Tại dự thảo mới, để đảm bảo vừa an toàn vừa đáp ứng khả năng chi trả, Bộ Tài chính đề xuất chỉ gửi tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phẩn có vốn Nhà nước trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng đã được mua bắt buộc hoặc đang được kiểm soát đặc biệt). Thời hạn gửi tối đa sẽ không vượt quá 3 tháng; hạn mức gửi tối đa không quá 50% khả năng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi. Cơ quan quản lý cũng sẽ phải thực hiện đấu thầu cạnh tranh lãi suất, đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    7 năm, Kho bạc gửi ngân hàng gần 7,8 triệu tỷ tiền nhàn rỗi