60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển: Bài 4: Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

23/10/2021 07:03

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam.


>>> ​Bài 2: Góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”
>>> ​Bài 3: Góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”


Đoàn 125 chở bộ đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975)

Từ năm 1961 đến năm 1975, cán bộ, chiến sỹ trên tuyến vận tải biển đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khắc phục khó khăn, mưu trí, dũng cảm, táo bạo; vượt qua sóng to, gió lớn; vượt qua sự phong tỏa ác liệt, vây ráp gắt gao của kẻ thù. Hàng trăm lượt tàu đã ra khơi, hàng nghìn tấn vũ khí, hàng hóa, thuốc chữa bệnh và hàng chục nghìn lượt người đã từ hậu phương lớn vào tiền tuyến lớn, trực tiếp góp phần cùng toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Bị thất bại nặng nề trong chiến dịch đánh phá bằng không quân ra miền Bắc, cùng với thắng lợi của quân dân ta trên chiến trường miền Nam, ngày 27.1.1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, rút hết quân đội về nước, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, chúng tìm mọi cách tiếp sức cho ngụy quyền Sài Gòn xây dựng lực lượng, mở rộng chiến tranh, lấn chiếm vùng giải phóng, đánh phá các cơ sở cách mạng của ta, duy trì chính sách cai trị độc tài phát xít. Nhiệm vụ của toàn quân lúc này là ra sức củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng chiến đấu, đập tan âm mưu gây lại chiến tranh của địch.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Đoàn 125 tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng, thành lập thêm tiểu đoàn, tiếp nhận thêm tàu mới, tăng cường huấn luyện nâng cao trình độ mọi mặt và rèn luyện ý chí chiến đấu cho cán bộ, chiến sỹ, sẵn sàng lên đường khi có lệnh.

Đầu năm 1973, đoàn nhận nhiệm vụ vận chuyển 3.000 tấn vũ khí vào Khu IV trên tuyến đường từ Hải Phòng đến sông Gianh (Quảng Bình). Với tinh thần trách nhiệm cao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trong 63 ngày đêm liên tục, đoàn đã vận chuyển vượt kế hoạch với trên 4.000 tấn hàng vào các binh trạm của Cục Vận tải quân sự thuộc Tổng cục Hậu cần ở nam Khu IV.

Quý II năm 1973, đoàn nhận nhiệm vụ vận chuyển 12.000 tấn hàng vào Quảng Bình cho binh trạm 30 và 19. Đoàn đã tổ chức 161 chuyến tàu, vận chuyển 11.365 tấn hàng vào nam Khu IV an toàn. Đầu tháng 11.1973, Đoàn phối hợp với một số đơn vị, vận chuyển 26 xe cơ giới, 16 máy kéo cho Khu V và căn cứ K5 qua cảng Đông Hà, Quảng Trị. Tiếp đó, năm 1974, đoàn vận chuyển 15.000 tấn hàng từ Hải Phòng vào Nhật Lệ, Quảng Bình và từ Hải Phòng vào Cửa Việt, Quảng Trị. Trong 2 năm 1973-1974, đoàn đã huy động 380 lượt tàu ra khơi, chuyên chở trên 43.000 tấn hàng, đưa 2.042 lượt cán bộ, chiến sỹ từ hậu phương ra tiền tuyến và từ đất liền ra đảo, vượt qua chặng đường 158.292 hải lý an toàn.

Cuối năm 1974, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ có lợi cho ta, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Đoàn 125 vận chuyển vũ khí và bộ đội vào sâu hơn nữa, sát hơn nữa nơi ta mở chiến dịch.

Thực hiện chủ trương của Bộ Tổng tham mưu, Đoàn 125 huy động toàn bộ lực lượng thực hiện đợt vận chuyển binh lực đột kích chủ yếu vào chiến trường (mật danh T5) và vận chuyển phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với tinh thần thần tốc, táo bạo chở người và vũ khí vào mặt trận. Trong tháng 3 và 4.1975, đoàn đã vận chuyển 17.473 cán bộ, chiến sỹ các đơn vị chủ lực vào chiến trường, 40 xe tăng và 7.786 tấn vũ khí, nhiên liệu…, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 4.4.1975, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Quân chủng Hải quân khẩn trương chuẩn bị lực lượng để giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ. Quyết tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi giải phóng đảo; kiên quyết không để lực lượng khác lợi dụng tình hình đánh chiếm đảo trước ta.

Thời gian lúc này là lực lượng. Đoàn 125 nhanh chóng thành lập một biên đội gồm 3 tàu: tàu 673, 674, 675 do đồng chí Dương Tấn Kịch chỉ huy, hành quân từ Hải Phòng vào Đà Nẵng chở Đoàn 126 Bộ đội đặc công Hải quân và một bộ phận của Tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu V ra giải phóng đảo. Từ ngày 14 đến 29.4.1975, các lực lượng của ta đã nhanh chóng giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa. Tiếp đó, Đoàn 125 tham gia giải phóng một số đảo ở miền Trung và vùng biển Tây Nam.

Như vậy, trong 80 ngày đêm hoạt động khẩn trương, liên tục, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đoàn đã tổ chức 143 lần chiếc tàu ra khơi, hành trình 65.721 hải lý, vận chuyển 18.741 cán bộ, chiến sỹ, 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và các loại súng, pháo, đánh chìm 1 tàu PCF (tàu chiến) của địch, đánh hỏng nặng 3 tàu khác, gọi hàng 1 tàu, bắt 42 tù binh, trực tiếp góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ngày 3.6.1976, Đoàn 125 đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.

Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một biểu tượng tự hào của cả dân tộc Việt Nam, hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc; là trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trong đó cán bộ, chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam, mà trực tiếp là Đoàn 759 trước đây, Đoàn vận tải quân sự 125 và Lữ đoàn 125 ngày nay, là lực lượng nòng cốt.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển: Bài 4: Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước